Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Huyện Bá Thước vươn mình thoát nghèo - Bài 2: Đổi thay từ nếp nghĩ đến cách làm

Chủ Nhật 30/08/2020 | 00:58 GMT+7

VHO- Đi trên con đường trải bê tông dẫn đến từng thôn bản, những ngôi nhà bê tông kiên cố đã thay thế hầu hết nhà tranh, những vườn cây xanh mát, những đàn gà, vịt bình thản tơi đất kiếm mồi... cho thấy vươn mình của một huyện nghèo, cuộc sống đồng bào đang đầy đủ lên từng ngày.

Chú trọng chăm sóc sức khoẻ cho người dân

Xã Kỳ Tân là một xã vùng cao của huyện Bá Thước, một trong những huyện nằm nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, cách xa huyện lỵ Bá Thước 25km, với hơn 1000 hộ, dân cư chủ yếu là người dân tộc Thái, chiếm 98%. Những năm trước ở trạm y tế cũ, trang thiết bị y tế ít ỏi, hạ tầng lụp xụp, xuống cấp nên hằng năm chỉ có khoảng 200 – 230 bệnh nhân,  nhiều bệnh nhân có điều kiện kinh tế khá giả thường lên huyện, thị trấn, hay phòng khám tư để khám; còn bệnh nhân không có điều kiện thì tự hái lá rừng về chữa bệnh, một số trường hợp đã dẫn đến hậu quả nặng nề.

Ông Vi Văn Điệp, Phó Chủ tịch xã Kỳ Tân cho biết, nhận thức rõ khó khăn của người dân, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, chính địa phương đã thu hút được doanh nghiệp hỗ trợ xây mới Trạm y tế xã Kỳ Tân, bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2018. Với tổng mức đầu tư gần 3,9 tỷ đồng, Trạm Y tế xã được xây dựng kiên cố với 2 tầng, và được trang bị đầy đủ các phòng chức năng quan trọng, với các máy móc cơ bản như máy siêu âm, khí rung, hút đờm, bình ôxy...  Khi được đưa vào sử dụng, công trình làm thay đổi đáng kể điều kiện dân sinh trong vùng, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Kỳ Tân và các xã lân cận.

Bác sĩ Hà Thị Dung thăm khám cho bệnh nhân

Tại Trạm Y tế xã Kỳ Tân, chị Hà Thị Hiền (sinh năm 1991) đang ở giai đoạn thai kỳ tháng thứ 7, đang chờ tới lượt và đây là lần thứ hai chị khám ở Trạm Y tế xã. Trước đó, 6 tháng đầu của thai kỳ, mỗi lần đến ngày khám định kỳ, hai vợ chồng lại chở nhau vượt 25 km để đi siêu âm. Nhưng đến tháng thứ 7, chị đã quyết định khám tại Trạm y tế xã cách nhà chỉ 3km. “Những tháng trước, bác sĩ bảo em bé phát triển bình thường nên tôi cũng yên tâm. Trong thôn có nhiều chị khám và đẻ ở Trạm Y tế xã mà mẹ tròn con vuông nên tôi đã quyết định khám và đẻ ở đây cho gần nhà, vì có máy siêu âm mà cơ sở khang trang, sạch đẹp. Bác sĩ bảo nếu đến lúc đẻ có biểu hiện bất thường mới phải chuyển tuyến”, chị Hiền chia sẻ.

Theo bác sĩ Hà Thị Dung, Trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Tân, gần như 100%, người dân trong xã đều có BHYT được cấp miễn phí theo chính sách của Nhà nước, từ ngày có trạm y tế mới, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, bệnh nhân đông hẳn lên, chỉ một năm qua đã tăng gần 100 bệnh nhân. Năm 2019, trạm Y tế đã đỡ đẻ thành công 15 ca và không phải chuyển tuyến ca nào (các năm trước chỉ khoảng 7 – 8 ca). Vào mùa hè, đặc biệt là thời điểm có dịch bệnh, 13 giường điều trị của Trạm cũng thiếu vì quá tải. “Chúng tôi cũng đang quản lý nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như 74 bệnh nhân cao huyết áp, hen phế quản, sắp tới sẽ quản lý cả bệnh nhân tiểu đường. Trạm y tế mới, máy móc nhiều, các y bác sĩ nhiệt tình, ân cần với bệnh nhân thì chắc chắn bà con tin tưởng và đến với mình để khám chữa bệnh nhiều hơn. Trạm không chỉ chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân trong xã mà cả bà con vùng lân cận, giúp tiết kiệm kinh tế cho người bệnh không phải chi trả chi phí đi lại, vượt tuyến BHYT…”, Trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Tân tâm sự.

