Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018: Thành công đầu thuộc về khán giả

Thứ Sáu 06/07/2018 | 08:29 GMT+7

VH-  Mặc dù hiện nay các đơn vị nghệ thuật còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các đoàn vẫn nỗ lực hết mình xây dựng các tiết mục hay tham dự Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc tại Cao Bằng. Hơn 700 ghế của Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng không buổi diễn nào còn ghế trống. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ VN, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của liên hoan cũng phải thốt lên: Ôi! sao khán giả đến đông quá vậy.

 Khán giả chật kín khán phòng

 Thực tế hiện nay, các đoàn nghệ thuật đang đứng trước những thách thức sống còn, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện. Nhạc sĩ Phạm Hồng Thu, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La cho biết, khó khăn của đơn vị nghệ thuật hiện nay là cơ cấu nhân lực, biên chế của khối viên chức chuyên môn nghệ thuật rất hạn chế, nhiều vị trí không được bố trí (thiếu cơ cấu dàn nhạc đáp ứng nhu cầu của dàn nhạc vừa dân tộc, vừa hiện đại; thiếu vị trí các giọng ca giữa nam và nữ; sự phân bổ giữa các chất giọng; thiếu cơ cấu diễn viên múa nam, nữ… và một số vị trí khác như: Đạo diễn âm thanh, đạo diễn ánh sáng, thiết kế mỹ thuật, biên tập viên…).

Bà Đỗ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái cũng cho biết, việc thu hút các diễn viên có chuyên môn tốt rất khó vì các em không muốn về địa phương, học xong chỉ muốn làm việc ở các thành phố lớn, có nhiều địa điểm biểu diễn. Vì thế, diễn viên lớn tuổi trong đoàn vẫn chiếm số đông, có diễn viên múa trên 40 tuổi vẫn ra sân khấu biểu diễn.

Điều băn khoăn lớn nhất của các đoàn nghệ thuật là vấn đề thiếu thốn kinh phí.

Theo ông Chu Tâm Huy, Trưởng đoàn Ca Múa Hải Phòng, khó khăn hiện nay của đoàn Hải Phòng là thiếu kinh phí để dàn dựng chương trình. Muốn chương trình hay, đạt chất lượng tốt thì phải mời các đạo diễn giỏi về dàn dựng, không đủ kinh phí nên đoàn tự thân vận động.

“Tỉnh Sơn La chưa có thiết chế nhà hát, rạp hát làm nơi để tổ chức biểu diễn thường xuyên các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp có quy mô lớn. Không những thế, việc thiếu thốn về kinh phí để đầu tư cho trang thiết bị phục vụ luyện tập và biểu diễn nên đã hạn chế khả năng sáng tạo, đổi mới cả trong đạo diễn, dàn dựng, luyện tập và biểu diễn…”, nhạc sĩ Phạm Hồng Thu nhấn mạnh.

Dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng các đoàn vẫn luôn cố gắng nỗ lực hết mình để tạo ra những chương trình hay, hấp dẫn để phục vụ khán giả. Ngay tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 lần này, các tiết mục đã thu hút rất đông khán giả. Bác Đào Thị Chanh, 70 tuổi, phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng rất hào hứng đợi từng buổi diễn. Bác không chỉ biết thông tin về Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 mà còn nắm rất rõ lịch diễn của các đoàn qua hệ thống baner, áp phích treo gần nhà, qua hệ thống loa đài và tin nhắn điện thoại. “Chưa có buổi diễn nào tôi bỏ sót. Và tôi còn biết có rất nhiều người dân ở các huyện cách xa 100km vẫn tìm đến liên hoan này, vì thế hôm nào tôi cũng đến Trung tâm Hội nghị thật sớm mới có được chỗ ngồi. Không chỉ riêng chương trình của đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng mà chương trình của đoàn nào cũng hay, cũng hấp dẫn”, bác Chanh cho biết.

Cô Vương Thị Yến, 63 tuổi, giáo viên ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) rất tiếc khi không kịp đến xem đêm khai mạc và đêm diễn của Đoàn Nghệ thuật Cao Bằng. Lý do là nhà cô ở xa, cách Trung tâm Hội nghị tỉnh 60km, đi xe buýt đến nơi thì đã muộn, không có chỗ ngồi, khán giả đứng vòng trong, vòng ngoài và ngồi chật cứng lối đi, bị bệnh khớp không đứng được lâu nên cô đành phải đi về. “Hôm Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai diễn, rút kinh nghiệm tôi đến sớm hơn mà cũng không còn chỗ để ngồi, nhưng vì yêu nghệ thuật nên tôi và các con vẫn quyết định ở lại, nhưng mỗi người phải tự tìm cho mình một góc để đứng. Tôi thấy các tiết mục đều rất hay, hiện đại, đoàn nào cũng có đặc trưng riêng, phản ánh được con người, nét văn hóa và thế mạnh của từng địa phương. Qua các tiết mục chúng tôi nắm bắt được đặc trưng văn hóa, con người của từng địa phương và sự phát triển, đi lên của đất nước”, Cô Yến chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên được xem một liên hoan lớn như vậy nên cô Yến nói sẽ cố gắng xem hết liên hoan. Cô Yến cảm ơn Ban tổ chức đã đưa liên hoan đến với Cao Bằng. Thông qua các tiết mục, chương trình biểu diễn cô thấy yêu cuộc sống hơn, yêu con người xung quanh mình hơn. Vui hơn nữa là Ban tổ chức đã cử Đoàn Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đến tận huyện Trùng Khánh quê cô để biểu diễn phục vụ bà con không có điều kiện về thành phố xem.

NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Liên hoan cho biết: “Là thành viên Ban Chỉ đạo tôi rất mừng khi khán giả đón tiếp các nghệ sĩ nồng nhiệt đến vậy. Liên hoan đã thu hút đông đảo công chúng. Có những đoàn khán giả đi hàng trăm cây số về để xem làm cho những người làm nghề như chúng tôi được động viên rất nhiều. Đây là thắng lợi đầu tiên của liên hoan và “chiến thắng” này trước tiên đã thuộc về khán giả”.

 ​ Là thành viên Ban Chỉ đạo tôi rất mừng khi khán giả đón tiếp các nghệ sĩ nồng nhiệt đến vậy. Liên hoan đã thu hút đông đảo công chúng. Có những đoàn khán giả đi hàng trăm cây số về để xem làm cho những người làm nghề như chúng tôi được động viên rất nhiều. Đây là thắng lợi đầu tiên của liên hoan và “chiến thắng” này trước tiên đã thuộc về khán giả. (NSND CHU THUÝ QUỲNH)

 

 THANH TÂM; ảnh: LÊ GIÁP

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top