Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Phát triển văn hóa truyền thông vì sự hoàn thiện nhân cách của con người

Thứ Ba 20/07/2021 | 14:00 GMT+7

VHO-Thế kỷ XXI là được coi thế kỷ của “văn hóa màn hình” với bước phát triển nhảy vọt, “làm mưa, làm gió” của các loại hình truyền thông, mà đặc biệt là truyền hình, phát thanh có hình, báo điện tử và các mạng xã hội dày đặc trên nền tảng internet. Giờ đây điện thoại thông minh, màn hình cảm ứng là “vật bất ly thân” đối với hầu như tất cả mọi công dân (chỉ có số ít người cao tuổi là hiếm khi dùng đến). Sử dụng công năng ngày càng cải tiến, “lên đời” của các loại điện thoại thông minh trên thế giới, con người hiện nay đã và đang thực hiện hầu hết mọi nhu cầu giao tiếp, chụp ảnh, quay camera, xem phim, xem truyền hình, chơi games giải trí, trực tiếp viết các trạng thái cảm xúc, bình luận tin tức, kết nối, giao dịch, thực thi công việc hàng ngày tại công sở cũng như ở tư gia.

Lượng người dùng Internet tại Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Internet.

Trên thực tế, bên cạnh tác động của gia đình và nhà trường, cơ quan đơn vị, truyền thông hiện đại có sức mạnh hết sức đặc biệt, chi phối các trạng thái tâm lý, cảm xúc diễn ra hàng ngày của con người, từng bước gây dựng niềm tin, khát vọng và theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu” sẽ kiến tạo nên đời sống văn hóa tinh thần, tư tưởng, tình cảm, quan điểm chính trị xã hội của công chúng.

Trong tương lai gần, khi quá trình chuyển đổi xã hội số, nền kinh tế số và quốc gia số diễn ra nhanh chóng, nếu không có chiếc điện thoại thông minh, dường như con người rất khó mà thực hiện mọi giao dịch cần thiết trong cuộc sống. Đây là một thách thức không nhỏ đối với mọi quốc gia (không phải bất cứ công dân nào cũng có đủ chi phí mua sắm và trình độ sử dụng điện thoại màn hình). Vừa qua, tốc độ hiện đại hóa thông tin truyền thông trên đất nước ta đã diễn ra cực kỳ nhanh chóng. Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng người dân truy cập internet bằng điện thoại thông minh, xem truyền hình, lướt qua các trang mạng xã hội zalo, facebook ngày càng tăng lên chóng mặt. Nhiều người còn tham gia “làm truyền thông” mà không có kiến thức tối thiểu của phóng viên, nhà báo. Điều đó có thời điểm đã làm nhiễu loạn các không gian tinh thần của con người và xã hội. Trên thực tế, hiện tượng “nhiễm độc tinh thần”, bị ám thị, lừa phỉnh bởi tin đồn là chuyện có thật trong xã hội hiện đại. Dường như có những lúc tin đồn chiếm ưu thế trên không gian mạng xã hội. Điều này đã rung lên một hồi chuông “báo động đỏ” về các loại tin nhảm, tin bịa đặt, tin xấu, tin sai… đang làm vẩn đục bầu không khí tinh thần xã hội, làm vẩn đục tâm hồn trong sáng của trẻ em và những người đang lớn lên về nhân cách. Chính vì vậy, trong thời gian qua, nhà trường, gia đình và truyền thông Nhà nước luôn luôn nỗ lực kiến tạo và khơi thông dòng chảy thông tin trong lành, đúng đắn nhằm mục đích giáo dục, rèn luyện nhân cách cho con người.

Trong thời đại của cách mạng công nghệ 4.0, con người ngày càng phụ thuộc vào Internet

 Căn cứ từ tình hình thực tiễn nóng bỏng nêu trên, có thể nhận thấy rằng:  muốn xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ xã hội thông tin hiện nay, thiết nghĩ cần phải đề xuất một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong Dự thảo Quyết định Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là: Xây dựng và phát triển văn hóa truyền thông vì sự hoàn thiện nhân cách của con người.

