Sân khấu kịch TP.HCM: Niềm vui được nhân đôi

VHO- Kịch Tết vốn là món ăn tinh thần truyền thống không thể thiếu của người dân phương Nam. Thế nhưng thời điểm trước Tết, nhiều sân khấu “đứng ngồi không yên” dù vé đã được bán ra khá nhiều, nỗi ám ảnh về sự chuyển biến phức tạp của dịch bệnh vẫn còn đó. Và rồi, giới nghề cũng “thở phào nhẹ nhõm” khi lượng khán giả đến với sân khấu đã tăng vọt, bù đắp lại sự ảm đạm suốt một thời gian dài.

Sân khấu kịch TP.HCM: Niềm vui được nhân đôi - Anh 1
 

Nghệ sĩ Bình Tinh trong vai Mạnh Lệ Quân

Đáp lại kỳ vọng của khán giả

Trước đó, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra vào giữa tháng 1.2022 được xem là cuộc tập duyệt trước khi khởi động cho mùa kịch Tết. Còn đối với người trong giới, họ luôn kỳ vọng về sân khấu TP sẽ có bước đột phá, bởi qua mùa giải này, những vở diễn đã được đông đảo công chúng quan tâm đồng thời được giới phê bình đánh giá tốt. Những tín hiệu tích cực từ cuộc chiến sống còn của sân khấu đã được thắp sáng. Đây chính là động lực để các đơn vị tự tin đầu tư vào các tác phẩm mới, xua tan sự u ám của dịch bệnh. Hơn thế nữa, đó cũng chính là bàn đạp cho các vở diễn sau lấy lại vị thế trước các loại hình giải trí trong thời đại 4.0. Để đáp lại kỳ vọng của khán giả, sân khấu TP.HCM đã mang đến một mùa kịch Tết giá trị, ý nghĩa với hàng loạt vở mới ra đời sau 2 năm “kiệt quệ”, đây quả là một kỳ tích!

Đa phần các sân khấu đều đồng loạt khai diễn từ mùng 1 Tết và tiếp tục kéo dài cho đến hết tháng 2. Sân khấu Hoàng Thái Thanh mở cửa từ mùng 1 - 7 Tết với các vở Bạch Hải Đường, Nửa đời ngơ ngác, Sài Gòn có một ngã tư, Chờ thêm chút nữa, Bông hồng cài áo… Với phong cách kịch mang màu sắc tâm lý xã hội, có bi, có hài, sân khấu Hoàng Thái Thanh “hút” khán giả ngay từ những ngày đầu trở lại. Bà “bầu” Ái Như không khỏi xúc động: “Chúng tôi luôn tuân thủ quy định giãn cách, nên rạp 400 ghế thì chỉ bán ra 200 vé, nhưng khán giả vẫn thương sân khấu và nhiệt tình lắm. Suất nào cũng bán sạch vé và tràn đầy cảm xúc”.

Sân khấu kịch Hồng Vân cũng phục vụ liên tục từ mùng 1 - 7 Tết với các vở Kỳ án 292, Ma nữ không chồng, Thân sâu hồn bướm, Điềm báo… và vé đã bán hết từ trước tết, hầu như suất nào cũng kín rạp. Dù chưa có vở mới, nhưng sân khấu Idecaf vẫn được khán giả ủng hộ nhiệt tình qua từng suất diễn. Trong khi đó, sân khấu Thế giới Trẻ là đơn vị duy nhất công diễn vở kịch dài được dàn dựng mới là Bật công tắc là yêu và liên tục kín lịch từ mùng 1 - 10 Tết với loạt vở diễn như Lò võ tiếu lâm, Thâm cung nội chiến, Hồn ma cô đào hát… Sân khấu kịch 5B thì diễn chùm hài kịch Sướng quá Xuân vô cùng mới mẻ, tạo được hiệu ứng tích cực và nhận được lời khen ngợi của số đông khán giả trẻ.

