Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch: Tập trung vào bốn nhóm giải pháp chính

Thứ Năm 14/10/2021 | 16:24 GMT+7

VHO-Toàn ngành triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tập trung nguồn lực xây dựng các kịch bản phát triển du lịch, ưu tiên phát triển du lịch nội địa theo hướng “du lịch xanh – du lịch an toàn”, thiết kế lại sản phẩm để thích ứng với tình hình mới, đồng hành cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, thu hút trở lại lực lượng lao động… Đây là những giải pháp chính được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh tại Tọa đàm trực tuyến “Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19” do Báo Người Lao động tổ chức ngày 14.10.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19”

Tăng độ phủ vắc xin, thống nhất các tiêu chuẩn an toàn
Hiện tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đang từng bước được kiểm soát, các lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ đang dần khởi động trở lại trong điều kiện thích ứng với tình hình mới. Tuy nhiên, tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 dẫn đến thời gian giãn cách xã hội kéo dài với nhiều cấp độ, khiến ngành du lịch gần nha “chạm đáy”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu (Bộ VHTTDL) cho biết, trước tác động nghiêm trọng của đại dịch, Tổ chức Du lịch Thế giới đã đưa ra nhận định, phải mất 30 năm để đưa hoạt động du lịch trở lại như trước đây. Ở nước ta, lượng khách quốc tế năm 2020 sụt giảm hơn 80%, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch giảm 59%. Riêng 9 tháng đầu năm nay, du lịch quốc tế vẫn chưa mở, chỉ phục vụ du lịch nội địa với khoảng 31 triệu lượt khách. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rơi vào tình trạng chưa từng có trong lịch sử. Nhiều doanh nghiệp phải chuyển mô hình kinh doanh, đóng cửa, cắt giảm nhân sự… Có thể thấy lĩnh vực du lịch khi bị tác động thì thiệt hại ngay lập tức, đến khi phục hồi thì phải đợi các ngành khác hoạt động trở lại, không thể một sớm một chiều phục hồi được.

Một số địa phương đã khôi phục lại du lịch nội tỉnh. Ảnh: Lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM khám phá huyện đảo Cần Giờ

Hiện một số địa phương đã mở lại du lịch nội tỉnh, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, để du lịch phục hồi không thể trông chờ vào du lịch nội tỉnh mà phải liên kết giữa các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh, kết nối “vùng xanh” an toàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết, về cơ bản, địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh. Hầu hết công dân trên địa bàn tỉnh được tiêm mũi 1 vắc xin ngừa Covid-19, dự kiến đến hết tháng 10 sẽ tiêm mũi 2 cho lực lượng lao động tham gia hoạt động du lịch để đáp ứng các tiêu hí phục hồi trở lại ngành công nghiệp không khói. Ông Hoàng nhấn mạnh, phục hồi và phát triển du lịch là việc vô cùng cấp thiết trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để phục hồi trở lại “đường ray”, các địa phương đã kiểm soát được dịch cần liên kết để tạo sản phẩm đa dạng, xây dựng kế hoạch đón khách an toàn, phục hồi chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch. Để liên kết an toàn, giữa các địa phương cần thống nhất các tiêu chí cho doanh nghiệp thực hiện, đồng thời ưu tiên tăng độ bao phủ vắc xin cho người dân trong vùng du lịch trọng điểm của từng địa phương.

Các địa phương cần ưu tiên tăng độ phủ vắc xin, thống nhất các tiêu chí để liên kết xây dựng tour kết nối an toàn

