Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

29 Tháng Ba 2024

“Mặt trời Phương Đông”: Giai điệu của tình hữu nghị và đoàn kết

Thứ Bảy 13/06/2020 | 08:25 GMT+7

VHO - Tối 12.6 tại Nhà hát Ca Múa Nhạc VN đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ để “Mặt trời Phương Đông”. Đây là chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ khán giả sau đại dịch Covid-19 theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, do Nhà hát Ca Múa Nhạc VN tổ chức. Tới dự chương trình có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Đại sứ Indonesia tại Hà Nội Ibnu Hadi, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và các đại biểu chụp ảnh với các nghệ sĩ

Chương trình nghệ thuật dưới sự chỉ đạo nghệ thuật Nguyễn Hải Linh, Kịch bản - NSƯT Hoàng Xuân Bình, đạo diễn - NSUT Nguyễn Anh Tuấn cùng sự tham gia của các nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng: NSND Thái Bảo, ca sĩ Trung Anh, Minh Đức, Thu Thủy, nhóm Pha Lê, nhóm Thăng Long, Vũ đoàn Phương Đông, …

Tiết mục múa Ánh Trăng đỏ do các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam thể hiện đã mở đầu cho chương trình nghệ thuật “Mặt trời Phương Đông” – chương trình đặc biệt đánh dấu sự trở lại của các nghệ sĩ, là món quà nghệ thuật mà các nghệ sĩ muốn gửi đến khán giả. Ánh Trăng đỏ là một bức tranh đẹp về văn hóa truyền thống quê hương Việt Nam từ bao đời hòa quện đa sắc mầu trong kho tàng văn hóa ASEAN.

Chương trình gồm 2 phần: “Sắc diện” gồm các bài hát ca ngợi quê hương đất nước con người của các nước ASEAN và “Giai điệu hạnh phúc” gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật quốc tế tiêu biểu của ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc.

Đúng như đúng như tên gọi "Sắc diện", người nghe say sưa cuốn theo hòa tấu Bengawa Solo của Indonesia, rộn ràng khi được nghe ca khúc Arabia của Campuchia, Té nước của Myanmar. NSND Thái Bảo làm cả khán phòng lặng đi khi cất tiếng hát thể hiện ca khúc Mưa rơi. Tiếp đến là các vũ điệu Lăm Tơi Kiệu Sào của Lào, Nhịp crap đêm trăngSóng lụa ven đô của Việt Nam làm chương trình trở nên hấp dẫn, chất lượng và có chiều sâu hơn.

Với “Giai điệu hạnh phúc”, nghệ thuật mở hơn, ngôn ngữ nghệ thuật quốc tế hóa, tất cả các tác phẩm có giá trị nghệ thuật sáng tạo rất cao và tiêu biểu, nổi tiếng thế giới vừa hiện đại vừa kinh điển; vừa hàn lâm vừa dân gian. Các tác phẩm thể hiện sự vui tươi, sôi nổi, bùng nổ pha trộn với duyên dáng tinh tế, kỳ diệu của lắng đọng. Và trong “Giai điệu hạnh phúc” có ngôn ngữ văn hóa lễ hội cộng đồng qua tác phẩm múa lễ hội Yosakoi Nhật Bản, vừa trí tuệ đỉnh cao qua các tác phẩm âm nhạc Phiên chợ Ba Tư, Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary dance No5, vừa dịu dàng đằm thắm, duyên dáng sắc mầu của tình yêu qua điệu múa dân gian Nga, của nụ cười đến trái tim và đọng lại tất cả là đi đến hạnh phúc và hướng đến tương lai tốt đẹp qua Liên khúc hát múa Nụ cười ASEAN. Những âm điệu đặc trưng đó của mỗi quốc gia cùng vang lên, hòa quyện vào nhau và tạo ra bản nhạc diệu kỳ với những giai điệu đẹp – Giai điệu Hạnh phúc.     

“Lâu lắm rồi tôi mới được xem một chương trình âm nhạc đặc  biệt đến vậy. Được nghe và xem những giai điệu hạnh phúc đến từ các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc Nga, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ.  Ấn tượng với tôi là những màn múa, hát dân gian Vũ điệu đồng quê của Nga và tổ khúc mùa xuân Phiên chợ Ba tư - Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ, rất quen thuộc và cuốn hút. Âm nhạc luôn là cầu nối kết nối toàn bộ người dân trong khu vực với nhau bất chấp rào cản về ngôn ngữ và văn hoá. Các nghệ sĩ đã đem tới những ca khúc, những màn biểu diễn ấn tượng, mang bản sắc riêng”, chị Nguyễn Thùy Dương (Ba Đình, HN), chia sẻ.

Tác giả kịch bản, NSƯT Hoàng Xuân Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam chia sẻ, Phương Đông với vẻ đẹp tiềm ẩn, giàu bản sắc truyền thống độc đáo và hấp dẫn, ở đó các nền văn hóa của các quốc gia cùng hòa quyện và vẽ nên bức tranh đầy màu sắc quyến rũ. Là những người nghệ sĩ, với sứ mệnh bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật, trong những năm qua Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã xây dựng và thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật với tinh thần đoàn kết hữu nghị, nhằm góp phần làm vững chắc mối quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới bằng chính những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu mang tính hội nhập.

Năm 2020 Việt Nam là Chủ tịch ASEAN với thông điệp “Vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Chương trình nghệ thuật “Mặt trời Phương Đông” cũng là một nét vẽ truyền tải thông điệp đó, trong bức tranh muôn màu Việt Nam – ASEAN 2020. “Mặt trời Phương Đông” đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc, sự mới mẻ, vừa chuyển tải nét đẹp cũng như con người Việt Nam, vừa có ý nghĩa thúc đẩy tình hữu nghị giữa các nước ASEAN với các đối tác trên thế giới.

THANH NGỌC; ảnh: ĐỨC ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top