Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực

VHO - Sáng 22.7.2021, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV tiếp tục ngày làm việc thứ 3. Quốc hội nghe báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội, Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nội dung gửi đến kỳ họp thứ nhất; Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2021-2025; Phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2019.

Bắt đầu phiên họp sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định: Tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không đồng đều, thiếu bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với nhiều biến chủng mới.

Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực - Anh 1

Toàn cảnh phiên họp sáng 22.7

Trong nước, nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức rất thành công như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng kiện toàn nhân sự nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV; bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã nhanh chóng ổn định, khẩn trương xử lý, giải quyết công việc, bảo đảm kế thừa, liên tục, thông suốt. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của Nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Chính phủ trân trọng cảm ơn đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng tuyến đầu như Y tế, Quân đội, Công an cùng các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, chung tay trong công tác phòng chống dịch. Trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ quý báu của các quốc gia, tổ chức, bạn bè quốc tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19

Về kinh tế: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức tăng trưởng khá so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng kinh tế khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp,. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực - Anh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 22.7

Về phát triển văn hoá, xã hội đã thực hiện tốt các chính sách người có công; đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn". Những giá trị văn hoá, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện; đã kịp thời cấp gạo, cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt; hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông cho người dân và doanh nghiệp.

Về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng. Về xây dựng thể chế, cải cách hành chính; sắp xếp tổ chức, bộ máy nhà nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí, có sự đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. 

Về Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; chủ quyền Quốc gia được giữ vững. Thực hiện tốt chủ trương bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai tích cực, chủ động, đồng bộ, hiệu quả. Xây dựng và tích cực triển khai Chương trình hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các đối tác quan trọng.

Về Thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, được đẩy mạnh, nhất là về Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và phòng chống đại dịch Covid-19,... góp phần la toả năng lượng tích cực, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, truyền cảm hứng cho Nhân dân và tạo đồng thuận xã hội. Phát huy thế mạnh của báo chí, truyền thông; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm. Chủ động phát hiện, ngăn chặn thông tin giả, xấu, độc, vi phạm pháp luật, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực - Anh 3

Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được là cơ bản, vẫn còn những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực. Hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số ngành kinh tế và đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng có dịch, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn yếu tố khó lường. 

 Tuy nhiên, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả tích cực là cơ bản.; kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với cùng kỳ, các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng thời gian qua, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới với những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch Covid-19, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được. Chính phủ tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. 

Chính phủ trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, chia sẻ, giám sát của trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự đồng hành vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể nhân dân và sự tham gia tích cực, đóng góp, ủng hộ nhiệt tình, hiệu quả của đồng bào, cử tri cả nước.

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao, thực sự vui mừng, phấn khởi trước những kết quả to lớn, toàn diện mà Đảng và Nhà nước và Nhân dân đã đạt được trên các lĩnh vực. Cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp cả về nội dung và công tác nhân sựu, mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước. Cử tri và Nhân dân đồng thuận rất cao với chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực - Anh 4

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Cử tri và Nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi và tin tưởng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành đang triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là nguồn động lực lớn, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở cùng còn khó khăn nhất cả nước.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, cử tri và Nhân dân cả nước vẫn còn băn khoăn một số vấn đề. 

Cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo lắng, trong bối cảnh khan hiếm vaccine toàn cầu, cam kết của các nhà cung ứng còn lỏng lẻo, vaccine trong nước chưa sản xuất được, phải có giải pháp thực sự đột phá, khả thi thì mới đạt được tỷ lệ tiêm chủng 75% dân số của cả nước như kế hoạch của Bộ Y tế. Cử tri và Nhân dân cũng băn khoăn về việc giải ngân các gói hỗ trợ xã hội, sao cho kịp thời, đúng đối tượng để việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được kịp thời, thực chất và thiết thực. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường, trẻ em có thể sẽ tiếp tục không được đến trường và vui chơi, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm, sinh lý, cần sớm có giải pháp giải quyết phù hợp. 

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị một số vấn đề quan trọng. Trong đó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội khoá XV đề cao trách nhiệm, cố gắng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình hành động và lời hứa với cử tri trong quá trình vận động bầu cử. Cử tri cũng mong muốn Quốc hội nâng cao chất lượng hoạt động. Đặc biệt, cử tri và Nhân dân kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận vắcxin của người dân; quản lý chặt chẽ và công khai các nguồn lực phục vụ công tác phòng,  chống Covid-19, nhất là nguồn tài trợ, quyên góp ủng hộ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

HOÀNG HƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc