Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

29 Tháng Ba 2024

Góc nhìn LHP Việt Nam XXII: Mong muốn có một “chợ phim”

Thứ Hai 15/11/2021 | 09:57 GMT+7

VHO-  LHP Việt Nam lần thứ XXII đang cận kề, so với những mùa giải trước, Liên hoan lần này có phần giảm nhiệt hơn do tác động của đại dịch Covid-19, song không vì thế mà thiếu sự quan tâm của giới nghề. Văn Hóa tiếp tục ghi nhận những góc nhìn đa chiều của các đạo diễn, nhà lý luận phê bình điện ảnh về sự kiện “nóng” này…

Trong điều kiện khó khăn, phim Việt vẫn giữ được nhịp độ là điều rất đáng mừng

Đại dịch Covid-19 suốt hai năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất phim, các đoàn phim không thực hiện được kế hoạch của mình, không hoàn thành được ý tưởng cũng như việc đưa phim tiếp cận công chúng… Tuy nhiên, nhìn vào danh sách tại LHP năm nay, tôi thật sự rất mừng bởi số lượng tác phẩm tham gia khá cao và chất lượng cũng có nhiều tiến bộ. Trong đó, tôi đánh giá cao những bộ phim thể hiện theo nhu cầu của khán giả, đồng thời đề tài gần gũi với cuộc sống và quan tâm đến chủ trương của Nhà nước trong tình hình hiện nay, không chỉ ở mảng phim Truyện mà cả phim Tài liệu, khoa học…

Trong nhiều phim, bối cảnh được cải thiện, âm thanh, hình ảnh đã tiến bộ hơn, có nhịp điệu nhanh hơn trước, phù hợp với góc nhìn đương đại, điều đó cho thấy ê kíp sáng tạo đã biết đầu tư hiệu quả. Qua phim, chúng ta thấy được thế hệ những nhà làm phim phần lớn là người trẻ, nên các bạn có ý tưởng sáng tạo tốt, vì thế, vẫn giữ được nhịp điệu, tiến độ để tiếp tục sản xuất là điều rất đáng mừng.

(PGS.TS TRẦN LUÂN KIM, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam)

LHP được tổ chức ở Huế là một sự kết hợp rất tốt giữa văn hóa - du lịch và điện ảnh

Hai mươi mấy năm theo nghề thì gần như LHP Việt Nam nào tôi cũng đều quan tâm theo dõi. LHP Việt Nam lần thứ XXII tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nên đã phải hạn chế rất nhiều hoạt động. Trong hai năm qua, có những phim mới ra rạp vài hôm thì phải đóng cửa, có phim dự định ra rạp thì cũng ngưng lại luôn… Nhìn vào danh sách tham dự năm nay, thấy rất nhiều phim còn chưa được tiếp cận công chúng. Người làm nghề có phần lo lắng, họ cũng thấy buồn, có một nhịp chùn lại vì những tác phẩm mình tâm huyết, đầu tư lớn nhưng chưa nhìn thấy kết quả. Đặt vào nhu cầu thương mại thì tỉ lệ thu hồi vốn của các nhà sản xuất phim thời gian qua là cực thấp, thành ra tâm lý cũng như không khí tham dự LHP XXII chắc chắn bị ảnh hưởng, bớt đi phần nhộn nhịp so với mọi năm.

Nhưng có một điều đáng trân trọng là LHP năm nay tổ chức ở Huế, bên cạnh hoạt động chuyên môn thì có nhiều sự kiện nhằm quảng bá văn hóa, du lịch Huế đến các nhà làm phim trong và ngoài nước. Thời gian gần đây, tôi thấy khá nhiều phim đương đại của Việt Nam chú trọng yếu tố giới thiệu được cảnh đẹp của quê hương, đất nước để lồng vào phim. Có sự kết hợp giữa văn hóa - du lịch - điện ảnh ở những bộ phim có bối cảnh đẹp như Huế tôi cho rằng rất tuyệt vời. Chúng ta có thể quảng bá hình ảnh đất nước rõ nét hơn, tạo cảm hứng nghệ thuật để thông qua điện ảnh, phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa…

Nhìn chung, phim Việt hiện nay còn hạn chế về tính sáng tạo, bởi những tác phẩm mang tính thể nghiệm, kỹ xảo, fantasy… đòi hỏi kinh phí rất lớn nhưng khó thu hồi được vốn nên nhà đầu tư cũng nản. Mình cũng chưa có những “ông trùm” trong lĩnh vực kinh tế quan tâm đến điện ảnh. Nhà nước thì không thể tài trợ mãi được. Việc đầu tư để phát triển điện ảnh vẫn phải cần tư nhân, nhà kinh tế lớn đứng đằng sau, còn ở ta hiện nay phần lớn là các nhà kinh tế nhỏ và vừa thôi.

LHP năm nay cũng diễn ra trong thời điểm các diễn đàn đang thảo luận sôi nổi về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, nhưng dường như sự chuyển đổi trong Luật vẫn chưa bắt kịp tình hình sản xuất phim hiện tại. Nếu các nhà quản lý, chính sách của ngành xem điện ảnh là công cụ để phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, thì LHP này, ngoài việc gặp nhau để tổng kết, trao giải, động viên, thì cũng là dịp cùng nhìn rõ hơn các quy định trong Luật để có những điều chỉnh hợp lý hơn.

(Đạo diễn - Diễn viên HỒNG ÁNH)

Mong có một “chợ phim” tại LHP Việt Nam

Nhiều nhà làm phim thích tham gia các LHP lớn vì nếu thắng giải thì đó chính là công cụ truyền thông hữu hiệu nhất cho một bộ phim. Ví dụ, Ròm vừa rồi thắng giải tại LHP Quốc tế Busan 2019 (Hàn Quốc), báo chí, truyền thông nhắc đến nhiều đã tạo hiệu ứng cho phim rất mạnh. Cho nên, LHP là nơi để các nhà sản xuất, đạo diễn mang phim tới và hy vọng “đứa con tinh thần” của mình sẽ tạo được tiếng vang, tạo cộng đồng đứng sau khi phim đó phát hành, thì về mặt thương mại sẽ thuận lợi hơn cho nhà làm phim. Tôi mong muốn Việt Nam chúng ta sẽ có một LHP trình chiếu những bộ phim mới, những dự án mới, sẽ là nơi “bật mí” tác phẩm mới với khán giả.

Thông thường, LHP thường là nơi quy tụ những bộ phim thiên nhiều về tính nghệ thuật, không phải phim thương mại được phát hành rộng rãi. Và vì thế, có những người chờ đợi LHP, mong muốn đến LHP để xem được những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn trong LHP sẽ có hoạt động gọi nôm na như là “chợ phim”, người mua phim trên khắp thế giới đổ về để “đi chợ”, xem những bộ phim nào hấp dẫn để họ mua về phát hành ở nước của họ. Và cuối cùng là trao nhiều hạng mục giải từ những nhà chuyên môn uy tín được mời làm Ban giám khảo…

(Đạo diễn CHARLIE NGUYỄN)

 THÙY TRANG (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top