Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Thẩm tra Luật Điện ảnh (sửa đổi): Hành lang pháp lý có tầm nhìn xa cho điện ảnh

Thứ Sáu 24/09/2021 | 14:29 GMT+7

VHO- Sáng 24.9, Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đã cho ý kiến và thông qua báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Chủ trì phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Chính sách đột phá, tầm nhìn dài hạn

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, cơ quan liên quan trong quá trình chuẩn bị  nội dung và  thẩm tra dự án Luật. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đánh giá cao Bộ VHTTDL, cơ quan soạn thảo dự án Luật đã cầu thị, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và các cơ quan của Quốc hội.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt yêu cầu cao về chất lượng đối với các dự án Luật, trong đó có dự Luật Điện ảnh (sửa đổi). Các đại biểu cần tập trung thảo luận, làm sâu sắc thêm các nội dung trong dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, góp ý cho dự thảo Luật để Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi ban hành sẽ tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi, với chính sách đột phá, tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là một ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trình bày Tờ trình Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo đó, dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 3 (tháng 9.2021). Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục và ý kiến các Ủy ban của Quốc hội, dự án Luật đã được Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện.

Dự Luật phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua:Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật. Dự Luật gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật hiện hành.

Theo Tờ trình, trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án: Phương án 1: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng;  Phương án 2: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất phim. Trong đó, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1.

Nội dung thu hút sự chú ý của giới nghề và dư luận trong thời gian qua là Phổ biến phim trên không gian mạng. Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. “Đây được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, để thực hiện phương án cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), các quy định về tiêu chí, nội dung phân loại cần cụ thể. Bên cạnh đó cần xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi cùng lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục để giám sát và xử lý kịp thời những vi phạm.

Nội dung Tờ trình cũng nêu các ý kiến đề nghị dự thảo Luật quy định chỉ được phổ biến phim khi có Giấy phép phân loại phim do Bộ VHTTDL, UBND cấp tỉnh cấp hoặc Quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình thì được phép phổ biến trên không gian mạng.  Theo đó, cần xem xét kỹ lưỡng đặc biệt về mặt kỹ thuật, về nhân lực và khả năng thực hiện kiểm soát, thẩm định nội dung phim trong bối cảnh phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử xuyên biên giới. Với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay, chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này.

Nghệ thuật sáng tạo và kinh tế trong điện ảnh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật. Theo đó nhấn mạnh: Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành sau 15 năm thi hành... để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày Tờ trình Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

“Cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác. Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh. Cần khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi. Các quy định của Luật bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển ngành điện ảnh…”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Báo cáo thẩm tra cho biết, hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung thẩm tra nêu chi tiết về: Chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh; Quản lý nhà nước về điện ảnh; Về sản xuất phim; Phát hành phim; Phổ biến phim; Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Lưu chiểu, lưu trữ phim.

Cũng tại báo cáo, Ủy ban trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 02 vấn đề Chính phủ trình xin ý kiến tại Tờ trình số 335/TTr-CP và 01 vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận. Về Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, đa số các thành viên Chính phủ chọn giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; đa số ý kiến thành viên Ủy ban lựa chọn phương án 2 nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với Luật Đấu thầu. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đối với việc đấu thầu, cần có quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi vì đây là lĩnh vực đặc thù.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật

 Về phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thuận cho rằng, Quy định như Dự thảo Luật là phù hợp với thực tế hiện nay, báo cáo thẩm tra cũng nêu, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Ngoài ra, Ủy ban cũng nêu vấn đề về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Nhiều đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến về các nội dung tại dự thảo Luật, tập trung là các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP. HCM) tán thành quy định tại khoản 3, điều 5: “Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh…”. Theo bà Tuyết, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư hệ thống rạp chiếu mới, hỗ trợ  chính sách giúp cho các rạp Nhà nước hiện nay có thể cải tạo hệ thống cơ sở vật chất,  khai thác hiệu quả. Việc nâng cấp hệ thống rạp chiếu cũng tạo sự chủ động hơn trong phổ biến các phim tuyên truyền, phim Nhà nước đầu tư  mà không cần phụ thuộc hệ thống rạp do các doanh nghiệp nước ngoài quản lý như hiện nay.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội

Về phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, hiện nay khó giải pháp nào hiệu quả hơn phương án được dự thảo Luật đưa ra. Theo đó, siết chặt trách nhiệm của các cá nhân phổ phim trên không gian mạng. “Hiện chúng ta rất khó để quản lý từ đầu đến cuối...”, bà Tuyết nêu.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông cũng đồng tình với quy định tại dự Luật về nội dung này.  Hiện số lượng đầu phim trên mạng quá nhiều, rất khó kiểm soát trong điều kiện chưa đủ điều kiện, năng lực đáp ứng yêu cầu tiền kiểm. Bên cạnh đó, do những tác động lớn của điện ảnh đến đời sống, nhiều phim mạng có nội dung tiêu cực, vì vậy, bà Đông cho rằng cũng cần nghiên  cứu kỹ, chặt chẽ, có biện pháp chế tài mang tính răn đe.

Quy định về sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, nhiều đại biểu đồng thuận phương án giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim, theo đó có đề xuất cần làm rõ hơn các tiêu chí đấu thầu. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), điện ảnh với đặc thù là sản  phẩm nghệ thuật, không giống như hàng hóa thông thường nên rất khó thực hiện đấu thầu, chưa kể phương thức đấu thầu còn có thể ảnh hưởng nhiều đến tiến độ làm phim. Bà Nga cho rằng, về phương án giao nhiệm vụ,  đặt hàng cũng cần quy định chi tiết, chặt chẽ, đặc biệt về thẩm định chất lượng phim.

Đảm bảo chất lượng dự án Luật

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhấn mạnh, Luật Điện ảnh là luật chuyên ngành được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, giao Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo với quan điểm nhất quán là phải thể chế hóa quan điểm của Đảng, nhất là những nội dung tại Nghị quyết số 33, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhằm phát triển nền điện ảnh với góc độ vừa là lĩnh vực  VHNT, vừa là một ngành kinh tế, thông qua điện ảnh để phát triển công nghiệp văn hóa. “Trên tinh thần kế thừa luật cũ, nghiên cứu các xu thế phát triển và trong bối cảnh công nghệ thông tin hiện nay, Luật Điện ảnh sửa đổi có nhiều nội dung mới, những vấn đề chưa có trong Luật Điện ảnh hiện hành…”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu về những nội dung còn có nhiều ý kiến tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, với đặc thù định tính nhiều hơn định lượng, khi xây dựng Luật Điện ảnh, Ban soạn thảo đã cố gắng huy động lực lượng chuyên gia, kế thừa những nội dung quản lý còn phù hợp; tiếp kiến những ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo tiếp cận các quan điểm, chủ trương lớn. “Dự Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đặc biệt quan tâm. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng hành cùng Bộ VHTTDL nghiên cứu, hoàn thiện. Vì vậy, sản phẩm tiếp thu hôm nay là kết tinh sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự tương tác đầy trách nhiệm cuả Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và nỗ lực của Ban soạn thảo. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, xem xét, cân nhắc các ý kiến với mong muốn tìm kiếm giải pháp chung nhất để hoàn thiện, đảm bảo chất lượng của dự án Luật”, Bộ trưởng phát biểu.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, dự thảo Luật đã được xây dựng  với tinh thần  phân cấp nhiều hơn, những gì địa phương làm tốt giao địa phương làm. Về cải cách thủ tục hành chính, dự Luật đã cố gắng đơn giản, bỏ đi một số yếu tố cản trở sự phát triển.

Về một số ý kiến cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu: “Có ý kiến cho rằng, vấn đề kiểm soát phim có thể đưa ra một số nội dung thẩm định trước, nhưng phải thấy rằng, điện ảnh là tác phẩm nghệ thuật có chủ đề  tư tưởng xuyên suốt, không thể cắt đoạn ra được. Nếu chỉ dựa vào một đoạn để nói cả tác phẩm không đảm bảo thì không đúng. Ví dụ, trong phim có cảnh bạo lực nhưng chủ đề xuyên suốt của phim lại là lên án, phê phán bạo lực. Chúng tôi sẽ xem xét, nghiên cứu về những nội dung này”.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời câu hỏi “Có cần thiết hay không?”:  Luật Điện ảnh năm 2006 có quy định Quỹ nhưng không quy định nguồn. Lần này, Luật đề xuất Quỹ nằm ngoài ngân sách. Đây là mô hình hoạt động rất hiệu quả ở các nước có nền điện ảnh phát triển như trên thế giới. Tại Việt Nam, sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh sẽ  là kênh hỗ trợ nhiều lĩnh vực quan trọng, thúc đẩy sức sáng tạo trong nghệ thuật điện ảnh.

Về phim sử dụng ngân sách Nhà nước, theo Bộ trưởng, nhiều ý kiến chọn lựa phương án 2 với lý do phù hợp với Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, phương thức đấu thầu không thực hiện được. Đa số các thành viên  Chính phủ đề xuất phương án  giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.

Về nội dung quản lý phổ biến  phim trên không gian mạng, Bộ trưởng chia sẻ: “Phương án tiền kiểm đảm bảo an toàn nhưng nếu dựa vào công nghệ thì chúng ta chưa đủ sức, không thể kiểm soát được. Hơn nữa, phương án tiền kiểm sẽ khiến gia tăng về thêm bộ máy, con người, đi ngược với xu thế chung. Ban soạn thảo vì vậy đưa ra quy định đi theo hướng hậu kiểm, với các điều khoản chặt chẽ, bắt buộc là nhà phát hành phổ biến phim trên mạng cung cấp nội dung, chịu trách nhiệm thẩm định và công cụ gỡ bỏ nếu phát hiện nội dung sai phạm…”. Bộ trưởng cũng cho biết, ở nội dung này vẫn có nhiều vấn đề khó đặt ra, cần cân nhắc và xin ý kiến.

Trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục đồng hành với Ban soạn thảo trong quá trình sửa chữa, hoàn thiện, hướng đến một bộ Luật chất lượng, có tầm nhìn và giá trị thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh.

 Các đại biểu biểu quyết thông qua Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, hồ sơ dự án Luật Điện ảnh sửa đổi đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đã lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; đã được Bộ Tư pháp thẩm định, Chính phủ xem xét theo đúng quy định.  Tại phiên họp, các nội dung cụ thể trong dự thảo báo cáo thẩm tra đã được các đại biểu cơ bản nhất trí; một số vấn đề tiếp tục được góp ý kiến thêm. Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, các nội dung góp ý đều tập trung ở 3 vấn đề Chính phủ xin ý kiến Quốc hội là  Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Phổ biến phim trên không gian mạng, Quỹ phát triển điện ảnh.  Ủy ban sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ban soạn thảo trong quá trình hoàn thiện Luật tới đây.

PHƯƠNG ANH, ảnh: TRẦN HUẤN

Print
Tags:
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top