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh và quyết định mở cửa lại nhiều hoạt động từ ngày 15.10, trong đó có hoạt động du lịch với các điều kiện cụ thể. Trong điều kiện vắc xin không nhiều, địa phương này ưu tiên tiêm cho những địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế và du lịch, trong đó có bán đảo Phương Mai để mở cửa hoạt động du lịch. Ông Giang cho rằng, mùa này là mùa thấp điểm của du lịch miền Trung, giữa các địa phương và doanh nghiệp du lịch trong vùng cần phối hợp chặt chẽ, kết nối để thống nhất các điều kiện, tiêu chuẩn trong việc mở cửa khôi phục hoạt động du lịch nhằm tránh tình trạng mỗi địa phương quy định mỗi kiểu thì rất khó mà phục hồi. Đồng thời truyền thông cho du khách bỏ tâm lý e ngại đi du lịch, dù đã mở cửa. Đối với doanh nghiệp, tránh tâm lý rụt rè, sợ mở ra chưa được gì rồi lại đóng thì khổ thêm, ông Giang nói.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel nhìn nhận, tín hiệu tích cực hiện nay là nhiều địa phương đã công bố kế hoạch mở cửa đón khách và thí điểm đón khách quốc tế. Tuy nhiên, du lịch có tính liên vùng cao nên không thể không liên kết giữa các địa phương, vì thế mong các địa phương thống nhất các tiêu chí để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xây dựng tour, tuyến đưa khách đến.

Để phục hồi du lịch, không thể trông chờ vào tour nội tỉnh

Từ kinh nghiệm mở thành công tour nội tỉnh theo mô hình “bong bóng khép kín”, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hơn 70% người dân thành phố từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ hai mũi vắc xin, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các địa phương mở cửa lại hoạt động du lịch. Đặc biệt là những địa phương có nguồn khách nội địa chủ yếu từ TP.HCM như: Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây… Sắp tới, Thành phố sẽ tái khởi động lại hoạt động liên kết với hơn 40 tỉnh-thành để kết nối các vùng xanh, xây dựng hành trình tour an toàn, trước tiên sẽ là tour Củ Chi đi núi Bà Đen (Tây Ninh).
Bốn nhóm giải pháp chính
Chia sẻ với các địa phương và doanh nghiệp về các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ở phạm vi quản lý Nhà nước, toàn ngành tập trung triển khai các quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạch, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Toàn ngành tập trung vào bốn nhóm giải pháp chính để phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch

Bộ VHTTDL cùng các địa phương tập trung nguồn lực xây dựng các kịch bản phát triển du lịch. Trong đó, hai định hướng chính là ưu tiên thực hiện phát triển du lịch nội địa, coi phục hồi du lịch nội địa làm cơ sở cho việc phát triển lại du lịch. Khảo sát đúng thực trạng, nhu cầu và mong muốn của du khách để khởi động và đưa ra khuyến nghị “du lịch xanh – du lịch an toàn”. 
Thứ hai là cùng các địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, bởi trong thời điểm này mà vẫn giữ sản phẩm du lịch như trước đây thì chưa thích ứng với tình hình hiện nay. Khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, cho nên sản phẩm du lịch phải là sản phẩm trọn gói theo hướng các điểm đến phải an toàn, trên cơ sở nhu cầu của du khách để hướng đến sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, du lịch gắn với văn hóa vùng miền và tập trung cho các địa bàn hiện nay đang là “vùng xanh” và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thiết kế lại sản phẩm du lịch theo hướng an toàn, gần gũi với thiên nhiên

Nhóm giải pháp thứ ba là đồng hành cùng doanh nghiệp để kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Trong đó có những chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành, đã thực hiện thì nay tiếp tục duy trì như miễn giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú, giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành, đề xuất cho doanh nghiệp du lịch được tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng trong tổng thể chung để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực về tài chính, vực lại hoạt động du lịch. Cùng với doanh nghiệp, xem xét hoàn chỉnh nguồn nhân lực du lịch để bị không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động du lịch có tính chất đặc thù. Cụ thể là tập huấn, đào tạo, thực hiện các chính sách để thu hút lao động trở lại với hoạt động của ngành. 
Thứ tư là tập trung số hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng các app về điểm đến du lịch an toàn và các dịch vụ khác đi kèm để cung cấp cho người dân biết và có sự lựa chọn. Đây cũng là hướng đi trong tương lai có tính chất bắt buộc của ngành du lịch theo hướng bền vững. 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, đi kèm với du lịch nội địa, cũng tính toán đến khai thác thị trường khách quốc tế. Hiện nay, Bộ Chính trị, Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao cho các Bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản mở cửa lại thị trường thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc.

HOÀNG HẢI

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top