Chương trình truyền hình nhân văn: Đừng để trở thành hoài niệm

VHO- Có thể nói, chưa bao giờ việc sản xuất các game show giải trí lại “nở rộ” như hiện nay. Nhưng ngược lại với xu thế chung đó, các chương trình nhân văn, hoạt động vì cộng đồng lại đang đứng trước nguy cơ trở thành hoài niệm với khán giả.

Chương trình truyền hình nhân văn: Đừng để trở thành hoài niệm - Anh 1

 Hin ch còn rt ít chương trình truyn hình nhân đo đưc lên sóng (nh: Như chưa h có cuộc chia ly)

Vang bóng một thời

Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng, Như chưa hề có cuộc chia ly, Vì bạn xứng đáng... từng một thời là những chương trình nhân ái nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả cả nước. Lên sóng từ tháng 9.2005, Vượt lên chính mình nhanh chóng được công chúng tin yêu khi hỗ trợ thiết thực người dân nghèo trong công tác xóa nợ, vay vốn làm ăn. Thông qua những thử thách trong vòng 1 phút 30 giây, chương trình gây xúc động bởi nghị lực không chịu khuất phục số phận của những người không may mắn cùng tinh thần “tương thân tương ái” của người dân xung quanh. Tuy nhiên, đến năm 2018, Vượt lên chính mình đột ngột tạm ngưng phát sóng.

Chung số phận với Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng ra mắt từ năm 2011 là chương trình đi đến những vùng quê nghèo, hỗ trợ vốn, giúp người dân vượt qua khó khăn. Ở mỗi số phát sóng, Lục lạc vàng sẽ trao nhiều cặp bò cùng kinh phí hỗ trợ làm chuồng trại, giúp họ có công ăn việc làm ổn định. Chính số vốn ban đầu mà chương trình cấp đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống, đem lại tương lai tươi sáng cho hàng nghìn hộ gia đình trên khắp mọi miền đất nước. Thế nhưng đến tháng 4.2018, Lục lạc vàng cũng lặng lẽ... rơi vào thương nhớ.

May mắn hơn hai cái tên còn lại, nhưng Như chưa hề có cuộc chia ly cũng suýt phải nói lời tạm biệt khán giả. Lên sóng lần đầu tiên năm 2007, đây là chương trình truyền hình mang tính chất nhân đạo, giúp các gia đình đoàn tụ sau thời gian dài ly tán. Hình ảnh những bà mẹ ngoài 80 mới được gặp lại con, anh chị em đoàn tụ sau hàng chục năm thất lạc... đã lấy đi nước mắt của biết bao khán giả. Kể từ năm 2007, chương trình đã hoàn thành tìm kiếm hơn 2.500 trường hợp, đoàn tụ khoảng 1.800 đại gia đình, tiếp nhận hơn 70.000 yêu cầu tìm kiếm. Nhưng sau 13 năm, đến tháng 7.2020, ê kíp Như chưa hề có cuộc chia ly đã bất ngờ nói lời “chia ly”. Nguyên nhân là bởi kinh phí hoạt động không còn. Rất may ngay sau đó, chương trình nhận được sự giúp đỡ của khán giả cả nước và “hồi sinh”, lại tiếp tục nối dài những yêu cầu tìm kiếm. Con số các trường hợp được đoàn tụ đang không ngừng tăng lên.

Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh khán giả nhận thấy sau khi chương trình trở lại là không còn xuất hiện trên kênh sóng lớn. Điều này cũng khiến Như chưa hề có cuộc chia ly phần nào gặp khó khăn trong việc tiếp cận người xem. Theo lý giải, do hoạt động trong kinh phí hạn hẹp nên rất khó để sản xuất dưới dạng chương trình, chiếu trên ti vi như trước đây, hiện Như chưa hề có cuộc chia ly sử dụng YouTube làm nền tảng cho mỗi số phát sóng.

Không những vậy, các chương trình truyền hình nhân đạo còn thiệt thòi trong khung giờ phát sóng. Chẳng hạn, Vì bạn xứng đáng phát lúc 16h Chủ nhật, Hát mãi ước mơ lúc 19h30 thứ 6... trong khi “giờ vàng” lại rơi vào khoảng 20-22h. Điều này đã khiến các chương trình mất đi lượng lớn khán giả.

Rất cần những sự chung tay

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, những chương trình truyền hình mang tính nhân văn đã tạo ra nguồn năng lượng tích cực, gợi lòng trắc ẩn của rất nhiều người. Từ đó, giúp hình thành và nhân lên những điều tốt đẹp, việc làm thiện nguyện trong đời sống xã hội. Những chương trình như vậy còn hữu ích trong việc giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách tốt đẹp cho cộng đồng.

Mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp nhưng những chương trình này đang phải “trầy trật” để có thể tồn tại. Lý giải vấn đề, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, thị trường chương trình giải trí giờ đây rất khắc nghiệt. Những chương trình ít khán giả sẽ khó nhận được quảng cáo, ảnh hưởng đến doanh thu của nhà đài, vì vậy, xu hướng hiện nay là sản xuất các game show với chiêu trò để hút “rating”. Nếu không có chủ trương ủng hộ và chính sách điều tiết trong việc phát triển, các chương trình nhân văn, nhân đạo sẽ gặp nhiều khó khăn và dần biến mất.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định: “Khi xác định cần có những thông tin tích cực để tạo môi trường thuận lợi cho việc lan tỏa những điều tốt đẹp, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ cho các chương trình truyền hình người tốt, việc tốt xuất hiện nhiều hơn. Tôi cho rằng, Nhà nước và doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nội dung và thực hiện các chương trình truyền hình này. Việc các tổ chức xã hội, ngân hàng, doanh nghiệp, người dân chủ động ủng hộ là để phát triển các chương trình có ích. Thêm vào đó, tự thân các chương trình cũng cần đổi mới hình thức và nội dung cho hấp dẫn hơn để thu hút sự quan tâm của khán giả. Chẳng hạn như tìm thêm nhiều cách tiếp cận với khán giả thông qua các phương tiện truyền thông mới, công nghệ mới là một giải pháp phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay”.

Thực tế, khán giả cả nước hiện đang rất mong sẽ có thêm nhiều chương trình nhân đạo hấp dẫn, giúp kết nối trái tim, tình cảm, tạo nên “bầu khí quyển” tốt lành cho sự phát triển của nhân cách con người. Sự ủng hộ của khán giả chắc chắn cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các chương trình này. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc