Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc quản lý phim tham dự LHP quốc tế: Không hội đồng nào hạn chế tính sáng tạo và cái đẹp

Thứ Hai 26/07/2021 | 09:25 GMT+7

VHO- Sau bài viết Phim “vượt rào” tham dự LHP quốc tế: Mọi “sân chơi” đều phải thượng tôn pháp luật đăng trên số báo 3596 ra ngày 23.7, Văn Hóa tiếp tục ghi nhận những ý kiến, chia sẻ của người trong nghề về sự cần thiết phải có chế tài nghiêm khắc để quản lý hiện tượng phim Việt “tiền trảm, hậu tấu”, xuất ngoại thi chui tại các LHP quốc tế đã diễn ra trong thời gian qua.

Siết chặt quản lý không kéo lùi sự phát triển của điện ảnh

Để nâng tầm một nền điện ảnh quốc gia, ngoài nội lực sản xuất và khán giả trong nước thì tham dự và thành công tại các LHP, các sự kiện điện ảnh quốc tế là cách quảng bá và tiếp cận tốt nhất, chi phí thấp nhất. Nhìn từ bộ phim Cha cõng con (Father and Son), tôi thấy rõ điều đó. Bộ phim đã được chiếu, phát hành ở gần 20 quốc gia và nhận được nhiều giải thưởng như Giải phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Iran lần thứ 36; Giải kịch bản xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam XX; Giải phim nước ngoài hay nhất tại LHP Quốc tế Arizona lần thứ 26… Đặc biệt, Cha cõng con là đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự Hạng mục Phim truyện tiếng nước ngoài tại Giải Oscars lần thứ 90. Tôi cũng như khán giả Việt Nam có quyền tự hào về tác phẩm, như một chuyên gia đã nói, Cha cõng con là hành trình về vẻ đẹp, cảnh sắc và tâm hồn Việt Nam.

Tôi không nghĩ việc siết chặt quản lý là kéo lùi sự phát triển của điện ảnh. Tuy nhiên, theo thời gian và sự phát triển chung của điện ảnh thế giới, các nhà làm luật cũng cần có những điều chỉnh thích hợp, tạo ra cơ hội đối thoại giữa nhà làm phim và các bộ phận kiểm duyệt thì sẽ tốt hơn. Bởi sau mỗi cuộc đối thoại thì luật vẫn là kim chỉ nam để chúng ta vẫn có thể còn một bộ phim, dù nó có thể phải sửa chữa, điều chỉnh, thậm chí quay lại một số phần. Có một thực tế, các nhà làm phim ngoài mong muốn được khẳng định mình thì ẩn sâu trong tâm tư họ là khao khát được lan toả điện ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Để vừa đảm bảo sự thẩm định của nhà quản lý, vừa đảm bảo tính sáng tạo của nghệ sĩ thì cần phải có sự thích ứng và thấu hiểu của cả hai bên. Chúng ta cần nhiều cuộc đối thoại, có thể hiểu như là cuộc hội thảo trao đổi giữa các nhà làm phim với cơ quan quản lý. Qua đó, mọi người sẽ hiểu được phạm vi mở rộng nhất của sản phẩm sáng tạo, sẽ gần nhau hơn và giúp điện ảnh Việt phát triển mạnh mẽ hơn.

(Đạo diễn LƯƠNG ĐÌNH DŨNG, phim Cha cõng con)

Không hội đồng duyệt nào lại hạn chế tính sáng tạo, cái đẹp thiện lành mà tác phẩm mang lại

Việc nhiều bộ phim Việt chưa được cấp phép phổ biến đã ra nước ngoài tham dự LHP, tôi nghĩ có thể tác phẩm đó ngay từ lúc sản xuất, nhà làm phim đã không có chủ đích phát hành ở Việt Nam mà hướng tới các cuộc thi, LHP quốc tế dưới danh nghĩa nhà làm phim độc lập. Họ có thể không nắm rõ luật là phim phát hành trong hay ngoài nước đều phải được Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua, sau đó Cục Điện ảnh sẽ xem xét việc cấp phép và dán nhãn phân lọc độ tuổi theo quy định trước khi tác phẩm được công chiếu hoặc dự thi. Tôi nhìn theo hướng là các nhà làm phim có thể không nắm được điều này, còn nếu biết mà vẫn cố tình vi phạm thì thật là đáng tiếc và không nên cổ suý. Vì quốc gia nào, ngành nghề, hiệp hội nào cũng có những điều luật được đặt ra và chúng ta buộc phải tôn trọng, tuân thủ.

Có ý kiến cho rằng, cách làm việc của Hội đồng duyệt phim chưa thực sự cởi mở đối với sự sáng tạo của những nhà làm phim trẻ, dù họ còn chưa thực sự biết rõ những cảnh buộc phải cắt, buộc phải tiết chế lại là gì, nội dung ra sao. Nếu “cởi mở” đồng nghĩa với thoả hiệp, chấp nhận những cảnh phim dung tục, không phù hợp thuần phong mỹ tục, không phản ánh đúng cuộc sống của đất nước ngày hôm nay tới khán giả, đặc biệt là bạn bè quốc tế - trong đó có những người chưa từng đặt chân đến Việt Nam - thì tôi nghĩ có gì hay và tốt đẹp? Bạn là người Việt Nam, dù làm phim hay bất kỳ công việc gì thì điều đầu tiên là bạn cần hướng tới những điều tốt đẹp nhất đối với nơi mình sinh ra và lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người. Đó cũng chính là trách nhiệm của những người làm nghệ thuật. Và tôi tin sẽ chẳng có hội đồng duyệt nào lại hạn chế tính sáng tạo, cái đẹp thiện lành mà tác phẩm mang lại. Các thành viên trong hội đồng có đủ uy tín và năng lực nghề nghiệp để nhìn nhận thấu đáo vấn đề đó.

Bất kỳ vi phạm pháp luật nào cũng đều cần có chế tài xử phạt nghiêm minh và hợp lý trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Đối với việc phim đi thi quốc tế khi chưa được cấp phép phổ biến thì dù ở Việt Nam hay ở quốc gia nào cũng sẽ phải có chế tài xử lý. Vì đó là cách các nhà quản lý văn hoá hạn chế vấn nạn các tác phẩm điện ảnh không đại diện cho quốc gia đó, bôi nhọ hoặc chống phá thể chế chính trị hoặc lịch sử, văn hoá của đất nước sản xuất ra bộ phim đó.

Tôi nghĩ việc phạt tiền chỉ là bề nổi của vấn đề. Nếu như các nhà làm phim muốn đứng trên pháp luật để đạt được mục đích của mình thì dù phạt tiền ở mức nào họ cũng sẽ vi phạm. Hãy nghĩ tới việc lan toả các giá trị tích cực đến với khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ. Nếu chỉ vì chiều chuộng gu thẩm mỹ của một số cuộc thi quốc tế, mà phải làm những bộ phim mà khi xem xong, một bộ phận khán giả nước ngoài nghĩ Việt Nam là đất nước lạc hậu, tồi tàn thì có nên không? Các tác phẩm điện ảnh có giá trị trước hết phải đứng vững vàng, được công nhận ngay chính trên quê hương mình. Đó là phần thưởng lớn nhất đối với các nhà làm phim.

(Đạo diễn ĐẶNG THÁI HUYỀN, Điện ảnh Quân đội nhân dân)

Muốn được tôn vinh thì phim trước hết phải đẹp và đúng luật

Tôi tin rằng nếu phim Vị được phổ biến ở Việt Nam, chắc chắn lượng “gạch đá” ném vào các nhà quản lý và Hội đồng sẽ nặng và nhiều hơn so với việc bị tuýt còi. Một tác phẩm điện ảnh có thể mô tả cái xấu, cái trần trụi, cái nhày nhụa, nhưng kết phim phải là sự vươn lên, phải đem lại niềm tin yêu cuộc sống chứ không phải trút hết vào khán giả sự bế tắc, bất lực khiến họ mệt mỏi, hoang mang. Có người bảo đây không hẳn là phim Việt, chỉ là mượn bối cảnh Việt để nói câu chuyện khác. Xin thưa, đây là phim Việt, quay tại Việt Nam, bối cảnh, con người Việt Nam và các nhà làm phim khi đưa đi dự thi cũng khẳng định là phim Việt.

Tham dự LHP quốc tế là con đường để điện ảnh Việt Nam đến với thế giới nhanh nhất. Thế nhưng, đấy cũng chính là sứ mệnh của mỗi tác phẩm điện ảnh đối với dân tộc. Tại sao không là bộ phim về đất nước Việt Nam nhân văn, cao thượng, khát vọng vươn lên? Tại sao lại hoàn toàn u tối và bế tắc như vậy? Dĩ nhiên, trước việc cấm một phim phổ biến đã có nhiều ý kiến cho rằng Hội đồng duyệt bảo thủ, gây cản trở sự phát triển của điện ảnh Việt và đặt vấn đề về sự lạc hậu của Luật Điện ảnh. Nhưng thực tế, Hội đồng đâu ghê gớm thế, không ai muốn triệt tiêu một tác phẩm nếu nó đúng, hay và nghệ thuật. Một tác phẩm điện ảnh được làm ra là mồ hôi, tâm sức, trí tuệ của nhiều người và hơn ai hết, Hội đồng hiểu được trách nhiệm của mình. Nhưng trước hết, một tác phẩm muốn được phổ biến, tôn vinh thì phải đẹp và đúng luật đã.

Nhiều người chỉ nói rằng phim hay, nhưng lại không nhìn bộ phim đó có đúng luật không. Hội đồng duyệt phim trước hết phải thẩm định tính đúng - sai của một tác phẩm. Sự sáng tạo của các nhà làm phim luôn được tạo điều kiện thúc đẩy, nhưng phải trên cơ sở lan tỏa những giá trị nhân văn, đúng đắn. Để tìm kiếm sự hài hòa giữa sáng tạo và quản lý, thiết nghĩ cần có cơ chế đối thoại giữa Hội đồng và nhà làm phim. Hội đồng không cấm đoán như nhiều người vẫn lên án, nhưng các nhà làm phim trẻ cũng cần nhìn lại chính mình, khi làm một bộ phim với tư cách là công dân Việt Nam, họ muốn chuyển tải điều gì, cảm xúc thực sự bên trong là gì?

Tôi cũng cho rằng cần có những chế tài thực sự nghiêm khắc đối với những bộ phim tự ý ra nước ngoài tham dự LHP khi chưa được cấp phép phổ biến. Cần tăng cả mức phạt hành chính lẫn các chế tài khác, đặc biệt đối với đạo diễn là người chịu trách nhiệm chính. Những quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… đều có hình thức xử phạt rất nặng đối với hành vi này. Nếu không, luật pháp sẽ tiếp tục bị “nhờn”.

(Nhà báo TRẦN VIỆT VĂN, Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện)

 

PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top