Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Dịch lại "tấn công"​​​​​​​ những “thành trì” chống dịch

Thứ Hai 05/07/2021 | 11:39 GMT+7

VHO- Nghiên cứu về khả năng lây lan của dịch Covid-19 trong môi trường bệnh viện, các chuyên gia khuyến cáo đây là một trong những nơi cần được quan tâm nhiều nhất trong cuộc chiến chống Covid-19. Bởi đây là môi trường phức tạp, mầm bệnh dễ xâm nhập. Thực tế thời gian gần đây, dịch Covid-19 đã “tấn công” vào nhiều bệnh viện ở nước ta.

 TP.HCM siết chặt các giải pháp để đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch trong bệnh viện

 Ngày 4.7, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thông báo tạm ngưng tiếp nhận khám, chữa bệnh để tập trung phòng, chống dịch bệnh. Do qua xét nghiệm PCR định kỳ hằng tuần tất cả nhân viên tại bệnh viện và phát hiện 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 là nhân viên y tế và cung cấp dịch vụ tại bệnh viện. Trước đó, bệnh viện này cũng bị phong tỏa tạm thời do phát hiện nữ nhân viên làm việc tại đây mắc Covid-19. Hôm 3.7, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã phát hiện 4 ca nhiễm Covid-19 qua xét nghiệm tầm soát, đây là những thân nhân và bệnh nhi đang điều trị tại Khoa sốt xuất huyết. Do đó, bệnh viện thông báo tạm ngưng tiếp nhận người bệnh nội trú tại khu C để tiến hành công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trước đó ít ngày, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) xét nghiệm và phát hiện 25 người là bệnh nhân và thân nhân đang lưu trú tại bệnh viện này nhiễm Covid-19. Trong khi đây là bệnh viện được Sở Y tế chọn chuyển đổi theo mô hình “tách đôi bệnh viện”, tức là một nửa bệnh viện có nhiệm vụ chuyên tiếp nhận và điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19 nặng; một nửa còn lại của bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân lao, HIV.

Ngoài ra, qua khám sàng lọc, phân loại và xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1) đã phát hiện 10 trường hợp mắc Covid-19 là nhân viên, người lao động tại bệnh viện; lực lượng chức năng hiện đang phong tỏa bệnh viện để xét nghiệm là toàn bộ nhân viên. Đáng nói hơn, sau khi tiếp nhận một bệnh nhân được xác định mắc Covid-19, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Thủ Đức đã quản lý “lỏng lẻo”, để bệnh nhân này leo rào trốn viện, tự ý quay về nhà ở quận Tân Phú, khiến người dân sinh sống trên địa bàn gặp một phen “hú vía” về nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Lực lượng chức năng phải vất vả truy tìm, đưa bệnh nhân nói trên trở lại viện điều trị. Trước tình trạng này, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các bệnh viện tăng cường kiểm soát an ninh trật tự, siết chặt các giải pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch trong bệnh viện.

Nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng. Hiện thành phố đã vượt con số 5.600 ca mắc Covid-19, có thời điểm ghi nhận hơn 700 ca nhiễm/ngày. Ông Sơn đề nghị TP.HCM khắc phục những hạn chế trong tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phân phối và sử dụng test nhanh… Hiện con số sử dụng test nhanh còn rất hạn chế, lực lượng thực hiện công tác truy vết và lấy mẫu xét nghiệm bị phân tán nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, đợt bùng phát dịch thứ 4 này nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước. Ông Phong cho biết, phân tích các ca nhiễm từ 19.6 – 30.6 (thời điểm áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM), số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày, số lượng bệnh nhân Covid-19 điều trị tăng rất nhanh, nên thành phố đã có phương án triển khai 10.000 giường điều trị và có thể mở rộng thêm về quy mô giường bệnh. Với tốc độ lây lan mạnh và số ca nhiễm có khả năng vẫn còn tăng trong những ngày tới, ông Phong yêu cầu các Sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức tập trung triển khai 9 nhóm giải pháp trong đợt cao điểm kiểm soát dịch bệnh từ 29.6 đến 10.7 đã được ban hành.

Phân các nhóm nguy cơ thành ba cấp: nhóm rất cao, nhóm nguy cơ cao và nhóm nguy cơ đến từng phường xã, khu phố để tăng cường lực lượng đến các điểm nóng, nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Các cơ quan, đơn vị có trường hợp phơi nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 mới đây nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu thành phố rà soát lại các Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch của tất cả các lĩnh vực, địa điểm để cập nhập và triển khai hiệu quả trong tình hình mới. Các quận, huyện chủ động điều chỉnh phương án giãn cách xã hội phù hợp với tình hình thực tế, có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 của thành phố hoặc đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ nếu thấy thực sự cần thiết. Tiếp tục thực hiện tốt đồng bộ các giải pháp, quyết tâm giảm sâu dịch bệnh vào cuối tháng 7 để có thể khống chế dịch bệnh trong tháng 8 tới. 

HOÀNG QUÂN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top