Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

29 Tháng Ba 2024

Đưa rác thải nhựa vào bờ,​​​​​​​ giảm thiểu ô nhiễm đại dương

Thứ Tư 25/05/2022 | 09:57 GMT+7

VHO- Nhiều mô hình, tổ tự quản được các ngư dân Quảng Nam nhiệt tình hưởng ứng, cùng nhau tham gia, cùng nhau vận động giảm thiểu rác thải nhựa, đưa rác thải nhựa từ các phương tiện đánh bắt trên biển vào bờ thu gom đúng quy định, góp phần bảo vệ môi trường đại dương,…

 Ngư dân phường Cẩm Nam tham gia lễ phát động, hưởng ứng giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường đại dương

Hội Nông dân phường Cẩm Nam (TP Hội An, Quảng Nam) vừa phát động chương trình “Ngư dân hưởng ứng giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường đại dương”. Tại buổi lễ phát động, nhiều ngư dân Cẩm Nam đã rất chăm chú tìm hiểu những thông tin tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa từ phương tiện đánh bắt đến môi trường biển và đã hưởng ứng, cam kết cùng chung tay giảm thiểu những tác hại đến môi trường biển.

Ông Nguyễn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Nam cho biết, là địa phương có truyền thống nghề biển lâu đời, hiện toàn phường có hơn 70 tàu công suất lớn chuyên vươn khơi đánh bắt xa bờ. Ngoài ra còn có khá nhiều tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ. Để phát triển nghề biển bền vững thì phải bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là rác thải nhựa từ phương tiện đánh bắt. Do vậy, Hội Nông dân đã phát động ngư dân giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời cũng thành lập tổ tự quản vệ sinh môi trường biển. Rất mừng là những hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo ngư dân đi biển và cả những người ở trên bờ lo “hậu cần” cho những chuyến ra khơi.

Ngư dân Trần Phục chia sẻ, nhiều ngư dân lâu nay khi đi biển vẫn nghĩ đơn giản rằng vứt rác xuống biển thì nước, sóng sẽ cuốn trôi thôi. Nhưng qua tuyên truyền, đã nhận thức được rằng, nếu cứ xả rác thải nhựa trên các tàu, thuyền trong quá trình đánh bắt xuống biển thì thật sự là mối hiểm họa, nguy hại lâu dài cho đại dương. Và thực tế chứng minh là sự ô nhiễm này đã ảnh hưởng đến sự sinh sôi, phát triển của tôm cá, những năm gần đây sản lượng hải sản sụt giảm đáng kể khiến ngư dân khó khăn. “Vì vậy, chúng tôi ý thức rõ và cam kết phải cùng chung tay gìn giữ môi trường biển, cùng thành lập các tổ tự quản để nhắc nhở nhau đưa rác thải nhựa từ hoạt động đánh bắt về bờ để phân loại, thu gom đúng quy định”, ông Phục cho biết.

 Nhiều bảng, biển tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa tại bãi biển Bình Minh

Được biết, tháng 3.2022, Hội Nông dân TP Hội An cũng đã ký kết Chương trình phối hợp với các Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm; Cửa Đại vận động ngư dân quản lý rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đại dương. Qua đó phối hợp tăng cường các biện pháp tuyên truyền, huy động ngư dân tham gia, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và công tác xử lý rác thải. Chương trình phối hợp sẽ tập trung vào các nội dung như: Tập huấn, tuyên truyền về công tác quản lý và ngăn ngừa rác thải nhựa đại dương từ các hoạt động trên biển cho các cấp Hội; Tổ chức phát động và xây dựng mô hình ngư dân chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường đại dương cho ngư dân trên các phương tiện đánh bắt cá, ngư dân hoạt động chài lưới ven sông, ven biển; Hình thành các tổ, đội tình nguyện thu gom rác thải nhựa đại dương; xây dựng lực lượng ngư dân trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đại dương; Tổ chức chương trình đổi rác thải nhựa đại dương lấy nhu yếu phẩm,…

Tại nhiều vùng biển khác ở Quảng Nam, ngư dân cũng đã thành lập, xây dựng nhiều mô hình thu gom rác thải nhựa, ngư cụ hư hỏng,… từ biển mang về bờ, phân loại tái chế và bán gây quỹ. Như tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, nơi có hơn 130 tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã phối hợp với các chủ phương tiện tại các thôn để tổ chức mô hình “thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền”. Rác thải nhựa, ngư lưới cụ bị hư hỏng,… thay vì xả vứt bừa bãi xuống biển sẽ được ngư dân thu gom, đưa về bờ, chị em hội phụ nữ sẽ tiến hành thu gom, tái chế, bán phế liệu gây quỹ hỗ trợ lại những hoàn cảnh khó khăn,…

Những mô hình như thế, lâu dần sẽ giúp ngư dân, cộng đồng nâng cao nhận thức, ý thức hơn trong việc thay đổi hành vi, tạo thói quen phân loại rác thải, hạn chế vứt rác xuống biển, góp phần giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, giữ cho đại dương sạch, xanh, giữ cho các loài thủy hải sản sinh sôi, phát triển cũng chính là giữ nguồn sinh kế bền vững cho ngư dân trong tương lai. 

THU HOÀI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top