Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Phim Việt: Chủ động mở cánh cửa​​​​​​​ tiến ra thế giới

Thứ Hai 05/07/2021 | 10:51 GMT+7

VHO- Làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến đã khiến điện ảnh Việt gần như “tê liệt” hoàn toàn. Cho đến khi Bố già trở thành phim đầu tiên do Việt Nam sản xuất vượt mốc doanh thu 1 triệu USD (khoảng 23 tỉ đồng) tại thị trường Mỹ, thì hy vọng và động lực cho các nhà làm phim đã được mở ra như một “mảng màu” tươi sáng giữa những u ám trong bối cảnh dịch bệnh.

 “Bố già” là phim Việt Nam đầu tiên mở đến 18 rạp trong tuần đầu tiên công chiếu tại Mỹ

 Lâu nay, hệ thống rạp là thị trường chính và quyết định sự “thắng - thua” của một bộ phim, việc “xuất ngoại” phần lớn chỉ mang tính chất quảng bá, giao lưu hơn là tạo kỳ vọng về doanh thu. Thế nhưng, thời gian gần đây, việc “đem chuông đánh xứ người” không còn là giấc mơ xa vời khi nhiều bộ phim đã ghi được dấu ấn và có những tín hiệu rất khả quan.

Nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả quốc tế

Lần đầu tiên, điện ảnh Việt xuất hiện một “bom tấn” với hàng loạt kỷ lục bị phá, Bố già của Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đã trở thành cái tên “hot” nhất khi chính thức đặt chân đến rạp chiếu ở Mỹ từ cuối tháng 5.2021 và ngay lập tức tạo nên cơn sốt vé ở đất nước Cờ hoa. Theo thông tin từ trang Deadline, Bố già đến giữa tháng 6 đã đạt doanh thu 1,08 triệu USD và trở thành phim đầu tiên do Việt Nam sản xuất lập thành tích chưa từng có tại thị trường Mỹ với số lượng khán giả theo dõi ngày càng nhiều. Lúc đầu, Bố già chỉ công chiếu tại 19 rạp, rồi sau là 38 và hiện là 47 rạp tại Mỹ. Ngoài ra, bộ phim còn được đưa sang Singapore, Malaysia… và đều có doanh thu ổn định.

Nối gót Bố già, phim Lật mặt: 48h của đạo diễn Lý Hải cũng lên đường sang Mỹ từ 18.6. Trước đó, trong đợt công chiếu ở Việt Nam chỉ với khoảng vài tuần Lật mặt: 48h đã đạt doanh thu khoảng 150 tỉ đồng. Tại Mỹ, bộ phim của Lý Hải được chiếu ở các bang California, Texas, Colorado, Atlanta, Georgia, Washington, Virginia, Florida. Đến cuối tháng 6, phim tiếp tục mở rộng tại các cụm rạp Phoenix, Arizona, Illinois, Massachusetts, Philadelphia, New Jersey, Washington… Theo đại diện nhà sản xuất, ngay khi vừa mới đặt chân ra thị trường nước ngoài, Lật mặt: 48h đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả.

Dù chưa chiếu tại thị trường Việt do phải dời lịch vì dịch bệnh, nhưng Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt đã được 25 nước mua bản quyền phát hành. Phim Thiên thần hộ mệnh của đạo diễn Victor Vũ trước đó dự kiến sẽ chiếu tại 12 nước như: Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, Malaysia, Indonesia, Philippines, Canada, Cộng hòa Czech, Singapore, Úc... sau khi chiếu tại thị trường Việt nhưng cũng do Covid-19 nên chỉ mới chiếu được vài ngày vào dịp lễ 30.4. Trước đó, một số phim Việt đã xuất ngoại và để lại ấn tượng tốt nơi xứ người như Hai Phượng, Giấc mơ Mỹ, Cha cõng con, Hồn papa da con gái, Âm mưu giày gót nhọn, Dòng máu anh hùng, Lửa Phật, Bẫy rồng... Sự tiếp nối của Bố già, Lật mặt: 48h có thể coi là “mốc son” để điện ảnh Việt lan tỏa khắp năm châu. Đây là bước tiến quan trọng, tạo đà cho nhiều phim nội địa tiếp tục thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Đáp ứng tiêu chuẩn điện ảnh thế giới

