Clip "bẩn" đang bủa vây con trẻ

VHO- Thêm một kênh YouTube nhảm nhí, độc hại vừa bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính và buộc phải gỡ bỏ khiến các bậc phụ huynh thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy con em chúng ta đang bị bủa vây bởi “ma trận” những sản phẩm văn hóa “bẩn” ngay trong chính ngôi nhà của mình...

Clip

Những tiêu đề của kênh YouTube trẻ em Timmy TV khiến người lớn cũng phải rùng mình kinh sợ

 YouTube là nền tảng xem video phổ biến nhất hiện nay, tuy nhiên, hiện có rất nhiều kênh YouTube độc hại đang phát triển từng giờ, từng ngày như nấm sau mưa. Đáng báo động là những kênh sáng tạo nội dung dành cho trẻ em cũng không là ngoại lệ với những Thơ Nguyễn, Timmy TV…

Cạm bẫy vô hình

Nhiều bậc phụ huynh đã không khỏi rùng mình kinh sợ khi xem kênh YouTube có tên Timmy TV. Hình ảnh xuất hiện trong clip dù chỉ là những nhân vật hoạt hình trong một trò chơi nhưng lại có tựa đề và câu chuyện kể rùng rợn, quái đản. Chỉ cần gõ tên kênh và một cú nhấp chuột, hàng trăm video hiện lên khiến ai nấy “sởn da gà”: “Em trai giết anh ruột”, “Cô dâu bị hồn ma nhập xác sống, “Mẹ con chết oan”… Được biết, kênh này hoạt động từ năm 2018, đăng tải 874 video, clip và đến nay đã có hơn 140 triệu lượt truy cập.

Xét thấy kênh YouTube Timmy TV có những video, clip chứa đựng nội dung, hình ảnh độc hại, mê tín, kinh dị… ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, gỡ, xóa bỏ kênh. Đến chiều 27.5, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Nguyễn Đức Thọ đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với chủ thể thiết lập, cung cấp kênh Timmy TV 15 triệu đồng và yêu cầu đóng trước ngày 28.5. Hiện tại, kênh này đã ngưng hoạt động.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hàng trăm “nguồn độc” khác vẫn đang nhan nhản trên mạng, công khai trục lợi dựa vào việc đem thông tin rác, giật gân, nguy hiểm đến các em nhỏ và thanh thiếu niên. Những nội dung, hình ảnh đó âm thầm chi phối, gặm nhấm và đến một lúc nào đó, sẽ làm thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử của người xem theo hướng tiêu cực, đặc biệt là với trẻ em đang trong độ tuổi học tập và hình thành nhân cách. Một Timmy TV đã bị xóa sổ, vậy còn hàng trăm kênh khác sẽ xử lý ra sao?

Thế giới ảo nhưng tác hại thật

Các trang mạng nhắm đến đối tượng trẻ em thật sự là cỗ máy kiếm tiền siêu lợi nhuận. Đơn cử, kênh YouTube Thơ Nguyễn lập ra từ năm 2016, với gần 6 tỉ lượt xem và trung bình 1,2 triệu lượt xem/video; mức thu nhập của chủ thể này được cho là vào khoảng 263.000 - 4,2 triệu USD/ năm (tương đương 6,1-97,4 tỉ đồng). Trong top 10 kênh YouTube Việt Nam được xem nhiều nhất đã có đến 5 kênh dành cho trẻ em, thế nhưng, những yếu tố phản cảm, nhảm nhí thường núp bóng dưới các đề tài vui nhộn, hài hước để dễ dàng cuốn hút trẻ. Với mức xử phạt vài triệu đồng khi đăng tải video độc hại như hiện nay, trong khi những chủ kênh có thể kiếm tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm thì thực sự chỉ là “muối bỏ bể”. Đó cũng là lý do mà nhiều YouTuber vẫn bất chấp tất cả để sản xuất những video có nội dung không lành mạnh.

Bên cạnh đó, những sản phẩm văn hóa “bẩn” đi ngược lại chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục còn là những trò chơi hết sức nguy hại khi chúng hướng dẫn trẻ em làm những việc phi đạo đức hoặc tự làm hại bản thân mình. Đơn cử, tháng 1.2020, em N.H.Đ.D (15 tuổi, ở Hải Dương) đã phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương sau khi xem cách chế thuốc nổ trên YouTube và làm theo. Tháng 10.2020, bé gái V.T.D (5 tuổi) tử vong vì làm theo trò thắt cổ trên YouTube cũng khiến dư luận bàng hoàng, đau xót... Bên cạnh đó, rất nhiều em nhỏ đã được cha mẹ đưa đến các trung tâm tư vấn sức khỏe tâm thần sau thời gian dài đắm chìm trên mạng xã hội với nhiều triệu chứng nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ… Có thể thấy, những clip, nội dung trên mạng xã hội là ảo nhưng những tác hại mà chúng gây ra thì thật khó lường.

Chính vì thế, trước khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc làm sạch môi trường mạng, để bảo vệ con em mình tránh xa những clip độc hại, cách tốt nhất là các bậc phụ huynh cần đồng hành và dành nhiều thời gian hơn cho con, hướng dẫn, giúp con nhận diện được những tình huống không an toàn. Cha mẹ phải là người định hướng và kiểm tra thường xuyên những nội dung mà trẻ tiếp cận, để mạng xã hội thực sự trở thành công cụ học tập, giải trí hợp lý và bổ ích cho các em. 

 BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc