Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Xúc động lễ kỷ niệm 99 năm ngày sinh GS.TS Trần Văn Khê

Thứ Sáu 24/07/2020 | 19:00 GMT+7

VHO - Ngày 24.7, tại TP.HCM, Trường ĐH Văn Lang và Ban thân hữu Trần Văn Khê đồng tổ chức chương trình kỷ niệm 99 năm ngày sinh GS.TS Trần Văn Khê (24.7.1921-24.7.2020). Buổi lễ diễn ra tại Hội trường Trịnh Công Sơn (Trường ĐH Văn Lang), trong không khí trang trọng và ấm áp với sự tham dự của các nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật, âm nhạc, văn nghệ sĩ và sinh viên. Đây là bước khởi đầu cho việc thành lập Quỹ Trần Văn Khê trong thời gian tới. 

Các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ chia sẻ tại tọa đàm "Những bài học văn hóa từ GS.TS Trần Văn Khê"

Mở đầu buổi lễ, người xem đã thật sự xúc động khi được xem lại những đoạn phim về GS.TS Trần Văn Khê lúc sinh thời. Đặc biệt, tiết mục văn nghệ hát đồng dao Con công hay múa - một sáng tác của GS.TS Trần Văn Khê do biên đạo múa Hữu Phúc, Y Nhã dàn dựng cho các em thiếu nhi biểu diễn trên lời hát của chính GS.TS Trần Văn Khê tại lễ kỷ niệm nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả và sinh viên, đã làm cho buổi lễ càng trở nên thiêng liêng…
Trong lời phát biểu khai mạc, Nhà báo - nhà văn Dương Trọng Dật, Viện trưởng Viện Đào tạo Nghệ thuật và Truyền thông, Giám đốc Nhà hát Truyền hình Văn Lang xúc động bày tỏ: “GS.TS Trần Văn Khê là đại sứ âm nhạc truyền thống của Việt Nam, nhưng trên cả vai trò của đại sứ thông thường, ông là người góp phần nâng âm nhạc truyền thống ngang tầm với các nền âm nhạc cổ truyền của các nền văn hóa - nghệ thuật độc đáo khác trên thế giới”. Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, đại diện nhóm thân hữu, cũng là người tổ chức sự kiện chia sẻ: "Đây là một hoạt động phối hợp, giao kết lần đầu tiên giữa Trường ĐH Văn Lang và nhóm thân hữu Trần Văn Khê, như là bước đệm chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.TS Trần Văn Khê vào năm 2021, đồng thời cũng sẽ công bố thành lập Quỹ Trần Văn Khê. 

NSND Kim Cương xúc động kể lại những kỷ niệm với GS.TS Trân Văn Khê

Tại chương trình, đông đảo sinh viên đã được nghe những chia sẻ của các diễn giả xung quanh chủ đề "Những bài học văn hóa từ GS.TS Trần Văn Khê" từ NSND Kim Cương, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, tiến sĩ Nguyễn Nhã, NSƯT Thành Lộc, nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng và nhà báo Nguyễn Thế Thanh. 
NSND Kim Cương bày tỏ: “Anh Trần Văn Khê như một ngọn đèn dẫn lối cho anh em nghệ sĩ chúng tôi đi. Đối với tôi, anh là người thầy lớn không bao giờ mất trong lòng tôi. Câu nói ấn tượng nhất của anh luôn đi theo tôi suốt trong cuộc đời đó là ‘Nền văn hóa nào cũng có quê hương, mình có học được cái hay ở bên ngoài nhưng đừng quên nền văn hóa Việt Nam’. Những câu nói, những bài học, việc làm của anh Khê đối với tôi chính là kim chỉ nam dẫn dắt suốt cuộc đời làm nghệ thuật của tôi”. Theo TS Nguyễn Nhã: “Những gì hay nhất của GS.TS Trần Văn Khê không chỉ ở âm nhạc mà còn ở văn hóa. Theo tôi, GS Khê là người có tâm giữ hồn dân tộc qua âm nhạc và văn hóa”. NSƯT Thành Lộc nhớ lại hai lần GS.TS Trần Văn Khê đến xem vở Bí mật vườn Lệ Chi do anh đạo diễn, lần nào ông cũng khóc vì xúc động vì thế hệ kế thừa đã biết trân trọng và làm tốt vai trò trao truyền văn hóa dân tộc mà cả đời ông theo đuổi. NSƯT Thành Lộc cho biết những lời động viên, nhận xét cũng như cốt cách trong con người của GS.TS Trần Văn Khê khiến cho anh vô cùng nể trọng, đó chính là một nhân cách lớn mà anh luôn kính trọng và noi theo…

NSƯT Huỳnh Khải cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ hòa tấu các giai điệu tài tử tại chương trình

Bên cạnh đó, tham dự chương trình kỷ niệm 99 năm ngày sinh GS.TS Trần Văn Khê còn có sự góp mặt Nhạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Kim Tử Long, NS Kim Tiểu Long cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công,… biểu diễn nhiều tiết mục đờn ca tài tử, cải lương, nhằm giới thiệu những nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật dân tộc đến với sinh viên. Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức còn trưng bày hình ảnh, tài liệu, sách báo về GS.TS Trần Văn Khê; giới thiệu các hiện vật, nhạc cụ dân tộc gắn bó với GS lúc sinh thời...
GS.TS Trần Văn Khê từ giã thế giới hiện hữu vào ngày 24.6.2015. Ông để lại cho cuộc đời một tấm gương sáng về tài năng và trách nhiệm đối với việc gìn giữ, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam. Năm 2020 là tròn 5 năm ngày mất và 99 năm ngày sinh của GS Trần Văn Khê. Nhớ về ông là nhớ về một con người cả cuộc đời đã chuyên chú tâm sức cho việc nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Pháp và khắp mọi nơi trên thế giới. Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao. Sự đánh giá đó đã góp phần đưa đến công nhận và vinh danh ở tầm mức thế giới các loại hình nhã nhạc cung đình Huế, không gian cồng chiêng Tây nguyên, ca trù, đờn ca tài tử, quan họ, hát xoan,..

Đại biểu và sinh viên có mặt tại Hội trường Trịnh Công Sơn tham dự lễ kỷ niệm

Kể từ năm 1958, khi trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng tiến sĩ văn chương ngành Nhạc học hạng tối ưu tại Đại học Sorbonne (Pháp) với bản luận văn Âm nhạc truyền thống Việt Nam, suốt 50 năm sau đó, Trần Văn Khê đã tự nhận lấy trách nhiệm nghiên cứu và giới thiệu nền âm nhạc dân tộc Việt Nam mà ông cho là “rất hay, rất đẹp” với bạn bè trên thế giới và trao truyền cho các thế hệ người Việt. 
GS Trần Văn Khê từng nói: "Cả cuộc đời mình, ông chỉ làm một công việc và nếu còn sức cũng chỉ làm công việc ấy, đó là góp phần nghiên cứu và giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam rộng khắp năm châu, sâu trong dân tộc”.

Theo Ban tổ chức, không gian văn hóa Trần Văn Khê cũng đang được xúc tiến thành lập tại Trường ĐH Văn Lang

Bằng tài năng và tâm huyết của mình, GS Trần Văn Khê đã tạo dựng được uy tín rất cao trong giới nghiên cứu âm nhạc thế giới và trở thành thành viên của nhiều tổ chức âm nhạc quốc tế. Đáng chú ý nhất, GS.TS Trần Văn Khê nhiều năm là thành viên rồi Phó chủ tịch Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO và 10 năm liền được tín nhiệm ở vai trò chủ tịch ban tuyển chọn quốc tế của Diễn đàn âm nhạc châu Á.

Ban tổ chức cho biết, cùng với việc thành lập Quỹ Trần Văn Khê để hỗ trợ và phát triển các tài năng về nghệ thuật dân tộc, trong thời gian tới, tại Trường ĐH Văn Lang cũng sẽ xây dựng không gian văn hóa Trần Văn Khê.

THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top