Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Khi “rác trên trời” hại người dưới đất (Bài 1): Không gian ảo, hệ lụy thật

Thứ Tư 16/06/2021 | 11:51 GMT+7

VHO- Trước thực tế xuất hiện ngày một nhiều những hiện tượng lệch chuẩn, sốc và nhảm nhí, dư luận bất bình đặt câu hỏi: Vì sao những yếu tố bất thường, lệch chuẩn và tai hại đó lại liên tục tạo nên xu hướng thịnh hành, thu hút đông lượng người theo dõi? Làm thế nào để ngăn chặn những sản phẩm văn hóa độc hại, bảo vệ cộng đồng trước sự tấn công không giới hạn của những yếu tố xấu, độc này?

 

 Kênh YouTube Timmy TV từng đăng tải nhiều video có nội dung kinh dị đã bị phạt tiền và đóng cửa

Những livestream “bóc phốt”, thóa mạ nghệ sĩ; các youtuber làm mưa làm gió, câu view bằng những kênh nhảm nhí, sốc, sex, sến; những clip độc hại… mà người ta hay gọi “rác trên trời”. Hàng loạt hiện tượng bất thường, lệch chuẩn... đang “tấn công” vào sức đề kháng non trẻ của hàng triệu người sử dụng mạng xã hội.

Những hỗn loạn trên không gian ảo đang tạo nên hệ lụy khôn lường trong đời sống thực, tác động tiêu cực tới nhiều đối tượng, nhất là giới trẻ.

Đảo ngược những giá trị chuẩn mực

Chỉ một thao tác đơn giản để tìm kiếm nội dung về những buổi livestream của bà Phương Hằng, Google đã cung cấp kết quả cụ thể theo từng ngày. Chủ đề các buổi nói chuyện trực tiếp của bà này cũng đều đặn thu hút sự chú ý của hàng trăm ngàn lượt người xem trực tiếp vào mỗi tối; trở thành nội dung bàn tán sôi nổi trong các nhóm, diễn đàn...

Điều gì khiến bà Phương Hằng lôi kéo được nhiều người xem đến thế? Vì tò mò? Vì bà Hằng đã dám “chạm” đến những điều khuất lấp trong giới nghệ sĩ? Tuy nhiên, dù bất cứ lý do gì thì điều đáng quan tâm là vì sao cái cách huỵch toẹt, thô tục, thậm chí thóa mạ và gọi các nghệ sĩ là “cái bọn”, “đám”, xưng hô mày- tao như ngoài chợ... lại thu hút đông đảo người xem và bắt trend đến thế? Hệ lụy là cách nói thô tục đó, cách nhấn nhá âm vực, ngữ điệu đó, và những câu nói tạo trend đó đã trở thành câu cửa miệng của không ít người, nhất là giới trẻ. Thậm chí, có những diễn đàn còn phê phán những đối tượng chưa từng xem livestream của bà Hằng là lạc hậu, không theo kịp thời đại.

Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM cũng từng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Phương Hằng do phát ngôn sai sự thật. Những thông tin của bà này đúng - sai ra sao, đương nhiên sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng phân định. Nhưng rõ ràng, điều chúng ta buộc phải suy ngẫm ở đây là vì sao những hệ giá trị văn hóa chuẩn mực, đặc biệt trong giao tiếp với cộng đồng lại có thể ngang nhiên bị những cá nhân như bà Phương Hằng coi thường đến thế? Đối lập với sự hùa theo kiểu tâm lý đám đông, nhiều cá nhân cũng đã bày tỏ thái độ phản đối trước hiện tượng một cá nhân thoải mái lên diễn đàn mạng để thóa mạ, chửi bới người khác mà không bị chính người nghe là cộng đồng mạng “tuýt còi”.

Với sự tương tác không giới hạn, nền tảng mạng xã hội đang sở hữu một thứ “quyền lực” mà ít phương tiện truyền thông sánh được. Thế nhưng, thứ “quyền lực” này đang ngày càng bị lạm dụng đến thực dụng để biến thành không gian đăng tải những thông tin, hình ảnh, video clip, livestream thiếu định hướng chuẩn mực, thậm chí có vô vàn nội dung xấu, độc, phản cảm, trái ngược với những giá trị văn hóa truyền thống. Livestream vô tội vạ, đủ các chiêu trò, cách thức được không ít cá nhân bày ra trước cộng đồng mạng với “kháng thể” yếu ớt. Hệ quả là, sau những “livestream thần thánh” đó, hàng loạt cái tên vốn vô danh bỗng trở thành “thần tượng”, hàng loạt câu thoại, việc làm bắt trend được tung hô...

Sau những Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng được cộng đồng mạng tung hô như những “giang hồ hảo hớn”; Bà Tân Vlog cùng con trai - Youtuber Hưng Vlog với lượng fan theo dõi đông đảo... thì đến đầu năm 2021, dư luận lại bức xúc, bất bình trước những Thơ Nguyễn, kênh Timmy TV… Phải chăng quy luật cung-cầu, cạnh tranh gay gắt trên thị trường giải trí đang ngày càng thúc đẩy xu hướng đi tìm những điều “mới, lạ” đến mức quái dị như thế để phục vụ thị hiếu công chúng? PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, cho rằng trong số những cái khác, lạ, hấp dẫn bề ngoài đó, rất nhiều thứ không phù hợp, không được chọn lọc, không có giá trị, đặc biệt về mặt đạo đức, và chỉ để chiều theo thị hiếu giải trí tầm thường.

Trước những hiện tượng đảo lộn các giá trị, từ chân- thiện- mỹ sang một thái cực đối lập, các chuyên gia văn hóa phân tích, các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội đã biến đổi thế giới theo một cách khá kỳ lạ. Ở đó có sự tự do tương đối của cá nhân, nhất là trong cách thể hiện lối sống, suy nghĩ, phát ngôn, và cả trong cách kiếm tiền. Trong khi một số những giá trị mới, mẫu hình mang tính điển hình mới đang cần thời gian để định hình thì đã có quá nhiều lối sống, hình ảnh hào nhoáng, lạ, hấp dẫn giới trẻ. Sự thiếu định hướng trong lối sống đã khiến một bộ phận giới trẻ lạc lối trong việc tìm kiếm mục tiêu đúng đắn, sa vào những thứ tạm thời, ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành nhân cách.

 Những đứa trẻ theo dõi bà Hằng "chửi" như thế này sẽ bị ảnh hưởng ra sao trong tương lai?

Tăng “sức đề kháng” chống chọi “biến thể” văn hóa

Trên nhiều nhóm, hội, có không ít những thở than, lo lắng của các bậc phụ huynh trước lối sống thờ ơ, vô cảm của con trẻ trước cuộc sống thực; nhưng lại luôn phản ứng thái quá nếu “thần tượng” trên mạng của mình bị phản bác. “Một ngày tôi thấy cậu con trai của mình chat với nhóm bạn tìm kiếm đường link về “cô gái sáng nhất cõi mạng hôm nay”, lẳng lặng tìm hiểu thì mới tá hỏa biết rằng đó là một clip sex độc hại, không phù hợp với lứa tuổi của một học sinh cấp ba đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Chúng tôi vô cùng lo lắng khi mỗi ngày trên mạng xã hội lại xuất hiện vô số những nhân vật được gọi tên “sáng nhất” như thế...”, chị Phạm Phương Hạnh ở Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội giãi bày.

Góc khuất tạo kẽ hở xuất hiện những hiện tượng chệch đường ray chuẩn mực không chỉ là những yếu tố khách quan như sự ảnh hưởng và tốc độ lan truyền của thông tin trong không gian mạng mà còn là “sức đề kháng” từ nền tảng văn hóa của mỗi cá nhân. Theo giới chuyên gia, nghiên cứu thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, càng nói sai, càng cố tình gây sốc thì lượt view càng cao, việc kiếm tiền từ mạng xã hội của các cá nhân càng dễ dàng. Quy luật tâm lý đám đông cũng tạo thành mảnh đất “gieo mầm” cho những nhóm người có cùng sở thích, trong đó có nhiều nhóm, hội được lập nên với tiêu chí công kích các cá nhân, từ người nổi tiếng trong showbiz, doanh nhân cho đến những cá nhân bình thường nhưng “lỡ” có hành vi, lời nói khiến cộng đồng mạng “phật lòng”.

Sự cạnh tranh có thể dùng từ là “khốc liệt” giữa các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube với truyền hình và các phương tiện truyền thông chính thống, do khác nhau về tiêu chí, nội dung và những rào cản ràng buộc đã khiến cho cán cân lợi thế ngày càng nghiêng nhiều về phía các nền tảng mạng. Ví như ở vụ livestream của bà Phương Hằng, ngoài những chủ đề “bóc phốt nghệ sĩ” được dư luận quan tâm thì rõ ràng cái cách mọi người chờ đợi giờ lên sóng của nữ doanh nhân đã khiến cơ quan chức năng có liên quan không thể bình tâm. Ở một góc độ khác, mức độ tấn công không thấy được bằng mắt nhưng vô cùng nguy hiểm với các đối tượng người xem, trong đó phổ biến là giới trẻ cũng khiến cho các bậc mẹ cha vô cùng lo lắng. “Làm sao để tăng tính đề kháng, đặc biệt từ giới trẻ, để chúng tự nhận biết điều gì nên và không nên khi tham gia mạng xã hội”, anh Tuấn (phố Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội) băn khoăn.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta cần hướng đến những giải pháp bền vững, trong đó nhận thức về văn hoá, giá trị của văn hoá, đạo đức chính là yếu tố để mỗi người có thể đề kháng với những biểu hiện lệch chuẩn. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội sẽ giúp hạn chế những bất thường, lệch chuẩn. Như vậy, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, hình thành dư luận xã hội ủng hộ cái tốt, lên án cái xấu, có thêm những bài học làm gương... sẽ giúp định hướng cách sử dụng mạng xã hội cũng như lối sống cho giới trẻ. Dư luận và các chuyên gia văn hóa cũng cho rằng, những hiện tượng, hành vi lệch chuẩn gây hậu quả xấu trên mạng xã hội cần phải được xử lý mạnh tay. Trên thực tế, những cá nhân “làm mưa làm gió” trong thời gian qua nếu có bị xử lý thì cũng chỉ là những án phạt “nhẹ hều”, không tương xứng với những hệ lụy nguy hiểm mà nó tạo ra.

Livestream, đăng tải clip... trên mạng là quyền tự do của mỗi người, nhưng nếu lợi dụng điều đó để công kích cá nhân, bới móc đời tư, bôi nhọ nhân phẩm người khác lại là hành vi vi phạm pháp luật. Theo ông Bùi Hoài Sơn, những hiện tượng lệch chuẩn, rối loạn và thiếu điều tiết trong thời gian qua đều cho thấy sự hỗn loạn trên môi trường mạng. Thậm chí một số xử phạt chỉ cho thấy thực trạng đáng báo động cũng như sự lúng túng nhất định của các cơ quan quản lý đối với các hành vi ứng xử không phù hợp trên không gian này. Nếu chúng ta chỉ xử phạt như vậy thì sẽ không bao giờ chấm dứt được những hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng, khi mà nguyên nhân sâu xa nhất chưa được giải quyết rốt ráo. 

Hội Nhà báo VN chấn chỉnh báo chí có biểu hiện bị dẫn dắt bởi các trang MXH

Hội đồng Xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) vừa có văn bản số 131/CV-HĐXL gửi lãnh đạo các cơ quan báo chí; Hội đồng Xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; Liên Chi hội Nhà báo; Chi hội Nhà báo trực thuộc.

Văn bản nêu, qua theo dõi của cơ quan chức năng Hội Nhà báo Việt Nam, thông tin từ các cơ quan chỉ đạo quản lý nhà nước về báo chí, thời gian gần đây một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như: phát trực tiếp (livestream) vụ việc, chia sẻ hình ảnh, video clip... để đăng tải những thông tin có nội dung chưa được kiểm chứng, kết luận, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo không đúng với chất lượng, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Một số cơ quan báo chí tập trung khai thác thông tin đăng tải một cách thái quá, chưa tỏ rõ thái độ quyết liệt đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, có biểu hiện bị dẫn dắt bởi các trang mạng xã hội; đã có hiện tượng hội viên nhà báo sử dụng trang thông tin cá nhân Facebook đăng tải các nội dung có tính chất cổ xúy, kích động dư luận ủng hộ cho các hành vi sai trái. Để chấn chỉnh hiện tượng này, Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đề nghị: Ban Biên tập, Hội Nhà báo, Liên Chi hội, Chi hội Nhà báo các cơ quan báo chí tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cho đội ngũ người làm báo. Đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí kiểm tra chặt chẽ các điều kiện tham gia quảng cáo quy định trong Luật Quảng cáo; loại trừ các quảng cáo phản cảm, thiếu độ tin cậy, thổi phồng giá trị thật của sản phẩm. Yêu cầu người làm báo thực hiện đúng các quy định của Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

 

 Giờ đây, chúng ta cần ứng xử với mạng xã hội không chỉ như một môi trường ảo nữa. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi. Những gì áp dụng ngoài môi trường thật cũng cần áp dụng đối với môi trường ảo. Các công dân đều có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến nhưng phải trong khuôn khổ và tuân thủ pháp luật...

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN)

 BẢO ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top