Thanh Hoá: Phòng, chống dịch tại di tích, cơ sở tín ngưỡng

VHO-Sở VHTTDL Thanh Hóa đã có văn bản số 462/SVHTTDL-NSVHGĐ quyết định tạm dừng các hoạt động lễ hội, tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng, thờ tự trên địa bàn.

Theo đó, Sở đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc tạm dừng các hoạt động lễ hội; không tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung trên 30 người cùng một thời điểm trong cùng không gian tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng thờ tự.

Thanh Hoá: Phòng, chống dịch tại di tích, cơ sở tín ngưỡng - Anh 1

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, di tích Phủ Na thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch

Thực hiện chỉ đạo của Sở VHTTDL, di tích Phủ Na, xã Xuân Du (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) chú trọng công tác phòng chống, dịch Covid-19. Di tích Phủ Na đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá và thắng cảnh ngày 28.1.1993. Nằm dưới chân dãy Ngàn Nưa trùng điệp, Phủ Na có phong cảnh hữu tình với rừng thông xanh ngát, suối chảy rì rào, chim kêu ríu rít… Phủ Na ra đời vào năm 1909 (dấu tích còn ghi lại thượng lương của đền Mẫu Nghi Thiên Hạ) được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn. Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất Xứ Thanh.

Nước sát khuẩn, bảng biển hướng dẫn về nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế, Sở Y tế đối với việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được đặt tại các điểm chính của di tích Phủ Na

Thanh Hoá: Phòng, chống dịch tại di tích, cơ sở tín ngưỡng - Anh 2

Theo Phó ban quản lý di tích Phủ Na Nguyễn Thị Hiền, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên khách đến di tích đa số là người trong tỉnh, người ở địa phương khác cũng có nhưng rất ít. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, di tích Phủ Na đón khoảng hơn 40.000 lượt du khách đến thăm quan.

Thanh Hoá: Phòng, chống dịch tại di tích, cơ sở tín ngưỡng - Anh 3

Các thành viên trong ban quản lý di tích được cử trực 24/24 giờ tại di tích để tuyên truyền, nhắc nhở du khách chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại di tích phủ Na

“Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ban quản lý di tích đã bố trí loa tuyên truyền, các panô, áp phích, hướng dẫn nhân dân và du khách biện pháp phòng, chống dịch bệnh và yêu cầu du khách khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào di tích”, bà Hiền cho biết thêm.

Thanh Hoá: Phòng, chống dịch tại di tích, cơ sở tín ngưỡng - Anh 4

Để tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, Ban quản lý di tích cũng đã cho lập hàng rào ngay cổng chính của di tích để phân luồng, đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, bảo đảm giãn cách an toàn khi tiếp xúc

 Ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Như Thanh cho biết, song song với việc phòng, chống dịch Covid-19 tại di tích Phủ Na, tại các di tích như Đền Khe Rồng, đền Mẫu Phủ Sung và di tích lịch sử quốc gia Lò cao kháng chiến…, huyện cũng đã chỉ đạo ban quản lý của các di tích chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, phun khử trùng đền, giãn cách bà con đúng cự ly theo quy định. Đồng thời huyện cũng đã tạm dừng tất cả những hoạt động lễ hội đầu xuân của các di tích trên địa bàn để chung tay với cả nước phòng chống dịch Covid-19.

Thanh Hoá: Phòng, chống dịch tại di tích, cơ sở tín ngưỡng - Anh 5

Du khách được kiểm tra thân nhiệt tại di tích Đền Khe Rồng, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc