Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Xây dựng công nghiệp văn hóa thành tài sản chiến lược quốc gia

Thứ Sáu 31/07/2020 | 10:47 GMT+7

VHO- Chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, do Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, diễn ra từ ngày 29.7-1.8, cho thấy bên cạnh những tiềm năng, cơ hội thì nền công nghiệp văn hóa cũng đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

 “À ố show” là sản phẩm công nghiệp văn hóa mang lại sức hút lớn cho ngành du lịch

Vì thế, đòi hỏi sự cải tổ mạnh mẽ, toàn diện để có thể nâng cao hiệu quả và vươn tới các thị trường mới trong và ngoài nước...

Tại sao phải phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam? Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các quốc gia ngày càng ảnh hưởng lẫn nhau, các ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hơn cho đất nước. Với thành tố then chốt là vốn văn hóa vững chắc và tinh thần doanh nghiệp, các ngành công nghiệp văn hóa chính là công cụ hữu hiệu cho quá trình tăng trưởng và đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp xây dựng nền kinh tế sáng tạo mạnh mẽ, bao gồm các lĩnh vực có giá trị kinh tế cao…”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho biết, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đang có những điểm yếu như: Hệ thống quản lý và các mô hình đầu tư chưa thực sự phù hợp cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa. Về tổng thể, đầu tư trong lĩnh vực văn hóa còn thấp và một phần đáng kể của đầu tư nằm ở bộ máy quản lý cồng kềnh và phức tạp. Hơn nữa, mô hình đầu tư cho văn hóa chủ yếu vẫn dựa vào Nhà nước và cách thức đầu tư chưa đổi mới, nên các tổ chức văn hóa còn phụ thuộc vào bao cấp, thiếu sự năng động, chưa đa dạng hóa các mô hình kinh doanh, thiếu biện pháp cụ thể để khuyến khích đầu tư của xã hội vào văn hóa, thiếu cơ chế công nhận và động viên phù hợp cho các cá nhân có công lao đóng góp xây dựng. “Các tổ chức văn hóa còn thiếu kỹ năng, năng lực, động lực hay cơ sở pháp lý phù hợp để thu hút các loại hình đầu tư mới hoặc để kinh doanh. Sự thiếu hụt kỹ năng và yếu kém trong kỹ năng quản lý và kỹ năng chuyên môn để có thể thành công trong sáng tạo và kinh doanh văn hóa. Ngoài ra, các cơ chế thích hợp cho sự thành công của công nghiệp văn hóa chưa được vận hành; thị trường nội địa và quốc tế cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam còn kém phát triển”, PGS.TS Sơn phân tích.

Bên cạnh những hạn chế nói trên, các ngành công nghiệp văn hóa cũng đang gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch. Theo TS Nguyễn Thị Thu Hà, trong lĩnh vực văn hóa, tác động của sự bùng nổ dịch Covid-19 được định dạng rõ nét qua tình trạng đóng cửa, dừng hoạt động các thiết chế văn hóa như thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa nghệ thuật, các không gian văn hóa công cộng,… Trong bối cảnh này, văn hóa và nghệ thuật không còn đủ năng lực và cơ hội để thực thi nhiệm vụ căn bản của nó là nền tảng tinh thần và là nguồn lực cho sự phát triển cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của mọi cộng đồng và quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự hiện diện của văn hóa và nghệ thuật trong đời sống của người dân bị dừng đột ngột bởi dịch Covid-19 đã khiến cho chất lượng sống của người người, nhà nhà bị tách biệt, cô lập, hạn chế tương tác xã hội. Văn hóa và nghệ thuật, lúc này, cũng giống như các lĩnh vực khác của đời sống con người, cần có sự chung tay hỗ trợ và ứng cứu từ các cấp chính quyền, quốc gia và liên quốc gia, để họ có thể tồn tại qua khủng hoảng Covid-19, phục hồi, biến đổi tích cực hơn và tiếp tục sứ mệnh của mình trong và ngoài dịch.

Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo, sự đầu tư vào văn hóa hiện nay không thuần túy mang tính văn hóa, nhưng những thành công như À ố show, Kí ức Hội An,… cho thấy đó là minh chứng tuyệt vời để văn hóa có thể trở thành sản phẩm thương mại và đem lại lợi nhuận rất lớn. “Nếu chúng ta biết cách khai thác văn hóa, khai thác sáng tạo và có chiến lược thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng kinh tế rất lớn”, ông Vinh chia sẻ và nói rằng vai trò của tư nhân đối với phát triển công nghiệp văn hóa ngày càng rõ nét và chiếm vị trí quan trọng. Điển hình là ngành Điện ảnh, trong số 40 đầu phim phát hành năm 2019 thì hơn 90% là do tư nhân sản xuất hoặc liên kết với các đơn vị nhà nước.

Giải pháp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được các diễn giả đưa ra là, cần đánh giá mô hình quản trị và đầu tư tổng thể cho văn hóa ở Việt Nam để giảm sự chồng chéo và quan liêu trong cơ cấu ban ngành, khuyến khích một loạt mô hình đầu tư và kinh doanh đối với các tổ chức văn hóa, ứng dụng tinh thần mới về sáng tạo và cải tổ cho các thiết chế văn hóa đang vận hành trì trệ. “Định vị ngành công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo mang tính tổng thể như một chương trình nghị sự trọng điểm trong phát triển của tất cả Bộ, ngành với tầm nhìn đến 2030. Điều này nhằm bảo đảm một cách tiếp cận phối hợp ở các lĩnh vực: Văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục cũng như với các chương trình nghị sự quan trọng khác về phát triển…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay. 

 THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top