Vừa qua, Dự thảo Quyết định Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mới chỉ đề cập tới việc Phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số với các chi tiêu khá cụ thể về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, và đưa ra một số yêu cầu chung về chất lượng của truyền thông trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, để thiết thực xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, chúng ta không chỉ chú ý đến truyền thông thuần túy về công nghệ, kỹ thuật mà còn cần quan tâm vấn đề rộng hơn là xây dựng và phát triển văn hóa truyền thông, trong đó bao hàm mọi lĩnh vực của hoạt động truyền thông, truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số. Trong xây dựng và phát triển văn hóa truyền thông, cần phải xây dựng và phát triển nhân tố chủ thể con người tham gia truyền thông (bao gồm gồm đội ngũ làm truyền thông chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, đặc biệt là nâng cao trình độ nhân thức phổ cập của công chúng khi tiếp cận và giải mã thông tin một cách thông minh, hợp lý).

Hiện nay khi tham gia mạng xã hội, nhiều “cư dân mạng” tỏ ra cả tin và manh động, thậm chí còn là nạn nhân của tin tặc và tội phạm trong lĩnh vực này. Trong hoạt động báo chí chuyên nghiệp, đội ngũ nhà báo phải là những người chiến sĩ ưu tú trên mặt trận tư tưởng văn hóa, có tinh thần dũng cảm đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, chống lại cái ác, cái xấu, cái thấp hèn, đồng thời cũng còn phải biết chủ động hướng dẫn công chúng có thái độ đúng đắn khi tiếp nhận thông tin, tạo nên dư luận xã hội lành mạnh, góp phần giáo dục nhân cách con người và xây dựng môi trường văn hóa.

Việc ra đời Bộ Quy tắc ứng  xử trên mạng xã hội sẽ góp phần đẩy lùi những thông tin xấu, độc, giáo dục nhân cách con người

Văn hóa truyền thông nước ta là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhìn chung, có thể nhận thấy cơ cấu của văn hóa truyền thông gồm ba bộ phận:

- Một là, kiến thức truyền thông, hạ tầng nền tảng kỹ thuật và công nghệ truyền thông hiện đại đã và đang ngày càng phát triển theo nhịp độ thế giới trong thời kỳ chuyển đổi số;

- Hai là, phương thức sáng tạo, sản xuất truyền thông đạt chuẩn mực văn hóa, tức là phải làm cho các giá trị văn hóa thẩm thấu sinh động vào hoạt động truyền thông (chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp) thể hiện trong quá trình: Khai thác thông tin từ thực tiễn; Sáng tạo tác phẩm báo chí; Truyền tin qua các phương tiện truyền thông Hoạt động tiếp nhận thông tin của cả cộng đồng xã hội.

Hệ thống tác phẩm truyền thông có chất lượng, phù hợp chuẩn mực Chân (đúng bản chất của sự thật), Thiện (đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội, dân tộc, đất nước, nhân loại) và Mỹ (đạt chuẩn mực về Cái Đẹp) sẽ là giao diện tiêu biểu của văn hóa truyền thông quốc gia.

- Ba là, trình độ dân trí ngày càng cao của công chúng trong quá trình tiếp cận và thụ hưởng thông tin, biết bày tỏ thái độ ứng xử có chuẩn mực văn hóa trước thông tin, từ đó hình thành dư luận xã hội lành mạnh.

Ba bộ phận cấu thành văn hóa truyền thông trên đây có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, chặt chẽ và đồng bộ sẽ hình thành nên gương mặt văn hóa truyền thông trong giao diện tổng thể của văn hóa dân tộc. Chính vì thế, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp với chuẩn mực cao về đạo đức và năng lực nghề nghiệp, thì cần phải tăng cường hoạt động hướng dẫn, giáo dục về đạo đức, lương tri, nâng cao trình độ nhận thức của người dân khi tham gia các không gian truyền thông công cộng. Đây là việc làm đồng hành cùng quá trình thực thi Luật An ninh mạng một cách nghiêm khắc để giữ gìn, bảo vệ sự trong lành đời sống thông tin của xã hội, góp phần quan trọng để phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

                                                                     PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng

Print
Tags:
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top