Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Cần hệ sinh thái cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ Sáu 18/12/2020 | 10:07 GMT+7

VHO- Ứng dụng công nghệ tăng giá trị sản xuất trở thành vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam

Đây là nội dung phát biểu của PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện KHNNVN (VAAS) tại Diễn đàn “Phát triển Hệ sinh thái Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì – với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP. Ông Đào Thế Anh cho biết, hiện Việt Nam đang nằm trong Top 15 nhà xuất khẩu nông sản trên thế giới và đứng thứ 2 tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp trong 10 năm qua đã tăng lên nhưng đầu tư cho công nghệ mới thì dường như đang bị giảm xuống.

 PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện KHNNVN (VAAS)

Định hướng tới 2025, tầm nhìn 2030

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi đó ở Braxin là 1,8% và Trung Quốc là 0,5%. Mức độ phát triển như của Việt Nam, đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp lẽ ra nên ở mức 0,86% GDP nông nghiệp, tức là cần gấp 4 lần so với hiện nay. Ứng dụng công nghệ tăng giá trị sản xuất trở thành vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

 Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” chiều 17/12

Theo ông Đào Thế Anh, trong thời gian tới, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần ưu tiên các vấn đề cụ thể như:

Thứ nhất, nghiên cứu để bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, an ninh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Trong đó tập trung xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến nhằm sử dụng hợp lý chi phí đầu vào, giảm thiểu sử dụng hoá chất theo hướng nông nghiệp sinh thái nhằm nâng cao chất lượng nông sản.

Thứ hai, tập trung vào nghiên cứu sản xuất rau quả, tạo điều kiện để phát triển ngành rau quả ở nước ta, tiếp tục đầu tư nghiên cứu trong giai đoạn tới để nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung quốc…

Thứ ba, nghiên cứu về sản xuất thủy sản, nâng cao năng suất, chất lượng để duy trì tăng trưởng và bảo đảm phát triển bền vững.

Thứ tư, nghiên cứu về sản xuất dược liệu, thực phẩm chức năng, phát triển cây thuốc gắn việc sản xuất với chế biến ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu tiến tới xây dựng một ngành công nghiệp dược phẩm và thực phẩm chức năng.

Thứ năm, nghiên cứu về công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản đặc biệt là rau, hoa, quả tươi để bảo đảm chất lượng trong quá trình lưu thông, tiêu thụ, tiếp tục nghiên cứu công nghệ chế biến sâu để làm đa dạng các mặt hàng nông sản và nâng cao giá trị gia tăng.

Thứ sáu, nghiên cứu về thủy lợi phục vụ cho các cây rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả và phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó là các nhiệm vụ về nghiên cứu xử lý môi trường nông nghiệp; Nghiên cứu cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và Nghiên cứu về quản trị chuỗi giá trị nông sản và ứng dụng công nghệ số.

 Các khách mời tham dự Diễn đàn

Hệ sinh thái công nghệ

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đào Thế Anh cũng cho biết, để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nhà nước cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thị trường khoa học công nghệ. 

Trong đó, đầu tiên là tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường đầu tư kinh phí cho hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam đạt mức tương đương với các nước trong khu vực (0,5% GDP nông nghiệp). Hoặc có thể đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp bằng cách, đề xuất với Chính phủ trích 0,5% kim ngạch xuất khẩu để đầu tư lại cho khoa học công nghệ.

Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng về chuyên môn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ cao và nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ). Mặt khác, cần xem xét về chế độ đãi ngộ để không bị chảy máu chất xám đối với cán bộ nghiên cứu và để cán bộ làm công tác khuyến nông yên tâm công tác có hiệu quả

Thứ nữa là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân làm khoa học công nghệ phát huy tối đa tính sáng tạo, chủ động, tinh thần trách nhiệm đối với kết quả cuối cùng. Chuyển trọng tâm từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra và hiệu quả của sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng vào sản xuất. Thực hiện triệt để hơn các cơ chế khoán tài chính trong khoa học công nghệ. Cải tiến các thủ tục, không biến người làm khoa học công nghệ thành nhân viên hành chính, phải đối phó, mất nhiều thời gian cho các thủ tục rườm rà, nhất là các quy định về tài chính.

 Bàn chủ tọa làm việc

Không những vậy, cần xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần ngoài công lập tham gia đầu tư vào nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực cần ưu tiên. Doanh nghiệp cần phát triển vùng sản xuất nguyên liệu ở quy mô công nghiệp, liên kết với các HTX, có thể đầu tư thuê dịch vụ chuyển giao công nghệ (khuyến nông) cho nông dân sản xuất. Như vậy, công tác chuyển giao công nghệ được coi như một dịch vụ được hạch toán chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

Và cuối cùng là phát triển thị trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chất lượng và hàm lượng chất xám cao; Đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, có khả năng áp dụng vào sản xuất quy mô lớn; và mang lại lợi nhuận cho sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo ông, một số vướng mắc hiện nay cần được tháo gỡ ngay, như các thủ tục đăng ký bản quyền cần được đơn giản hóa; cần có giải phải thực thi chính sách bảo vệ bản quyền đối với những sản phẩm khoa học công nghệ, các sáng chế, đảm bảo quyền lợi cho những nhà sáng chế, nghiên cứu.

“Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ để nâng đỡ và tiếp tục phát triển, hoàn thiện những sản phẩm nghiên cứu trở thành hàng hóa chuyển giao đối với các tiến bộ kỹ thuật có nhu cầu lớn, có khả năng tạo hiệu quả cao. Các sáng kiến như câu lạc bộ, liên kết về đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy trao đổi và thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ cần được nhà nước hỗ trợ ban đầu” – ông Đào Thế Anh kiến nghị.

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top