Bên cạnh đó, các sân khấu cải lương cũng sôi động không kém. Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết, vở Mạnh Lệ Quân của cô “cháy” vé Tết và được khán giả yêu cầu diễn thêm suất. Nhóm Chí Linh - Vân Hà diễn vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài tại Nhà hát TP.HCM cũng bán vé khá tốt. Nhìn chung, sau hai năm đại dịch, Tết này sân khấu đã và đang khởi sắc đầy ngoạn mục.

Sân khấu kịch TP.HCM: Niềm vui được nhân đôi - Anh 2

 Nam Thư và Quang Tuấn là những gương mặt trẻ thành công ở lĩnh vực phim ảnh, tuy nhiên họ vẫn mang một tình yêu nồng cháy với sân khấu kịch

Đi cho đúng hướng

Góp phần giải tỏa “cơn khát” của khán giả sau thời gian dài phải ở nhà vì dịch bệnh nên hầu hết các sân khấu đều có lượng người xem rất khả quan. Tuy nhiên, làm sao để “giữ chân” khán giả lâu dài vẫn còn là trăn trở của các ông, bà “bầu”.

Lâu nay, không chỉ ở sân khấu mà cả điện ảnh, mọi người luôn đau đầu về thị hiếu người xem, vì đây luôn là một bài toán nhiều ẩn số. Một tác phẩm nghệ thuật khó có thể cùng lúc thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của nhiều thành phần khán giả. Chính vì thế, người làm nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng phải tìm cách dung hòa giữa tính thị trường và nghệ thuật. Thực tế cho thấy, sân khấu TP đang có một lực lượng diễn viên trẻ được đào tạo bài bản từ các trường học, các “lò” sân khấu xã hội hóa. Cùng với đó là những thương hiệu sân khấu đầy sức hút như: Idecaf chuyên nghiệp từ lớp diễn xuất đến sự đa dạng đề tài từ kịch thiếu nhi đến những vở chính luận, lịch sử; Sân khấu Hoàng Thái Thanh được khán giả yêu thích vì luôn có những vở diễn xúc động và đầy “suy nghĩ”; Còn đến với sân khấu kịch Hồng Vân là để “giải trí” theo cái cách làm người xem giật mình với âm thanh, ánh sáng sinh động…

Công chúng hiện đại luôn biết lựa chọn cái hay, loại bỏ cái dở và không hưởng ứng cái cười giải trí đơn thuần, cái hài rẻ tiền… Chính vì thế, để sân khấu đi đúng hướng và tiếp tục phát triển trong thời gian tới, người làm nghề phải biết tận dụng những cơ hội, những thế mạnh riêng của mình. Đặc biệt, trong kỳ Liên hoan vừa qua, khán giả vô cùng thích thú với tài diễn xuất của lớp diễn viên trẻ. Thậm chí, những cái tên sáng giá như Nam Thư, Quang Tuấn, Puka, Thuận Nguyễn, Lê Lộc… dù đang “lấn sân” sang các loại hình giải trí khác, nhưng khi quay trở về với sân khấu họ như “cá gặp nước”, luôn sống trọn với từng vai diễn và tất nhiên những tấm huy chương xứng đáng đã được dành cho họ. Có thể nói rằng, chính kịch nói đã tôi luyện nên những gương mặt sáng giá ấy và kịch nói vẫn có sức sống mãnh liệt cũng như giá trị riêng của mình.

Chỉ vài chục mét vuông sàn diễn nhưng đòi hỏi phải chuyển tải đầy đủ những hỉ nộ ái ố của cuộc đời, thật chật hẹp, thật gò bó nhưng cũng rộng lớn đến không ngờ. Tất cả những nghịch lý đó, từ xưa đến nay vẫn tồn tại song hành cùng sân khấu. Sân khấu có tiếp tục tỏa sáng, tiếp tục trở thành món ăn tinh thần được yêu thích của công chúng hay không, trông chờ rất nhiều vào sự đổi mới, năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của lớp diễn viên, đạo diễn… đang tiếp đuốc, thắp sáng ngọn lửa đam mê nghệ thuật. 

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc