Khi nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa: “Khóc” từ cuộc đời lên sàn diễn…

VH- Trong số các đơn vị sân khấu xã hội hóa tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018, Hà Nội chỉ có một đơn vị xã hội hóa là CLB Sân khấu Thử nghiệm của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tham gia vở Dưới ánh đèn. Những người nghệ sĩ làm sân khấu xã hội hóa của Hà Nội đến với Liên hoan mang nhiều nỗi lòng và cả sự trăn trở về nghề.

Khi nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa: “Khóc” từ cuộc đời lên sàn diễn… - Anh 1

 Vở “Dưới ánh đèn” (CLB Sân khấu Thử nghiệm)

Đạo diễn vở, NSND Trần Nhượng chia sẻ: “Vở Dưới ánh đèn nói về chính nghề của chúng tôi, những nghệ sĩ như những con tằm rút ruột nhả tơ… Đó không chỉ là những thân phận nhân vật trên sân khấu mà còn là “tiếng lòng” của chính cuộc đời của chúng tôi”.

Đồng nghiệp ví von đạo diễn, NSND Trần Nhượng đã “tay không bắt giặc” khi đến Liên hoan bởi vở diễn Dưới ánh đèn đã có những “đại gia” hỗ trợ. Đó là tác giả Chu Thơm, người có số vở kỉ lục tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 viết theo đơn đặt hàng của đạo diễn mà đến giờ cũng không hề lấy một đồng nhuận bút; Đó là lực lượng nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa với những tên tuổi khá hot trong giới nghệ thuật như ca sĩ Long Nhật, NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo), nghệ sĩ Vượng râu, cô diễn viên múa Belly dance đầy quyến rũ Trịnh Huyền trong giải Vietnam’s Got Talent 2014… cũng chưa hề lấy một đồng tiền tập luyện, bồi dưỡng… NSND Trần Nhượng chỉ phải lo việc nuôi “quân” dựng vở bằng những suất cơm bình dân mà thôi.

Tác giả Chu Thơm, một người gắn bó với sân khấu từ khi lập nghiệp suy nghĩ của tác giả đã gặp được sự đồng điệu của chính đạo diễn và từ đó đã hình thành nên kịch bản Dưới ánh đèn. Nhân vật người bố trong kịch là kép Bền, một diễn viên tuồng gặp tai nạn nghề nghiệp lại gặp sự ghen ghét đố kị của đồng nghiệp luôn mang nỗi hận nghề cả đời, ông đã cấm con trai theo nghiệp của mình. Đam mê con đường nghệ thuật, ca sĩ Bảo Long (con trai kép Bền) dứt áo rời xa khỏi gia đình, quyết tâm dấn thân vào con đường làm nghề ca sĩ. Để rồi Bảo Long lại cũng đi vào sự lo lắng của chính cha mình đó là rơi vào cạm bẫy của bầu sô và sự hãm hại của đồng nghiệp dẫn đến đối diện với pháp luật, đối diện với sự từ mặt của gia đình và con đường sự nghiệp nghệ thuật gãy đổ…

Câu chuyện về cuộc đời của những người nghệ sĩ đối diện với những cạm bẫy trên con đường nghệ thuật, đặc biệt là những nghệ sĩ, ca sĩ hoạt động xã hội hóa đã được giới truyền thông đề cập phân tích mổ xẻ ở nhiều tờ báo. Nhưng dưới lăng kính của những người làm nghệ thuật xây dựng, đặc biệt là chính những con người đã và đang cống hiến trên lĩnh vực này diễn thì sức hút nhân lên rất nhiều bởi sự cảm động của chính người dựng, người diễn. Thú vị là đạo diễn, NSND Trần Nhượng đã làm một phép thử khi chọn những gương mặt tham gia vở diễn: Ca sĩ Long Nhật (TP.HCM) đóng nhân vật chính ca sĩ Bảo Long, NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo) vào vai người cha của Bảo Long đã ngăn cấm con trai đi diễn, nghệ sĩ Vượng Râu vào vai bầu sô, nghệ sĩ cải lương Hồng Gấm vào vai ca sĩ Thanh Phượng (bạn gái của Bảo Long)… Ngay cả sự xuất hiện của cô nàng Belly dance đầy quyến rũ Trịnh Huyền, người chưa từng diễn kịch và chỉ biết múa bụng cũng có một vai người hâm mộ ca sĩ trong vở. NSND Trần Nhượng cho biết, vì CLB mang danh “thử nghiệm” thế nên ông đã cố công chọn lựa các gương mặt rất mới đưa vào sân khấu kịch như việc thử nghiệm đưa ca sĩ, nghệ sĩ chuyên đóng hài cho đến một cô diễn viên múa bụng vào vai.

Quả thực, ê kíp sáng tạo vở đã biến những điều không tưởng thành có thật khi liều lĩnh chọn lựa những gương mặt trái với sở trường diễn chính kịch và cả những người “ngoại đạo” của sân khấu kịch tham gia. Bất ngờ nhất là NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo) chuyên diễn các vai hài lần này vào vai diễn kép Bền, một người nghệ sĩ già. Vai diễn của Tiến Quang đã thực sự chinh phục được đồng nghiệp bởi khả năng diễn xuất tâm lý của anh vượt lên cả những vai diễn hài thường thấy của anh. Ngay như diễn viên múa bụng Trịnh Huyền đã mang tới một nét diễn rất duyên đáng trân trọng. Đặc biệt hơn, nhân vật nặng ký trung tâm của vở diễn, ca sĩ Bảo Long ca sĩ Long Nhật thể hiện đã được đạo diễn khai thác triệt để khả năng hát cũng như giúp ca sĩ trưởng thành, vững vàng hơn khi diễn một vai kịch có diễn biến tâm lý đầy phức tạp.

Ca sĩ Long Nhật cho biết lúc đầu tập vở, anh vô cùng hoang mang bởi phong cách dàn dựng và diễn kịch ở miền Bắc rất khó. Nhưng nhờ có sự động viên của tác giả, đạo diễn và đồng nghiệp, sự đồng cảm đối với nhân vật đã khiến Long Nhật vượt qua sự bỡ ngỡ với phong cách diễn kịch Bắc để hoàn thành tốt vai diễn của mình. Đi về bằng máy bay chỉ để tập vở bằng tiền túi tự bỏ ra, cùng ăn suất cơm bình dân bên đồng nghiệp nhưng Long Nhật cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Long Nhật cho biết: “Vở tập được 15 ngày rồi, đạo diễn sẽ còn chuốt lại và thay đổi trước khi vào Liên hoan. 15 ngày chứ nếu phải luyện nhiều tháng, thậm chí cả năm tôi cũng sẵn sàng để vai diễn đầy đặn lên tôi cũng sẵn sàng. Tôi đã ao ước để được đóng một vai diễn chính kịch có diễn biến nội tâm như thế này từ lâu lắm rồi. Chưa nói là tôi và các đồng nghiệp cảm thấy rất tâm đắc khi các tình tiết ở sân khấu rất gần gũi với cuộc đời của người nghệ sĩ với những kiểu “chặt chém” của bầu sô, với sự đố kị của chính những người làm nghệ thuật không ai chịu nhường ai…”. Một show diễn trung bình của Long Nhật cao thì đến cả trăm triệu, thấp thì cũng ngót nghét 10 – 20 triệu. Vậy mà Long Nhật đã dẹp hết các sô để bỏ thời gian bay ra Hà Nội tập vở. Cũng như Long Nhật, NSƯT Tiến Quang, nghệ sĩ Vượng râu… cũng rất “đắt khách” nhưng đã từ chối nhiều hợp đồng diễn để dành cho Dưới ánh đèn.

Nhìn thấy hình ảnh của chính mình và đồng nghiệp ở trên sân khấu, day dứt với bao khát vọng vì nghề, đó là lý do mà ê kíp sáng tạo vở Dưới ánh đèn tự tin đi thi thố, để khoe với đồng nghiệp những gương mặt mới, để được diễn về một đề tài mà họ tin chắc sẽ nhận được sự đồng cảm của tất cả các đồng nghiệp. Đêm diễn sơ duyệt vở Dưới ánh đèn của CLB Sân khấu Thử nghiệm đông khác thường, có rất nhiều lãnh đạo các nhà hát, đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ sân khấu ở nhiều loại hình nghệ thuật đến xem. Cái không khí thưởng thức cũng rất khác bởi ngay sau buổi diễn có nhiều đồng nghiệp ở lại chia sẻ những cảm xúc, đồng thời có người còn ngỏ ý sẵn sàng tham gia để giúp cho tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ hoàn thiện hơn miễn là làm sao CLB có một bản diễn ưng ý nhất đi hội diễn mà thôi.

Rời xa những tiểu phẩm tấu hài rẻ tiền, rời xa sự tạm bợ trong các đêm diễn thiếu nhà rạp, thiếu thốn trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; tạm gác những show diễn bươn chải ở các nhà hàng và dẹp đi cả nỗi lo lắng khi các điểm diễn ngày càng thưa thớt khán giả… Sự ra quân rầm rộ của lực lượng nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 đã được ghi nhận ngay từ trước thềm liên hoan bởi sự vượt khó, vượt khổ từ góc nhìn của một đơn vị sân khấu xã hội hóa như CLB Sân khấu Thử nghiệm. 

Thúy Hiền

 

Ý kiến bạn đọc