Phim sitcom có giống hài kịch truyền hình?

Phim sitcom có giống hài kịch truyền hình?

VH- Rộ lên một thời gian ngắn rồi chìm khuất hẳn, thể loại phim sitcom đang có dấu hiệu trở lại ồ ạt màn ảnh nhỏ. Hai kênh HTV7 và HTV9 của Đài Truyền hình TP.HCM phát sóng hai bộ phim Xóm trọ vui nhộn và Chuyện gì đang xảy ra đều có độ dài trên dưới 100 tập, như một món mới trong thực đơn cũ.

Theo kế hoạch sẽ sản xuất một sitcom đình đám nhất trong năm nay có tên gọi Nè biết gì chưa? lên đến 260 tập, có thể phát sóng mỗi ngày một tập mà không lo “hết phim”. 
Câu hỏi đặt ra: Vì sao phim sitcom lại được những nhà đầu tư hào hứng như vậy? Hai chữ sitcom viết tắt từ situation comedy (tình huống hài hước). Do đó, yêu cầu thiết yếu của phim sitcom là tình huống và hài hước. Với độ dài khoảng 25-30 phút vừa có tình huống vừa có hài hước, thực sự mang tính thử thách cho ê-kíp làm phim. Nhìn vào thực lực của đội ngũ nghệ sĩ nước ta, yếu tố diễn viên có thể đảm bảo, nhưng yếu tố kịch bản và yếu tố đạo diễn vẫn chưa đủ sức để làm phim sitcom ra tấm ra món.
Đừng nghĩ hồn nhiên, cứ phim ngắn nhiều tập mà khoác lên cái nhãn sitcom. Loạt phim sitcom đầu tiên Lẵng hoa tình yêu phát sóng trên sóng Đài Truyền hình TP.HCM từ năm 2004 rất có tiếng vang. Thế nhưng, khái niệm phim sitcom chỉ gây sốt cho khán giả khi Nhật ký Vàng Anh xuất hiện trên sóng Đài Truyền hình VN. Nếu đừng xảy ra scandal clip nhạy cảm của diễn viên HTL thì Nhật ký Vàng Anh chắc chắn tạo đà cho sự phát triển phim sitcom tại Việt Nam.
Muốn có phim sitcom thu hút người xem đầu tiên phải có biên kịch lành nghề, biết cách xử lý khéo léo cốt truyện sao cho hấp dẫn và bất ngờ. Kế đến phải có đạo diễn thông minh và sáng tạo, biết cách nhấn nhá tình huống để mỗi tập đáp ứng ngay sở thích khán giả mà vẫn tạo sức quyến rũ để họ nhớ bật tivi vào hôm sau. Tạm thời làng nghệ thuật thứ bảy chưa có biên kịch chuyên nghiệp và đạo diễn chuyên nghiệp ở thể loại sitcom. Giải pháp tạm thời là… chia nhỏ những tập phim truyền hình bình thường và thêm thắt vài chi tiết chọc cười.
Một cái khó nữa của sitcom là ngôn ngữ phải cực kỳ linh hoạt và hóm hỉnh. Đòi hỏi này có lẽ còn lâu đội ngũ biên kịch nước ta mới đáp ứng được, cho nên đạo diễn phải chữa cháy bằng tiểu xảo bẹo hình bẹo dạng của các danh hài. Bây giờ nở rộ nhiều danh hài, mời họ đóng phim không khó. Cái khó là làm sao đừng biến phim sitcom thành chương trình tấu hài được ghi hình!
Với xu hướng giải trí ngày càng được ưa chuộng trên truyền hình, thì thể loại sitcom giống như một cứu cánh cho những nhà sản xuất phim. Kinh phí ít mà lại thu hồi vốn nhanh, những đơn vị tư nhân cũng dễ dàng tham gia vào thị trường phim sitcom. Vài năm gần đây, cũng đã có dăm bảy phim sitcom đạt được lợi nhuận như Bộ tứ 10A8, Cửa sổ thủy tinh, Những phóng viên vui nhộn, 5S online hoặc Tiệm bánh hoàng tử bé. Mặt khác, một ưu điểm để phim sitcom được nhiều người bỏ tiền sản xuất là sau khi thương lượng đổi quảng cáo cho đài truyền hình, thì còn có thể phát sóng trên Youtube mà có thêm một khoản lợi nhuận nữa!
Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, phim sitcom đã được khai thác rất rầm rộ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ tại những thị trường phim sôi động như Mỹ, Ấn Độ hoặc Hồng Kông, mà vài bạn bè láng giềng của nước ta cũng hình thành công nghệ phim sitcom. Ví dụ, Singapore có sản phẩm The Kitchen Musical được bán bản quyền sang hàng chục ngôn ngữ khác và lọt vào đề cử giải thưởng EMMY uy tín. Đáng tiếc, kịch bản The Kitchen Musical khi mua về Việt Nam sản xuất thành bộ phim Bếp hát thì lại không thành công như mong đợi. (Ngược lại, phim sitcom Bà mẹ nhí mua bản quyền của Tây Ban Nha lại được Việt hóa rất ăn khách, góp phần xây dựng nên một gương mặt diễn viên Angela Phương Trinh nổi tiếng từ tuổi thiếu niên!).
Tương lai của phim sitcom tại nước ta vẫn là ẩn số, dù nhiều nhà sản xuất hào hứng. Ngay cả kiều nữ nhan sắc một thời Việt Trinh cũng chọn phim sitcom Những bức tranh của bé Bơ dài 50 tập để trổ tài đạo diễn! 


Tuy Hòa

Ý kiến bạn đọc