Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Ca sĩ Việt vươn ra biển lớn: Vẫn thiếu bản sắc…

Thứ Hai 30/07/2018 | 10:11 GMT+7

VH-  Làn sóng K-Pop tràn vào Việt Nam và làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc. Hàng loạt các cuộc đổ bộ của sao Hàn đến Việt Nam được đông đảo công chúng trẻ đón nhận. Ca sĩ Việt, dù rất nhiều dự án, kế hoạch ra thế giới nhưng từ nhiều năm nay cũng mới chỉ dừng lại ở giấc mộng, chính bởi sự thiếu bản sắc…

Không phải ngẫu nhiên mà các sao Hàn có thể tung hoành khắp các nước trong khu vực và ra toàn châu Á và nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt của đông đảo khán giả trẻ. Ngoài việc chú trọng hình ảnh, truyền thông thì các ca sĩ K-pop cũng tạo những cá tính riêng mà chỉ khi cất lên là khán giả biết được đó là các ca sĩ, âm nhạc ở đâu.

Còn các ca sĩ V-pop dù có nhiều fan, nhiều bản hit nhưng để vươn ra thế giới dù là trong khu vực cũng còn xa. Giữa thời buổi ai cũng có thể làm nhạc sĩ sáng tác, làm ca sĩ với MV triệu view… nhưng trong số đó, tìm kiếm một ca khúc mang bản sắc Việt thật không dễ dàng, nói thẳng ra là không có. Dù trên các trang nghe nhạc trực tuyến, các bài hát mới liên tục cập nhật, các ca sĩ thi nhau chạy đua tạo hit mà quên đi việc tạo bản sắc riêng cho mình. Thành ra một lứa những nghệ sĩ, bài hát cứ na ná như nhau, thậm chí còn giống âm nhạc của Hàn Quốc, Trung Quốc…

Trở lại câu chuyện vươn ra biển lớn, từ việc thiếu bản sắc, không có cá tính âm nhạc, thiếu sự khác biệt, mọi thứ cứ ở mức làng nhàng… ca sĩ Việt mới chỉ lặn ngụp trong “ao nhà”. Các dự án ra thế giới của các ca sĩ thời gian qua cũng chỉ là cuộc chơi… nói cho sướng miệng. Ít thấy ca sĩ nào thực sự nghiêm túc, hoặc chưa đủ nội lực để làm chuyện ấy. Dù năm nào cũng có những cái tên như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Đông Nhi, Sơn Tùng… được nhắc đến trong cuộc đua với các ca sĩ trong khu vực để giành giải MTV EMA… Thế nhưng, thực chất thì những giải thưởng này cũng chỉ mang tính chất tự sướng với nhau, giao lưu là chính.

Rõ ràng các ca sĩ trẻ nắm được xu thế âm nhạc của thế giới rất nhanh để chiều theo thị hiếu của khán giả trẻ trong nước. Còn khi mang ra nước ngoài lại trở thành con số không vì thiếu… Việt Nam. Nhiều cuộc biểu diễn ở các liên hoan âm nhạc trong khu vực cũng chỉ là cuộc dạo chơi, xã giao là chính.

Mới đây, những cái tên gây “sóng” dư luận không phải vì tài năng ca hát mà những chuyện bên lề và hát dở như Chi Pu, Nam Em… cũng có các dự án, kế hoạch hợp tác ra nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan… Chẳng khác nào một cuộc chơi ngông tự dối bản thân. Bởi ngay ở thị trường âm nhạc trong nước những cái tên này còn gây tranh cãi trong việc nên hay không trở thành ca sĩ thì việc mang nhạc ra nước ngoài lại trở nên buồn cười.

Thậm chí mới đây, ca sĩ trẻ Sơn Tùng dù được robot Sophia nhắc đến trong bài phát biểu của mình khi đến Việt Nam, điều đó cũng không có nghĩa nhạc ơn Tùng được thế giới biết đến. Càng không phải đại diện cho âm nhạc của Việt Nam ra biển lớn.

Nói một cách công bằng thì âm nhạc dù muốn hay không để được biết đến và được chú ý thì nó phải được khẳng định bằng bản sắc riêng. Mà điều này thì âm nhạc Việt rõ ràng đang thiếu. Trong một “rừng” các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ với các nghệ danh nửa mùa Tây, ta lẫn lộn, các ca khúc cũng “nửa nạc nửa mỡ” như một mớ thập cẩm, hỏi sao nhạc Việt cứ lẩn quẩn trong “ao nhà”.

Nói về bản sắc trong âm nhạc, không nhất thiết phải đưa âm nhạc truyền thống như cải lương, tuồng, chèo vào… nhưng ít nhất khi nghe đến những ca khúc này người nghe có thể khẳng định nó là bản sắc ở đâu.

Một số dự án của các ca sĩ Việt với các nghệ sĩ Hàn gần đây cũng cho thấy sự hợp tác, muốn vươn ra thế giới như Soobin Hoàng Sơn và nữ ca sĩ Hàn Quốc Ji Yeon của nhóm T-ara với ca khúc Đẹp nhất là em. Hay như ca sĩ Shin Hyun Woo cũng bắt tay với Vũ Cát Tường phát hành Come back home với phiên bản tiếng Hàn… là những tín hiệu đáng mừng.

Thế nhưng, việc hợp tác này có thành công và tạo được tiếng vang cho âm nhạc Việt hay không còn trông chờ vào chính các nghệ sĩ trẻ, chứ không phải chỉ là cuộc hợp tác nửa vời. Hay âm nhạc Việt lại bị nhấn chìm bởi sự lai căng, không bản sắc. Tạo được cá tính âm nhạc riêng biệt, thể hiện được bản sắc… đấy là bản lĩnh của một nghệ sĩ hội nhập.

MAI LINH

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top