Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Triển vọng về nguồn cung vắcxin toàn cầu

Thứ Hai 06/09/2021 | 09:31 GMT+7

VHO- Trong nỗ lực giải quyết tình trạng khan khiếm nguồn cung vắcxin ngừa Covid-19, các quốc gia, khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hãng dược không ngừng mở rộng cơ sở sản xuất, nâng cao sản lượng cung ứng. Điều này đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực để cải thiện nguồn cung cho chiến dịch mở rộng độ bao phủ vắcxin ngừa Covid-19 trên toàn cầu.

 Chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh trên toàn cầu Ảnh: AP

 Nguồn tin mới đây của Reuters cho biết, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới đang sản xuất khoảng 150 triệu liều vắcxin AstraZeneca mỗi tháng, tăng gấp hơn hai lần sản lượng hồi tháng 4. Đồng thời, công ty dược phẩm đa quốc gia Ấn Độ Cadila Healthcare (CADI.NS) cũng đã phát triển thành công vắcxin ngừa Covid-19 và được chấp thuận sản xuất. Cùng với đó, việc sản xuất thương mại vắcxin Sputnik V của Nga đang được triển khai tại quốc gia Nam Á này, sẽ góp phần cải thiện rõ rệt sản lượng vắcxin ngừa Covid-19 tại Ấn Độ. Theo người đứng đầu đảng cầm quyền BJP của Ấn Độ dự đoán, nước này có thể sản xuất tới 1,1 tỉ liều vắcxin trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 12, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người trưởng thành tại Ấn Độ trong năm nay. Như vậy, khả năng Ấn Độ sẽ sớm trở lại dẫn đầu chuỗi cung ứng vắcxin ngừa Covid-19 toàn cầu, góp phần bổ sung nguồn cung quan trọng cho cơ chế COVAX.

Trong khi đó, Công ty Sinh phẩm và Vắcxin Ai Cập (VACSERA) và Công ty dược sinh học Sinovac của Trung Quốc cũng vừa đạt được thỏa thuận sản xuất vắcxin ngừa Covid-19 tại Ai Cập. Theo đó, một nhà máy tại Cairo sẽ sản xuất hơn 200 triệu liều vắcxin Sinovac mỗi năm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời, một nhà máy thứ hai sẽ sản xuất 3 triệu liều mỗi ngày, tương đương khoảng 1 tỉ liều mỗi năm, với mục tiêu xuất khẩu loại vắcxin này sang các nước châu Phi. Các chuyên gia Trung Quốc đã tới Ai Cập để kiểm tra các trang thiết bị và nguyên liệu sản xuất vắcxin Sinovac tại các nhà máy của công ty VACSERA. Dự án này mở ra triển vọng đưa Ai Cập trở thành nhà sản xuất vắcxin lớn nhất tại khu vực Trung Đông và châu Phi, góp phần giải quyết “cơn khát” vắcxin ngừa Covid-19 vốn đang trầm trọng tại “lục địa đen”.

Tại châu Âu, cuối tháng 8 vừa qua, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã phê chuẩn thêm các cơ sở sản xuất vắcxin ngừa Covid-19 theo công nghệ tiên tiến mRNA của Pfizer/BionTech và Moderna. Cụ thể, EMA đã phê chuẩn một cơ sở ở Saint Remy sur Avre tại Pháp để sản xuất vắcxin Comirnaty của Pfizer/BionTech. Nhà máy này nằm dưới sự quản lý của Tập đoàn sản xuất dược phẩm Delpharm, có trụ sở tại Pháp, dự kiến sẽ sản xuất thêm 51 triệu liều vắcxin ngừa Covid-19 trong năm 2021. Đồng thời, EMA cũng đã phê chuẩn một dây chuyền sản xuất mới tại một nhà máy của hãng dược BionTech ở Marburg (Đức), với sản lượng khoảng 410 triệu liều vắcxin trong năm nay. Thêm vào đó, EMA còn thông qua việc sản xuất vắcxin ngừa Covid-19 của hãng Moderna, tại một nhà máy ở Bloomington (Mỹ) và một số địa điểm khác liên quan tới hoạt động thử nghiệm và đóng gói vắcxin. Các động thái này của EMA cho thấy, nỗ lực cải thiện nguồn cung vắcxin, nhằm đảm bảo cho chiến dịch chủng ngừa Covid-19 của liên minh châu Âu (EU) diễn ra đúng như kế hoạch.

Thực tế, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắcxin ngừa Covid-19 toàn cầu đã diễn ra suốt nhiều tháng nay. Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện tại các nước có thu nhập cao đã có 104 liều vắcxin được tiêm cho 100 người. Trong khi tỉ lệ này tại 29 nước có thu nhập thấp nhất, mới chỉ có 2 liều được tiêm cho 100 người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt mục tiêu mỗi nước có ít nhất 10% dân số được tiêm vắcxin ngừa Covid-19 trước cuối tháng 9 này, sau đó nâng tỉ lệ này lên lần lượt là 40% và 70% vào cuối năm nay và vào giữa năm 2022. Bởi vậy, việc mở rộng sản xuất vắcxin là tín hiệu tốt, để giải quyết bài toán khan hiếm vắcxin và thúc đẩy công tác phân phối vắcxin hợp lý trên toàn cầu.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới dễ lây lan, nhiều quốc gia đang thúc đẩy chiến dịch bao phủ vắcxin, nhằm giảm thiểu những rủi ro của dịch bệnh. Và việc cải thiện nguồn cung vắcxin toàn cầu được xem là cánh cửa hy vọng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 cho nhiều quốc gia, nhất là các nước thu nhập thấp. 

 HI MINH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top