Phát huy giá trị di sản văn hóa thu hút khách du lịch ở Ninh Thuận: Khó chồng lên khó

VHO - Tỉnh Ninh Thuận hiện có hàng trăm di tích, trong đó có tới 59 di sản văn hóa đã được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt,15 di sản quốc gia). Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đang là vấn đề lớn được các cấp, Sở, ngành quan tâm. Tuy nhiên đến nay, công tác phát huy giá trị di sản văn hóa trong việc thu hút khách du lịch tại địa phương đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

 Trong lúc ngành VHTTDL, chính quyền địa phương đang “lúng túng” trong việc đưa ra các kế sách để bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị di sản để thu hút khách du lịch địa phương thì dịch Covid-19 lại bùng phát khiến ngành VHTTDL “khó lại chồng lên khó”.

Phát huy giá trị di sản văn hóa thu hút khách du lịch ở Ninh Thuận: Khó chồng lên khó - ảnh 1

Khách du lịch tham quan tại tháp Pô Klong Garai

Tuy sở hữu một “kho tàng” đồ sộ về di sản văn hóa, tiềm năng rất lớn nhưng đến này, Ninh Thuận chỉ có rất ít các di sản văn hóa phát huy được giá trị trong việc thu hút khách du lịch tới đây. Ông Hồ Sĩ Sơn – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong số rất nhiều di sản văn hóa tại địa phương thì hiện nay, chỉ mới có số ít di sản văn hóa là: tháp Pô Klong Garai, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp được các doanh nghiệp lữ hành khai thác du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Còn lại nhiều di tích khác, đã được khai thác nhưng chưa hiệu quả, hoặc vẫn chưa được khai thác do nhiều lý do.

“Toàn tỉnh có hàng trăm di tích, trong đó 59 di sản văn hóa đã được xếp hạng, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di sản quốc gia (12 di tích quốc gia, 3 lễ hội và nghề truyền thống). Ngoài ra, Ninh Thuận còn có nhiều lễ hội: Katê, Ramưwan, Cầu ngư và rất nhiều làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc. Một số làn điệu dân ca, dân vũ đang dần bị mai một theo thời gian, đó là một thực tế ”, ông Hồ Sĩ Sơn nói.

Theo ghi nhận của PV Báo Văn Hóa, cho đến nay, có rất nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã và đang xuống cấp, thậm chí bỏ hoang. Điển hình như cụm tháp Hòa Lai (Ba Tháp), là di tích quốc gia đặc biệt (thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) bị bỏ hoang và chưa được khai thác, phát huy giá trị. Trong số 3 ngôi tháp tại đây thì 1 ngôi tháp đã bị sập, 2 ngôi tháp còn lại đang trên đà xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, tháp Pô Klong Garai, là biểu tượng văn hóa Chăm, một trong những công trình kiến trúc văn hóa độc đáo bậc nhất của giải đất Nam Trung Bộ, nhưng việc phát huy các giá trị tại đây để thu hút du khách vẫn chưa thật sự xứng tầm. Theo ông Thành Nhảy (người Chăm) – Phó trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Ninh Thuận: Năm 2019, Tổng thu từ việc bán vé cho khách tham quan tại tháp Pô Klong Garai chỉ đạt gần 2,1 tỷ đồng và tương ứng khoảng 121.000 lượt khách tới đây tham quan. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid -19, nên lượng khách tới tháp Pô Klong Garai tham quan giảm sâu đến giữa tháng 8-2020, tại đây mới đón được 52.000 lượt khách. Hiện tại, Ban quản lý di tích tháp Pô Klong Garai phải cắt giảm nhân viên do nguồn thu không đủ chi, các hoạt động tại đây cũng gặp không ít khó khăn.

Trao đổi với PV Báo Văn Hóa về kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị di tích tại địa phương, ông Hồ Sĩ Sơn khẳng định: Bảo tồn, phát huy các giá trị di tích ở Ninh Thuận được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận, ngành VHTTDL đặc biệt chú trọng, quan tâm. Tuy nhiên cho đến nay, việc trùng tu, tôn tạo các di tích ở Ninh Thuận gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí hạn hẹp, quy trình trùng tu, tôn tạo phải qua nhiều bước thẩm định, mới triển khai.

Phát huy giá trị di sản văn hóa thu hút khách du lịch ở Ninh Thuận: Khó chồng lên khó - ảnh 2

Khách du lịch với các bộ cồng chiêng quý tại Ninh Thuận

Trong khi đó, rất nhiều di tích ở Ninh Thuận vẫn “ngủ quên” chưa được “đánh thức”, việc đón khách tới đây tham quan là vô cùng khó khăn. Bởi vậy, thu hút khách du lịch đến với các di tích hạn chế là có rất nhiều lý do. Một lý do dễ nhìn thấy, Ninh Thuận hiện nay vẫn là một địa phương nghèo, lượng khách du lịch tới địa phương hàng năm vẫn còn rất hạn chế (năm 2019, lượng khách du lịch chỉ đạt trên 2 triệu lượt). Một lý do khác, cơ sở hạ tầng, đường xá chưa hoàn chỉnh, cơ sở lưu trú, điểm vui chơi ở Ninh Thuận vẫn rất ít nên việc thu hút khách du lịch còn nhiều khó khăn. Việc xây dựng các tour, tuyến du lịch riêng biệt đến chuỗi các di tích tham quan vẫn chứa thể thực hiện.

Ông Sơn cho biết thêm, trong tình hình dịch Covid-19, đang bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh thành cả nước, khách du lịch đến Ninh Thuận giảm sâu và theo dự báo là sẽ kéo dài hết năm 2020. Trong thời gian này, Sở VHTTDL chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Ban quản lý di tích tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, phun thuốc diệt khuẩn, dọn vệ sinh, chỉnh trang lại các khuôn viên di tích. Hướng dẫn khách phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và rửa tay bằng cồn khử khuẩn khi tới các điểm tham quan để phòng dịch. Về lâu dài Sở VHTTDL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Ninh Thuận, có kế hoạch cụ thể về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa để thu hút khách du lịch về với đị phương ngày càng nhiều hơn.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc