Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

28 Tháng Ba 2024

Phim Việt tìm về điểm hẹn với số lượng bất ngờ

Thứ Hai 25/10/2021 | 14:44 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh đại dịch khó khăn, LHP Việt Nam lần thứ XXII vẫn hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn, quy tụ những gương mặt điện ảnh, những bộ phim sáng giá trong hai năm qua. 128 tác phẩm ở các hạng mục không chỉ cho thấy sức sáng tạo dồi dào của đội ngũ làm phim Việt, mà ở đó công chúng yêu điện ảnh còn được thỏa cơn khát thưởng thức nghệ thuật với những “siêu phẩm” gây sốt phòng vé.

 Toàn cảnh cuộc họp

 Buổi họp báo cuối tuần qua do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, công bố những nội dung chính của LHP Việt Nam lần thứ XXII cho biết, đây sẽ là kỳ LHP đặc biệt nhất từ trước đến nay.

Thích nghi và bứt phá của điện ảnh Việt

Diễn ra dưới hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng BCĐ LHP Việt Nam lần thứ XXII chủ trì buổi họp tại điểm cầu Hà Nội; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng Trưởng BCĐ chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, điện ảnh Việt Nam vẫn chứng kiến sự ra đời, thậm chí khuynh đảo thị trường của nhiều tác phẩm đặc sắc, có giá trị nhân văn và giàu thông điệp. “Chúng ta đã bình tĩnh nhìn nhận, kịp thời ứng phó, điều chỉnh các phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim để thích ứng hoàn cảnh mới, nỗ lực duy trì sản xuất, sống chung với đại dịch... Đã có không ít bộ phim tạo ra những giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ và được ghi nhận về giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, xã hội”, Thứ trưởng khẳng định.

Một trong những điểm mới ở kỳ LHP năm nay là ngoài mục đích tôn vinh đội ngũ điện ảnh nước nhà, LHP sẽ trở thành cầu nối đưa các tác phẩm điện ảnh đến với công chúng theo hình thức phổ biến trên truyền hình và các nền tảng số, thể hiện sự thích nghi của điện ảnh trong trạng thái “bình thường mới”. Khoảng chục bộ phim dự thi, phim chương trình toàn cảnh có thỏa thuận về bản quyền sẽ được phát trên sóng VTV và VTVGo từ ngày 1 - 26.11.

Nhiều điểm mới của kỳ LHP cũng được Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ. Đây là Liên hoan đầu tiên được tổ chức với hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đặc biệt, trị giá giải thưởng của LHP đã được tăng lên. Ở hạng mục phim Truyện, giải Bông sen Vàng là 60 triệu đồng (trước là 40 triệu đồng); các hạng mục phim Tài liệu, phim Khoa học, phim Hoạt hình, Bông sen Vàng là 30 triệu đồng (trước là 20 triệu đồng). “Đáng chú ý, nhằm khích lệ tinh thần của đội ngũ sáng tác trẻ, LHP Việt Nam XXII sẽ có thêm hai hạng mục giải thưởng: Kỹ xảo xuất sắc và Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc. Hiện nay, lực lượng này khá đông đảo, họ chính là tương lai của điện ảnh Việt”, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng theo BTC, lý do có hạng mục Kỹ xảo xuất sắc xuất phát từ thực tiễn phát triển của điện ảnh Việt Nam những năm qua. “Ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim có kỹ xảo điện ảnh đặc sắc bởi hầu hết các nội dung, đề tài đều cần sự tham gia của kỹ xảo. Giải thưởng này để tôn vinh, động viên đội ngũ làm nghề với hy vọng lĩnh vực này ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển…”, theo ông Vi Kiến Thành.

 Một cảnh quay ở Huế của phim “Gái già lắm chiêu 5” Ảnh: MAR6

Chứa đựng nhiều bất ngờ thú vị

Không thảm đỏ, không hội thảo… vốn là những hạng mục “đóng đinh” trong các kỳ LHP truyền thống. “Thảm đỏ là phần hấp dẫn của LHP, nơi có sự xuất hiện của những “ngôi sao”, đoàn phim và thu hút rất đông khán giả, bởi vậy sẽ khó kiểm soát dịch bệnh… Về yếu tố khán giả, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, BTC sẽ tính đến phương án chiếu phim tại hệ thống rạp của Huế, đảm bảo 5K và số lượng người không quá 50% số ghế trong rạp”, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết.

Nhưng không vì thế mà LHP XXII giảm đi sức cuốn hút và những yếu tố bất ngờ. Đầu tiên là sự tham gia của số lượng phim ở các hạng mục, thậm chí con số còn nhiều hơn các kỳ LHP trước. Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ: “Những con số khiến BTC LHP thực sự bất ngờ và xúc động. Đại dịch khiến nhiều công việc đình trệ, nhưng tinh thần sáng tạo, vượt khó đã khiến điện ảnh Việt Nam không dừng lại mà còn có nhiều bứt phá”.

LHP Việt Nam XXII có 128 phim của 42 đơn vị tham dự, gồm 26 phim Truyện, 56 phim Tài liệu, 15 phim Khoa học, 31 phim Hoạt hình. Hạng mục thu hút được chú ý nhiều nhất là phim Truyện, quy tụ khá đủ những cái tên nổi bật như Bố già, Mắt biếc, Tiệc trăng máu, Ròm, Cậu Vàng, Chị Mười Ba - 3 ngày sinh tử, Gái già lắm chiêu V... Hạng mục phim Tài liệu năm nay cũng tham gia với số lượng phim đông đảo, trong đó có những tác phẩm thu hút dư luận như Ranh giới của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.

Với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, Liên hoan sẽ diễn ra với nhiều hoạt động như: Họp báo kết hợp Khai mạc; triển lãm Thừa Thiên Huế - Điểm đến của các nhà làm phim; trình diễn Thời trang Áo dài với Điện ảnh, Áo dài cộng đồng; lễ công bố và trao giải… Nhằm đảm bảo cho một kỳ LHP an toàn, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Huế sẽ áp dụng quy tắc “một cung đường, hai điểm đến”, đại biểu, khách mời tham dự LHP cần có “Thẻ xanh Covid”: Tiêm đủ 2 mũi vắc xin, mũi thứ hai ít nhất trước 14 ngày; có kết quả xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ, test nhanh Covid ngay sau khi có mặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khẳng định nỗ lực của đội ngũ làm phim đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, trong đó có những đóng góp của các sự kiện lớn như LHP Việt Nam, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng: “Điện ảnh là mũi nhọn của phát triển công nghiệp văn hóa. Trong những năm qua, từ số rạp chiếu ngày một tăng, doanh thu, lượng phim được sản xuất… đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt Nam. Thông qua các sự kiện lớn, điện ảnh Việt Nam cần đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, vừa là công nghiệp sáng tạo, vừa là một ngành kinh tế”.

LHP Việt Nam XXII đánh dấu sự trở lại của nghệ thuật điện ảnh tại Cố đô Huế sau 10 kỳ LHP. Những năm trở lại đây, nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng đã chọn Huế làm phim trường. Sau khi các bộ phim công chiếu, nhiều người dân và du khách đã đến Huế để check-in tại các địa điểm nên thơ đã xuất hiện trên phim. Ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Xây dựng Huế trở thành phim trường là một trong những nội dung đã được đưa vào trong chương trình hành động của Nghị quyết Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước. Thời gian qua, chúng tôi rất quan tâm và tạo điều kiện tối đa cho các đoàn làm phim thuận lợi khi tác nghiệp tại Cố đô; qua đó cũng giúp quảng bá hình ảnh của Huế đến với công chúng”.

“Các đoàn làm phim đã có kịch bản, nhưng khi khảo sát chọn bối cảnh thì địa phương cũng sẽ chủ động giới thiệu cho họ những nội dung, bối cảnh, hình ảnh phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh. Đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất chỉn chu để chủ động khi đưa hình ảnh Huế lên phim. Phim trường ở Huế không chỉ mang tính chất cổ kính, trầm mặc của hệ thống di sản triều Nguyễn và văn hóa Huế xưa, mà còn có những hình ảnh của một “Huế mới” với sự hòa nhập trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tiết lộ, tỉnh đang xem xét xây dựng một giải thưởng phụ trong LHP lần XXII này dành cho phim quảng bá hình ảnh Huế xuất sắc nhất. “Dù là giải thưởng phụ do UBND tỉnh trao tặng, nhưng do Ban giám khảo của LHP XXII chấm giải nên tỉnh cần xây dựng các tiêu chí rõ ràng, kỹ lưỡng. Tác phẩm đạt giải phải xứng đáng về việc tuyên truyền, quảng bá cho hình ảnh Huế đến công chúng trong và ngoài nước”, ông Bình thông tin. 

 Chúng ta đã bình tĩnh nhìn nhận, kịp thời ứng phó, điều chỉnh các phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim để thích ứng hoàn cảnh mới, sống chung với đại dịch. Điện ảnh Việt đã không khuất phục khó khăn, không dừng lại mà nỗ lực duy trì sản xuất. Có không ít tác phẩm điện ảnh đã tạo ra những giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ và được ghi nhận về giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, xã hội.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

 THANH MỘC - SƠN THÙY; ảnh: VŨ MỪNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top