Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Nghịch lý thi đánh giá năng lực: Học sinh nông thôn vượt trội hơn

Thứ Tư 11/05/2022 | 10:44 GMT+7

VHO- Thi để sử dụng kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy trong xét tuyển đại học là xu thế nổi bật năm nay. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều thí sinh tại thành phố lớn như Hà Nội than đề khó, trong khi học sinh nông thôn lại “vợt” được điểm cao.

Một phòng thi đánh giá năng lực của trường ĐHQG Hà Nội

 Đánh giá năng lực, tư duy để xét tuyển đại học được nhiều thí sinh chọn

Trong số các cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để sử dụng kết quả xét tuyển đại học, kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được quan tâm nhất vì kết quả kỳ thi này có thể sử dụng cho trên 70 cơ sở đào tạo tuyển sinh, chiếm tỷ lệ lớn trong số các phương thức xét tuyển đại học năm nay. Kể từ tháng 2 đến tháng 5.2022, ĐHQGHN đã tổ chức 6 đợt thi tại nhiều địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, Đã Nẵng… với tổng số thí sinh là gần 35.000. Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN, thì từ nay tới cuối năm 2022, trường sẽ tổ chức thêm 4-6 đợt thi nữa. Kết quả thi này được bảo lưu để thí sinh có thể tham dự các đợt xét tuyển đại học.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, có trên 42.700 thí sinh đăng ký dự thi. Hệ thống đăng ký xét tuyển của cơ sở này cũng ghi nhận trên 380.000 nguyện vọng của thí sinh vào 62 trường có sử dụng chung kết quả kỳ thi này. ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến, sau khi đợt thi thứ 2 diễn ra vào ngày 22.5 tới đây sẽ tổng hợp dữ liệu điểm thi. Những thí sinh dự thi cả 2 đợt sẽ được lấy kết quả của đợt thi cao hơn để xét tuyển.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay cũng lần đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 8 môn, thực hiện trong ngày 7.5, hơn 2000 thí sinh đã tham dự kỳ thi này. Đây là những thí sinh đạt điều kiện sơ tuyển có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT từ loại khá trở lên và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (học kỳ 1-2 lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6,5 trở lên. Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bài thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm HN khác biệt bởi môn nào cũng có cả hình thức tự luận và trắc nghiệm. Đề thi, đáp án được công bố công khai sau kỳ thi. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng tổ chức một kỳ thi tương tự với 2 đợt thi vào tháng 5 và 7. Hai trường ĐH Sư phạm này sẽ trao đổi sử dụng kết quả thi của nhau trong xét tuyển.

Kỳ thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa HN dự kiến diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 1 ngày, hiện nay mới đang tiến hành cho thí sinh thi thử, với các điểm thi tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ. Nhà trường dự kiến sẽ tuyển sinh 60-70% chỉ tiêu bằng kết quả thi đánh giá tư duy này; ngoài ra còn có 21 cơ sở đào tạo đăng ký sử dụng kết quả để tuyển sinh. Theo kết quả ghi nhận trên hệ thống của trường, trong đợt thi thử vừa qua đã có hơn 4.000 thí sinh tham gia phần thi Toán và Đọc hiểu, hơn 3.000 thí sinh tham gia phần thi KHTN (Lý - Hóa - Sinh) và gần 2.400 thí sinh tham gia phần thi Tiếng Anh.

Thí sinh Hà Nội than đề thi… quá khó

Theo ông Nguyễn Tiến Thảo thì phân tích từ kết quả thi của 5 đợt thi (đợt 6 chưa phân tích dữ liệu) thì thấy kết quả khá bất ngờ: Những thí sinh đạt điểm cao lại ở các tỉnh và vùng nông thôn. “Hà Nội chỉ có một số học sinh trường THPT chuyên có kết quả thi vượt lên trên 100/150 điểm, còn hầu hết đạt mức điểm dưới 100. Nhiều thí sinh là học sinh các trường THPT có uy tín tại Hà Nội cũng chỉ đạt mức 70-90 điểm”, ông Thảo cho biết. Trong khi đó, nhiều trường ĐH lớn có sức cạnh tranh cao như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân… khi công bố phương thức xét tuyển đều chọn mốc 100 điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN để nhận hồ sơ xét tuyển theo các phương thức có kết hợp sử dụng kết quả này. “Nhiều người đánh giá đề khó, đề nghị nên giảm độ khó nhưng chúng tôi không cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực thì đề phải đảm bảo đánh giá chính xác năng lực. Còn sử dụng kết quả đó ở mức nào là tùy thuộc vào các cơ sở đào tạo”, ông Thảo nói.

Trao đổi về việc này, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, vì năm đầu tiên sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển nên chưa xác định được các mức chính xác, tương ứng với các nhóm đối tượng thuộc nguồn tuyển của trường. “Quy định mức điểm 100 với bài thi đánh giá năng lực như trường tôi đã công bố là cao quá so với mặt bằng chung điểm thi của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức. Vì thế chắc trường sẽ phải điều chỉnh hạ mức”, ông Triệu cho biết. Tương tự, bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Ngoại thương cũng cho biết sẽ điều chỉnh quy định về mức điểm sàn thi đánh giá năng lực khi tiếp nhận hồ sơ.

Theo quan điểm của Nguyễn Tiến Thảo, đánh giá năng lực khác với đề thi tốt nghiệp THPT, sẽ không thể “luyện thi cấp tốc” để nâng năng lực mà cần quá trình, cần học sinh có kiến thức nền tảng tốt. Khi nền vững và hiểu bản chất của kiến thức thì thí sinh mới có khả năng vân dụng, giải đáp các yêu cầu đề thi đặt ra. “Cách luyện thi kiểu nhồi nhét kiến thức ở một số khu vực thuận lợi khiến học sinh bị áp lực, quá tải và thường không mang lại kết quả cao. Những học sinh có khả năng tự học tốt, biết cách hệ thống kiến thức, khả năng phân tích, tổng hợp, năng lực tư duy, suy luận tốt thì sẽ có thể đáp ứng tốt kiểu đề thi này”, ông Thảo cho biết. Và có lẽ đó là lý do học sinh Hà Nội - nơi có nhiều lò luyện thi - lại điểm thấp, còn học sinh nông thôn nhiều em lại điểm cao. 

KỲ THANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top