Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Sĩ tử cầu may... ở ngay ngoài di tích

Thứ Hai 05/07/2021 | 10:22 GMT+7

VHO- Trước thềm kỳ thi THPT quốc gia 2021 sẽ diễn ra vào ngày 7 - 8.7, nhiều sĩ tử Hà Nội đã bất chấp cái nắng nóng gay gắt đổ về các di tích có truyền thống khoa bảng để dâng hương cầu may. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên di tích vẫn chưa mở cửa, thế là tất cả đành… đứng vái vọng từ ngoài cổng vào.

 Nhiều sĩ tử không biết ý nghĩa của tấm bia Hạ mã ở bên ngoài di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên thi nhau đặt lễ để... cầu may

 Ghi nhận tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ sớm các ngày 3 và 4.7, nhiều nhóm thí sinh cùng người nhà đã chen lấn trước song cửa để thành tâm khấn vái. Người thì cầm trên tay thông tin về ngày thi, địa điểm, số báo danh; người thì mang theo các dạng bài, đề cương ôn luyện… để xin vận may. Không thể vào bên trong không gian thờ tự như mọi năm, nên trái cây, hương hoa, đồ lễ, thậm chí cả tiền vàng đều bày hết ngoài cổng. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, do không hiểu hết về di tích nên có người còn đặt lễ tại bia Hạ Mã, bởi họ nghĩ đây là miếu thiêng của di tích. Bia Hạ Mã đặt ở hai đầu đường trước khi vào cổng di tích là biển báo giao thông - vốn xưa đặt trước các nơi quan trọng như phủ, miếu hay nơi ngự của những nhân vật cấp cao để những ai cưỡi ngựa nhìn thấy mà xuống ngựa, bày tỏ sự cung kính.

Tại đền Ngọc Sơn, quang cảnh ghi nhận cũng là hình ảnh các sĩ tử đặt hương, hoa lên ban thờ dưới chân Tháp Bút, cài đầy vào các khe đá, khiến lực lượng bảo vệ liên tục phải ra nhắc nhở, dọn dẹp để tránh mất mỹ quan.

 Các sĩ tử cắm hương, cài hoa trên cánh cổng ngoài di tích rồi thành tâm khấn vái - Ảnh: DUY KHÁNH - NGỌC TÚ

Trong những năm qua, việc tìm đến các di tích để cầu xin may mắn trước mỗi mùa thi đã trở nên quen thuộc, diễn ra không chỉ tại những di tích lớn ở khu vực trung tâm như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ mà nhiều điểm di tích ở vùng ngoại thành Hà Nội như Chùa Đậu (Thường Tín), đền Hoằng Xá (Quốc Oai)… đều đón đông đảo thí sinh trước mùa thi. Theo GS Sử học Lê Văn Lan, câu chuyện cầu may trước các kỳ thi quan trọng là truyền thống từ lâu đời, là nét tín ngưỡng, văn hóa ở ta. Tuy nhiên phong tục cầu may của các sĩ tử thời xưa đến giờ đã có nhiều thay đổi. Ngày trước họ thường tìm tới hàng bia Tiến sĩ, đọc kỹ những dòng chữ trong nội dung văn bia với các lời nhắc nhở, khuyến khích, động viên để cảm nhận, suy ngẫm, lấy đó làm động lực vươn lên, noi theo gương các bậc tiền bối. Nhưng nay “văn hóa cầu may” đã khác, nhiều năm liền chúng ta chứng kiến cảnh người người, nhà nhà “chen vai thích cánh” đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để chăm chăm xoa đầu rùa xin điểm cao, đỗ đạt, khiến một hàng rào sắt phải dựng lên để ngăn cản những hành động ảnh hưởng đến di tích. Nhiều người cắm hương khấn vái ở cả những nơi không được phép, không hiểu phải làm gì, xin gì, di tích thờ phụng ai…

Những hành động thiếu văn minh trước mùa thi theo kiểu trào lưu này đã lặp đi lặp lại trong suốt nhiều năm. Bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc cầu khấn đã có những thay đổi theo chiều hướng khác, song vẫn có nhiều thí sinh và người thân không chú trọng đến những chuẩn mực hành vi của sĩ tử. Họ không chỉ chen lấn cố đặt hương hoa, lễ vật, tiền vàng qua song sắt mà còn hóa vàng ngay tại gốc cây, trên vỉa hè, thậm chí dưới rãnh nước; người đứng tràn xuống lòng đường, xe máy xếp thành hàng gây cản trở giao thông. Những cảnh tượng cầu may bất chấp hoàn cảnh như thế khiến các cơ quan quản lý khá vất vả khi liên tục phải nhắc nhở và vi phạm nghiêm trọng quy định “5K” của Bộ Y tế giữa lúc dịch bệnh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. 

 AN MINH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top