Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Những kho báu làm sáng tỏ nghi thức cổ xưa ở Mexico

Thứ Sáu 03/09/2021 | 12:59 GMT+7

VHO- Hơn một thập kỷ kể từ khi nhà khảo cổ Sergio Gomez bắt đầu khai quật đường hầm dưới Đền Rắn, (hay còn gọi là Kim tự tháp Quetzalcoatl, Mexico), các nhà nghiên cứu vẫn dành phần lớn thời gian để nghiên cứu nhiều hiện vật thiêng liêng được linh mục đặt cẩn thận ở đó khoảng 2.000 năm trước kia.

Một chiếc vòng cổ làm bằng vỏ sò được tìm thấy trong một đường hầm 2.000 năm tuổi dưới chân Đền Rắn

Sự đa đạng của cổ vật được giấu trong đường hầm kín này đã phá vỡ những kỷ lục về các khám phá khác tại Teotihuacan. Thành bang cổ đại này cũng từng là đô thị đông dân nhất của châu Mỹ và là điểm thu du lịch hút khách hàng đầu ngày nay ở Mexico.

Hơn 100.00 cổ vật

Cho đến nay, số lượng đồ tạo tác khổng lồ trên từ đường hầm đã được lập danh mục nghiên cứu. Từ các bức tượng, vỏ sò và đồ gốm được chạm khắc tinh xảo cho đến hàng nghìn đồ vật bằng gỗ, kim loại vẫn vẹn nguyên theo thời gian.

Trong chuyến tham quan gần đây về đường hầm và khu vực bảo tồn, nơi ông Sergio và 30 cộng sự khác dành thời gian nghiên cứu, ông đã giới thiệu một số phát hiện đáng kinh ngạc mà từ trước đến nay chưa được công bố. Theo đó, nhiều mẫu vật mô tả lại các lễ nghi cổ đại nằm dọc theo con hầm dài 100m.

“Bạn có thể thấy nó”, Sergio chiếu ánh sáng điện thoại lên một quả cầu hổ phách được chạm khắc có kích thước như một quả bóng tennis. Khi được chiếu sáng, quả cầu trông như dung nham nóng chảy. Đây là lần đầu tiên một vật trang trí làm từ hổ phách xuất hiện ở Teotihuacan.

Hay một vật dụng khác được tìm thấy có hình dạng giống như một điếu thuốc, nhà khảo cổ phỏng đoán đây có thể là một loại thuốc lá được đeo quanh ở cổ của linh mục. Trong nghi thức cổ xưa ở Mexico, các linh mục bước xuống đường hầm có thể đã ăn các loại cây hoặc nấm gây ảo giác như một phần của nghi lễ.

Sergio Gomez cũng giải thích thêm, đường hầm được thiết kế công phu với chiều cao vừa đủ và có khả năng làm chói mắt. Các bức tường và thậm chí sàn nhà được phủ một lớp pyrit sắt, một loại khoáng vật giống kim loại quý. “Chúng ta có thể tưởng tượng khi các linh mục bước vào với một ngọn đuốc, đường hầm sẽ lấp lánh như thế nào”, nhà khảo cổ Sergio Gomez miêu tả.

Qua công nghệ khoa học xác định niên đại, đội ngũ nghiên cứu cho rằng, đường hầm mặc dù hơi ẩm ướt nhưng cũng đã được sử dụng trong hơn 2 thế kỷ đến năm 250 sau Công nguyên.

Được biết, Teotihuacan từng là một quốc gia giàu có cùng thời kỳ với La Mã cổ đại và Trung Quốc. Phát triển mạnh từ khoảng 100 năm trước Công nguyên đến năm 550 sau Công nguyên, đây là nơi sinh sống của khoảng 200.000 người. Chủ yếu, họ sống tụ tập thành các gia đình lớn dưới các khối đá lớn. Một số bằng chứng về cuộc sống được thể hiện bằng các bức vẽ trên tường đầy màu sắc.

Hiện tại, vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ về cuộc sống xa xưa của những người ở đây. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem liệu họ có phát triển hệ ngôn ngữ chữ viết tương tự như của người Aztec hay không. Các nhận định cũng cho rằng, những người này có thể đã thống trị khu vực trong khoảng 8 thế kỷ trước khi Teotihuacan sụp đổ.

 Một nhà nghiên cứu đang xem xét xác thực vật còn nguyên vẹn trong đường hầm

Những khám phá đáng kinh ngạc

Tiếp tục đi thêm, Sergio dừng lại ở một khu vực, nơi nhiều báu vật lớn được tìm thấy. Ông mô tả đây là khu vực có cấu trúc đặc biệt với 17 lớp vỏ riêng biệt được các linh mục tỉ mỉ đặt thành nhiều lớp. Lớp cuối được nghiền nát bởi cách dẫm lên.

Để tìm thấy nhiều tàn tích như vậy, cuộc khai quật của Sergio Gomez đã kéo dài hàng chục năm trời. Cấu trúc ở đây trong tình trạng tốt kinh ngạc đến mức có thể tìm thấy tóc của người được chôn cất.

Dường như, các nghi lễ trong đường hầm này có liên quan đến nghi thức hiến tế cho các chúa tể của thế giới ngầm và vị thần chính của thành phố, thần bão tố. Hàng chục chiếc lọ đen bóng được làm gần giống nhau đã được phát hiện.

Trong số các lễ vật, phong phú nhất là hàng trăm đồ cổ được làm bằng ngọc bích hoàng gia, một trong những loại đá quý đắt nhất thế giới. Những đồ vật bao gồm khuyên tai, dây chuyền, mặt dây chuyền. Một trong số đó có hình con cá sấu.

Một số đồ vật được cho nhập khẩu từ Honduras bao gồm hạt, đĩa và nửa dưới thân cốc cũng được khai quật. Ngoài ra, khu vực này còn chứa đựng 8.000 đồ vật bằng gỗ, đĩa bát và hộp sọ của 30 loài động vật săn mồi như báo đốm. báo sư tử…

Một chiếc hố khoét sâu vào nền đường hầm mà trước đây từng bị lãng quên cũng đã được các nhà khoa học phát hiện ra. Rất có thể, một số linh mục đã thực hiện nghi lễ cúng bằng cách thả các bó hoa vào, trên cùng là một đống gỗ, ngô, ớt và xương rồng nopal cùng một kim tự tháp chạm khắc bằng đá thu nhỏ. Toàn bộ sau đó bị đốt cháy.

Nhờ lấy được mẫu củi trong hố, Sergio sẽ sớm xác định chính xác năm diễn ra nghi lễ xông khói này. Xác thực vật còn nguyên vẹn sau nghi lễ cũng lần đầu tiên được tìm thấy tại Teotihuacan.

Với những phát hiện mới, Sergio Gomez bày tỏ phấn khích và cho rằng: “Những điều này thật độc đáo. Nó làm cho bạn thấy gần gũi hơn với những cư dân từng sinh sống ở đây”.

ĐÌNH TOÁN (Theo Reuters)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top