Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Tiếp tục thực hiện mô hình “Ba quốc gia, một điểm đến”

Thứ Hai 21/12/2020 | 11:47 GMT+7

VHO- Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được các nhà lãnh đạo Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV) thông qua với mong muốn đưa du lịch khu vực phát triển bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. 

 Hệ thống sản phẩm du lịch ở khu vực tam giác phát triển ngày càng đa dạng 

Du lịch cải thiện đời sống cho người dân 
Kế hoạch này là tài liệu chiến lược vùng liên quan đến phát triển du lịch tại 13 tỉnh trong khu vực tam giác phát triển (TGPT) của Campuchia, Lào và Việt Nam bao gồm: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kraté (Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong, Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam). Kế hoạch phát triển du lịch khu vực TGPT CLV được xây dựng và triển khai thực hiện sẽ góp phần kết nối các tiềm năng du lịch của ba nước, hình thành các tuyến du lịch, kết nối các điểm đến, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực này và từ đó mở rộng ra các địa phương khác trong phạm vi ba nước; thúc đẩy mục tiêu của khuôn khổ hợp tác là “Tăng cường đoàn kết, hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực”. 
Khu vực TGPT có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đặc sắc, phần lớn còn hoang sơ, nguyên vẹn chưa được khai thác nhiều chưa bị thương mại hóa. Khu vực TGPT CLV cũng là nơi chứa đựng nhiều di sản văn hóa quan trọng trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận: 1 di sản văn hóa vật thể (Wat Phou, Lào) và 1 di sản văn hóa phi vật thể (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam); nhiều di sản, di tích, lễ hội khác và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số hết sức độc đáo. 
Hiện tại, Khu vực TGPT CLV mới thu hút được lượng khách du lịch khá khiêm tốn so với các khu vực khác của cả ba nước. Tổng lượng khách quốc tế năm 2018 đến khu vực chỉ đạt 1,5 triệu lượt. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của Khu vực TGPT CLV còn nghèo nàn. Số lượng cơ sở lưu trú tập trung nhiều nhất tại các tỉnh của Việt Nam và Champasak của Lào. Số lượng lao động du lịch trong khu vực nhiều nhất tại các tỉnh của Việt Nam với hơn 8.700 người. Các tỉnh thuộc Lào có khoảng 3.600 người và ở các tỉnh thuộc Campuchia chỉ có khoảng gần 2.800 người, chất lượng lao động các địa phương còn hết sức hạn chế. Đây chính là một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển du lịch của khu vực TGPT CLV. 
Phát huy lợi thế khu vực 
Để thúc đẩy phát triển du lịch, 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam cùng nhau tham gia nhiều thể chế và cam kết quốc tế của khu vực, tạo thuận lợi cho việc triển khai và lồng ghép triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch. Mục tiêu phát triển giai đoạn tiếp theo là 3 nước sẽtiếp tục phát huy lợi thế của khu vực, khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng để phát triển du lịch. Kết nối, hình thành khối liên kết, điểm đến chung thống nhất để kết nối các địa phương, các khu du lịch tầm cỡ, tạo dựng thương hiệu du lịch khu vực TGPT. Phát triển du lịch Khu vực TGPT CLV theo hướng bền vững và có trách nhiệm, gắn với bảo vệ môi trường; bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch; phát huy truyền thống bản sắc dân tộc, kết hợp giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội. Coi phát triển du lịch cộng đồng là biện pháp thúc đẩy kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực. 
Cụ thể là đến năm 2025, khách du lịch quốc tế đến các tỉnh Khu vực TGPT CLV đạt 3,3 triệu lượt, đạt mức tăng trưởng trung bình 14%/năm. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được hoàn thiện, có 2 - 3 khách sạn/khu nghỉ từ 3-4 sao tại các trung tâm du lịch của Khu vực; hệ thống homestay đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Từng bước hình thành được các dòng sản phẩm du lịch có lợi thế của Khu vực TGPT CLV để xây dựng thương hiệu về du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa lịch sử, di sản. Nhân lực du lịch được cải thiện, kể cả ở các địa bàn khó khăn. Thu hút được sự tham gia có ý thức, trách nhiệm và được đào tạo của doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng địa phương, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến năm 2030 hình thành được điểm đến khu vực TGPT có các điểm đến hấp dẫn; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tương đối đồng bộ; hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối thuận lợi; nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển; số lượng khách quốc tế đến đạt gấp 2 lần so với năm 2025. 
Giải pháp chủ yếu để phát triển du lịch trong khu vực thời gian tới là cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo thuận lợi cho khách du lịch; đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi phục vụ du lịch; xây dựng hạ tầng bến thuyền, cảng hành khách trên sông Mekong hỗ trợ thúc đẩy du lịch đường sông cũng như phát triển các sản phẩm du lịch trên sông Mekong của Campuchia và Lào, mở ra khả năng kết nối đường thủy giữa TGPT CLV với Thái Lan. Để tạo điều kiện cho khách du lịch đến khu vực dễ dàng hơn, cần xem xét việc nâng cấp một số cửa khẩu biên giới thành cửa khẩu quốc tế như Đắk Peur (Đắk Nông) - Nam Lyr (Campuchia) đáp ứng nhu cầu hội nhập, mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về thủ tục hải quan đã được thống nhất áp dụng trong khối ASEAN. Thống nhất quy trình, đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan và cấp thị thực tại cửa khẩu. Nghiên cứu phát triển các trung tâm kiểm soát xuất nhập cảnh, hải quan liên hợp tại các cửa khẩu chính giữa các nước để đơn giản hóa tối đa thủ tục đối với khách du lịch, đặc biệt là khách đi theo đoàn. Nghiên cứu tạo thuận lợi về thị thực cho thị trường khách thứ ba. 

 Tại Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 11 vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng CHDCND Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen đã khẳng định quyết tâm xây dựng khu vực TGPT CLV hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng thời gian tới. Các Thủ tướng đã chỉ đạo Ủy ban điều phối chung tích cực triển khai một số nội dung cụ thể, trong đó có nội dung thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển du lịch khu vực TGPT CLV giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 được thông qua tại Hội nghị, nâng cao hiểu biết về mô hình “Ba quốc gia, một điểm đến” và thúc đẩy du lịch bền vững. 

 

 THÚY HÀ 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top