Theo đạo diễn Victor Vũ, khi đã ra đến thị trường quốc tế phải tính đến “khẩu vị” của người xem. Bên cạnh nội dung cuốn hút, giàu tính giải trí, phim Việt muốn cạnh tranh ở nước ngoài thì phải mang “bản sắc và phong vị Việt Nam”. Vì vậy, để có thể rút ngắn khoảng cách với những “gã khổng lồ” trong làng điện ảnh quốc tế, phim Việt cần phải tạo ra được những câu chuyện riêng, mang đậm yếu tố con người, gia đình và xã hội Việt. Bộ phim Hai Phượng đã làm được điều này với phục trang áo bà ba, bối cảnh sông nước miền Tây, lò gạch cũ và hình ảnh TP.HCM năng động... Sự kết hợp giữa bản sắc Việt và chuẩn Hollywood chính là yếu tố tiên quyết để phim vượt qua được tất cả những yêu cầu từ nhà phát hành quốc tế và đạt được thành công. Và nếu coi nội dung là “điều kiện cần” thì kỹ thuật là “điều kiện đủ” để đưa phim nội tiến ra nước ngoài. Những năm trở lại đây, các nhà làm phim như Ngô Thanh Vân, Lý Hải… đã có ý thức nâng tầm điện ảnh, khi những bộ phim của họ đều đạt chuẩn quốc tế từ âm thanh, hình ảnh, màu sắc cho đến poster, standee, banner quảng cáo.

Với mong muốn tiếp cận công chúng thế giới, nhiều bộ phim cũng đã tự chủ động tìm đường đến các liên hoan phim quốc tế. Chẳng hạn như với phim Cha cõng con, ê-kíp của đạo diễn Lương Đình Dũng đã tự tìm kiếm kinh phí để đưa phim đi dự các liên hoan vòng quanh thế giới và rồi đoạt giải “Phim nước ngoài hay nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Arizona lần thứ 26 và giải “Phim châu Á xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Iran lần thứ 36”. Hay đạo diễn Victor Vũ đã vận dụng hết “công lực” để đưa phim đi xa hơn lãnh thổ Việt Nam. Có thể kể đến Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes 2015, rồi đoạt giải thưởng “Phim hay nhất” tại Liên hoan phim quốc tế Silk Road 2015, đồng thời là đại diện chính thức của Việt Nam tại vòng sơ loại cho hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Oscar 2017. Mới đây nhất, tác phẩm Mắt biếc cũng trở thành đại diện chính thức của Việt Nam tại vòng sơ loại hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Oscar 2021. Thế nhưng, để việc xuất khẩu phim Việt tiến đến chuyên nghiệp, cần sự liên kết giữa các nhà làm phim và đặc biệt là chính sách “cởi mở” hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước, nếu không thì xuất khẩu phim cũng chỉ là việc “tự thân vận động” của các cá nhân.

Có thể thấy, những thành quả ban đầu sẽ giúp người làm nghề có thêm động lực, hy vọng về công cuộc chinh phục khán giả Việt ở khắp mọi nơi và giấc mơ xa hơn là chinh phục khán giả từ các nền văn hóa, điện ảnh khác trên thế giới. Hơn thế nữa, khẳng định được giá trị thương hiệu phim Việt và mở ra cơ hội lan tỏa văn hóa thông qua điện ảnh trong tương lai gần. 

 Phượng khấu Bố già được mời tham dự Asia Contents Awards 2021

Asia Contents Awards (ACA) là giải thưởng dành cho các tác phẩm giải trí xuất sắc phát trên truyền hình, các kênh trực tuyến và trên nền tảng OTT toàn châu Á. Năm 2021 là năm thứ 3 giải thưởng này được tổ chức tại Hàn Quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. 2 bộ phim Phượng khấu Bố già (phiên bản web drama trên YouTube) là những đại diện Việt Nam được mời tham dự và tranh giải.

Bố già là web drama đình đám của Trấn Thành từ đầu năm 2020, đến nay bộ phim vẫn đang tạo được sức hút lớn, nhất là khi phiên bản Bố già điện ảnh ra đời. Bộ phim không chỉ mang đến cho khán giả tiếng cười mà đan xen là những bài học về cuộc sống, về tình cảm gia đình trong guồng quay hối hả, hào nhoáng của thời hiện đại. Còn Phượng khấu là một trong những bộ phim dài tập tiên phong trên nền tảng OTT có mức đầu tư lớn: 11 tập phim, kinh phí đầu tư lên đến hơn 15 tỉ đồng. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên “gạo cội” như: NSƯT Thành Lộc, NSND Hồng Vân, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Minh Trang, NSƯT Tuyết Thu, Hồng Đào…

 HỒNG HẠNH

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top