Phát triển nhiều mô hình hiệu quả

Là xã nằm trong Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, nguồn lực kinh tế của xã từ nông lâm nghiệp (chiếm 80%) nên cơ hội phát triển rất khó khăn. Tuy nhiên, ông Vi Văn Điệp chia sẻ, những năm qua, xã đã biết tận dụng các chương trình, mô hình hỗ trợ nhà ở, trao con giống chăn nuôi, trồng trọt, y tế, giáo dục để giúp bà con làm ăn, phát triển sản xuất; mở các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, nên tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã giảm đáng kể. Kết quả hộ cận nghèo hiện nay chỉ còn 42% (năm 2018 trên 50%), hộ nghèo còn 26% (năm 2018 36 – 37%), những hộ thoát nghèo là thoát hẳn, chỉ còn ít hộ tái nghèo do nguyên nhân khách quan như bệnh tật, thiên tai…

Hỗ trợ nhà cho hộ nghèo cũng là ưu tiên của huyện Bá Thước

Trong khi đó, xã Cổ Lũng lại biết tận dụng thế mạnh phát triển chăn nuôi, đặc biêt là chăn nuôi vịt. Vịt Cổ Lũng dần dần trở thành món ngon, đặc sản của huyện. Được thụ hưởng dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng góp vốn đối ứng, tháng 6-2019 xã có 29 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo của 2 thôn tham gia dự án chăn nuôi vịt Cổ Lũng thương phẩm. Theo đó, các hộ được tập huấn kỹ thuật, được cung ứng giống, thức ăn, vắc-xin phòng bệnh và được cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cách chăm sóc nên sau 6 tháng thực hiện dự án, đàn vịt phát triển khỏe mạnh, đạt khoảng 1kg/con. Đến nay không những tất cả các hộ tham gia dự án đều tái đàn mà xã còn nhân rộng mô hình từ 2 thôn lên 6 thôn với gần 150 hộ tham gia.

Tại xã Thành Lâm, nhờ sự hỗ trợ của dự án “Quản lý cộng đồng trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới” đã giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đồng bào nơi đây chủ yếu sống dựa vào trồng lúa trên ruộng bậc thang và làm nương rẫy ở ven các sườn đồi có độ dốc cao, nguồn nước tưới đều trông chờ vào mưa và các khe suối nhỏ, do đó diện tích trồng lúa không chủ động được nguồn nước, thu nhập của người dân không ổn định. Cùng với đó, đường giao thông đi lại trong thôn rất khó khăn, ảnh hưởng tới việc vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế của người dân. Do vậy, dự án với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng, trong đó, dự án hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng còn lại do nhân dân đóng góp tiền mặt, ngày công lao động đã mang đến cho người dân cuộc sống mới.

Ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm cho hay, tất cả công trình của dự án đã được mời người dân tham gia như góp công, hiến đất nên hiệu quả có thể trông thấy, tạo điều kiện cho việc đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Ngoài ra, dự án cũng tài trợ ống nhựa dẫn nguồn nước từ khe núi về đồng ruộng mang đến vụ mùa no đủ cho đồng bào. Nhờ đó, người dân đã an cư lạc nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và cuộc sống đã dần đi lên...

Mô hình nuôi vịt Cổ Lũng thành đặc sản đang giúp bà con thoát nghèo. Ảnh: LÊ HOÀ

Theo ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Bá Thước, những năm qua, huyện đã thực hiện được 10 mô hình giảm nghèo nhanh và bền vững. Do được hỗ trợ vốn đầu tư, được trang bị kiến thức lại chủ động sản xuất trên chính nguồn tài sản của mình nên các hộ rất phấn khởi, cố gắng lao động sản xuất. Các mô hình được thực hiện giúp hàng trăm hộ nghèo được hưởng lợi tăng nguồn thu nhập, nâng cao kiến thức sản xuất, kiến thức về thị trường, làm thay đổi tập quán sản xuất, phát triển theo hướng đa cây, đa con nên được sự đồng thuận cao của người dân.

Sự đổi thay, vươn mình của huyện Bá Thước còn được nhìn nhận bởi số nhà tường gạch kiên cố, hệ thống điện- đường - trường - trạm khang trang hiện đại, các chương trình tặng bổng tặng học sinh nghèo đã tăng tỉ lệ học sinh đi học, tạo cơ hội về một tương lai tươi sáng cho các em.

QUỲNH HOA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top