Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tình trạng dạy thêm, học thêm ở phố núi: Không biết hay buông lỏng quản lý?

Thứ Tư 01/07/2020 | 11:13 GMT+7

VHO- Dù việc tổ chức dạy thêm, học thêm ở cấp Tiểu học đã bị cấm từ nhiều năm nay, song trên thực tế, việc này vẫn đang nằm trên… quy định, bởi nó cứ ngang nhiên diễn ra mà chưa bị bất kỳ cơ quan chức năng nào xử lý. 

Đơn cử như tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, chỉ cần lên mạng internet gõ từ khóa “Gia sư Gia Lai” hoặc “Gia sư Pleiku” sẽ xuất hiện vô số địa chỉ nhận dạy thêm, học thêm từ lớp 1 đến lớp 12, nhận dạy kèm tại nhà với đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm đang giảng dạy tại các trường Tiểu học, THCS và THPT, có năng lực chuyên môn tốt, tận tâm, nhiệt tình… 

 Một cơ sở dạy thêm của Trung tâm Gia sư Minh Khang ở đường Phan Đình Phùng, phường Trà Bá, TP Pleiku

“Bát nháo” dạy thêm, học thêm 

Trong vai phụ huynh đến xin học cho con tại Trung tâm Gia sư Minh Khang (76/2 Phan Đình Phùng, TP Pleiku), chúng tôi được một người phụ nữ đứng tuổi tên Lan, xưng là chủ cơ sở, vui vẻ tiếp đón. Khi biết chúng tôi đang có ý định xin cho con đang học lớp 3 tới học thêm tại đây, người phụ nữ này liền dẫn chúng tôi xuống dãy nhà trọ gồm 4 phòng (bên trong mỗi phòng có khoảng 10 cháu đang học) rồi giới thiệu: “Trung tâm của chị có ba cơ sở, một ở đây, một ở bên đường Phạm Văn Đồng và một cũng nằm trên đường Phan Đình Phùng. Cơ sở của chị mở được 4 năm rồi, nhận dạy thêm từ lớp 1 đến lớp 9. Thời điểm này các cháu Tiểu học đã sắp thi học kỳ nên ngày học hai buổi sáng - tối. Nếu em đồng ý thì chiều chở cháu đến rồi làm phiếu đăng ký. Học sinh chỗ chị là theo từ lớp 1 tới bây giờ, lớp 3 cũng rất đông. Học phí trung bình là 1 triệu/tháng, cháu nào học yếu quá thì 1,2 triệu, dạy 3 môn Toán, Tiếng Việt và Anh văn. Giai đoạn ôn thi này chị phải cho học ngày học đêm, tăng thời gian để kịp thi đạt kết quả tốt. Cận ngày thi rồi mà tụi em đến muộn quá, bây giờ muốn cháu có kiến thức lâu dài như người ta thì nên gửi ở chỗ chị, còn muốn con có điểm cao thì nên gửi học chỗ cô giáo chủ nhiệm”. 

“Mình dạy ở đây có bị kiểm tra không chị?” (PV đặt câu hỏi). “Thật ra thì họ (cơ quan chức năng - PV) biết hết chứ, nhưng mà người ta ngó lơ, vì không học chỗ mình thì cũng học chỗ khác, giờ ai chẳng dạy, giáo viên dạy, cả hiệu trưởng cũng dạy nữa”, chị Lan nói. 

Viện cớ con không đáp ứng được lịch học, chúng tôi chào bà chủ ra về. Trong đầu tôi cứ trăn trở suy nghĩ, với số lượng vài chục cháu đang theo học ở một cơ sở như vậy, mức học phí trung bình 1 triệu đồng/cháu, mỗi tháng cơ sở này đã thu về hàng chục triệu đồng; ba cơ sở thì con số thu về sẽ lên tới hàng trăm triệu đồng. Với lợi nhuận cao như vậy, họ bất chấp lệnh “cấm” cũng là lẽ thường tình! 

Với mong muốn tìm hiểu việc có hay không giáo viên Tiểu học tổ chức dạy thêm ở ngoài trường, qua lời giới thiệu của một số phụ huynh, chúng tôi tiếp tục tìm đến điểm dạy thêm ở số nhà 42/5B Lý Nam Đế, phường Trà Bá, TP Pleiku. Tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh có rất nhiều phụ huynh đang đứng đợi đón con tan học. Cũng trong vai người đi xin học cho con, chúng tôi gọi điện thoại cho cô N.T.T.K (giáo viên Trường Tiểu học Ngô Mây, phường Trà Bá, TP Pleiku), chủ cơ sở dạy thêm này. Tuy nhiên, vì đã quá gần ngày thi học kỳ II nên cô giáo K từ chối: “Bây giờ thi đến nơi rồi mà em, còn có 1 tuần nữa thì sao học kịp được, không có cách nào ôn cho nó được đâu”. 

Các em học sinh Tiểu học đứng đợi cha mẹ đón về sau giờ học thêm

Cơ quan quản lý ở đâu? 

Liên hệ với Trường Tiểu học Ngô Mây để tìm hiểu về tình trạng dạy thêm, học thêm của giáo viên trong trường, thầy Nguyễn Trung Thành, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã quán triệt tới cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh về việc thực hiện theo đúng Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT, Quyết định 23 của UBND tỉnh quy định về dạy thêm, học thêm. Chức trách của Nhà trường là quản lý giáo viên theo đúng quy định, tuyên truyền, giải thích để họ thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Còn kiểm tra việc dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường thuộc chức trách của Phòng GD&ĐT thành phố và UBND phường sở tại. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ ý kiến phản ánh nào về việc cán bộ, giáo viên của trường tổ chức dạy thêm, học thêm cả”, thầy Thành khẳng định. 

Bà Nguyễn Thị Ái Quyên, Chủ tịch UBND phường Trà Bá, TP Pleiku thì cho biết, đúng là theo quy định, phường có chức năng kiểm tra đột xuất, nhưng chỉ thực hiện khi Phòng GD&DT có yêu cầu. Từ đầu năm học 2019 - 2020 đến nay, Phòng GD&ĐT và UBND phường chưa tiến hành kiểm tra tình trạng dạy thêm và học thêm lần nào trên địa bàn phường quản lý. “Vừa rồi có đơn thư phản ánh giáo viên của Trường Tiểu học Ngô Mây tổ chức dạy thêm ở nhà, chúng tôi đã phối hợp với Tổ dân phố số 7 kiểm tra tại địa chỉ 308/26 của thầy giáo T, nhưng chỉ phát hiện có một tấm bảng, không có bàn ghế cũng không có học sinh nên không thể xác định được họ có tổ chức dạy thêm hay không”, bà Quyên cho hay. 

Trao đổi với chúng tôi vào chiều ngày 25.6, thầy giáo Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng GD&ĐT TP Pleiku cho biết, năm học 2019-2020 toàn TP có 1.627 nhóm/lớp với 57.446 học sinh. Trong đó, riêng cấp Tiểu học có 27 trường, 715 lớp, với 25.516 học sinh. Liên quan đến việc tổ chức dạy thêm và học thêm, toàn TP hiện có 55 cơ sở được cấp phép và đang còn hiệu lực. Trong đó, không có cơ sở nào được cấp phép dạy thêm, học thêm cho cấp Tiểu học và cũng không có trường hợp nào bị xử lý do dạy thêm sai quy định. 

“Vừa rồi, chỗ Trường Tiểu học Ngô Mây có đơn thư phản ánh đồng chí Hiệu trưởng bao che cho việc dạy thêm, học thêm, tôi và Chủ tịch UBND TP có xuống kiểm tra, họp Hội đồng giáo viên nhưng không xác định được vì đó là đơn thư nặc danh. Trong cuộc họp cũng không có giáo viên nào có ý kiến gì cả nên không có cơ sở để xử lý. Các gia đình giờ chỉ có 1, 2 con thôi nên ai cũng muốn con mình được học hành tốt nhất. Trên văn bản thì cấm tuyệt đối chuyện đó, nhưng thực tế đúng là vẫn còn việc dạy thêm. Chúng tôi đã quán triệt tới các hiệu trưởng và yêu cầu các trường tăng cường đi kiểm tra trực tiếp, phát hiện sai phạm thì phối hợp địa phương và Phòng GD&ĐT để xử lý. Tôi xin khẳng định là không cho phép dạy thêm, học thêm, nếu phát hiện ra sẽ xử lý nghiêm, việc này không có vùng cấm”, thầy Thức chia sẻ. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, sau buổi làm việc với PV, ngay trong chiều 25.6, Phòng GD&ĐT Thành phố đã phối hợp với Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm đối với một cán bộ giáo viên của Trường tổ chức dạy thêm sai quy định. Tiếp đó, sáng 28.6, Phòng GD&ĐT đã tổ chức cuộc họp riêng với các Hiệu trưởng bậc Tiểu học liên quan đến vấn đề tổ chức dạy thêm và học thêm. 

Rõ ràng, dư luận có quyền đặt câu hỏi, vì sao tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan ở TP Pleiku, bất chấp lệnh cấm mà không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra xử lý? Liệu rằng cơ quan chức năng ở đây không biết thật hay buông lỏng quản lý?! 

 NGỌC HÒA
 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top