Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

28 Tháng Ba 2024

Văn học trinh thám Việt: Thua thiệt đủ đường

Thứ Tư 14/09/2022 | 10:34 GMT+7

VHO- Nhen nhóm ở Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước với những tên tuổi “lẫy lừng” như Phạm Cao Củng, Thế Lữ, nhưng trải qua gần một thế kỷ, đến nay văn học trinh thám của ta vẫn… non và trẻ. Nguyên nhân bởi đây là thể loại khó, người viết không những phải giỏi tưởng tượng mà còn cần có kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Viết được một tác phẩm có khi tác giả phải “lăn xả” cả năm trời, dày công nhưng lại không rõ tác phẩm của mình liệu có được đón nhận hay không?

 Tiểu thuyết trinh thám “Trại hoa đỏ” của nhà văn Di Li

 “Không nhiều người mặn mà, văn học trinh thám Việt Nam đang thiếu cả nhân lực, vật lực để phát triển”, nhà văn Di Li thẳng thắn nhìn nhận tại tọa đàm Văn học trinh thám hiện đại giao thoa Đông và Tây diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội.

Chưa được cả người viết lẫn người đọc ưa chuộng

Văn học trinh thám phát triển rất mạnh ở nhiều quốc gia như Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản…, còn ở Việt Nam, thể loại này chưa thật sự được chuộng ở cả người viết lẫn người đọc. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Số lượng người viết văn học trinh thám ở nước ta quá ít. Đương đại, tôi chỉ có thể kể ra được hai cái tên là Di Li và Đức Anh. Thể loại này không chỉ hấp dẫn bởi yếu tố rùng rợn hay đơn giản là giải trí mà còn mang lại nhiều giá trị khác. Đi qua ranh giới của những vụ án, văn học trinh thám là chiếc “chìa khóa” gợi mở những góc khuất của đời sống, giúp con người nhận ra những giá trị của bản thân. Đắt giá như vậy nhưng nó lại chỉ hiện diện trên các tủ sách ở nước ngoài, còn ở Việt Nam, văn học trinh thám đang bị thua thiệt đủ đường”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết thêm, sở dĩ bạn đọc có xu hướng đọc văn học trinh thám nước ngoài là vì rất ít tác phẩm văn học trinh thám thuần Việt được ra đời. “Tại sao chúng ta không viết nhiều về đề tài này trong khi đây là “mảnh đất màu mỡ” để các tác giả khai thác, đặc biệt là những cây bút trẻ. Tôi cảm thông với việc đây là thể loại khó, cần nhiều thời gian để tư duy, nhưng khó không có nghĩa là không dám làm. Tôi kêu gọi các tác giả hãy dám dấn thân viết văn học trinh thám, nếu chưa được xuất bản thành sách in thì hãy xuất bản online. Miễn là viết không đi ngược lại những giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của quốc gia. Tôi tin nếu có tác phẩm chất lượng, NXB sẽ tự tìm đến nhà văn chứ nhà văn không phải “lóc cóc” đi tìm đơn vị phát hành để làm bệ phóng cho tác phẩm của mình”, Chủ tịch Hội nhà văn bày tỏ.

Nhà văn Di Li, tác giả của các tiểu thuyết trinh thám như Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số 7 chia sẻ: “Sự thật văn học trinh thám ở Việt Nam rất chậm phát triển, nếu như không muốn nói là không phát triển. Đây không phải là sở trường của nhiều nhà văn Việt bởi đòi hỏi trí tưởng tượng cao. Tôi phải thừa nhận một bộ phận nhà văn của chúng ta hiện nay không giỏi tưởng tượng, việc này xuất phát từ việc khi đi học, chúng ta bị “gò” bởi văn mẫu. Trong văn học, học theo văn mẫu là điều tối kỵ nhưng nó lại phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng bạn đọc yêu thích truyện trinh thám cũng chưa thật sự nhiều. Phải có nhiều người đọc, số lượng người viết mới tăng lên”.

Để văn học trinh thám không đơn độc

Có mặt tại tọa đàm, tiểu thuyết gia trinh thám người Na Uy Oystein Torsrud, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Tội ác số, Bí ẩn đằng sau cơn bão, Âm mưu… nhận định: “Nói là tưởng tượng nhưng văn học trinh thám cần khai thác dựa trên những đề tài gần gũi với đời sống xã hội, đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận, gợi mở những yếu tố với con người. Tác phẩm gần gũi với bạn đọc thì bạn đọc mới dễ tiếp cận. Ngoài ra, tôi mong các nhà văn Việt Nam hãy thật kiên trì theo đuổi thể loại này. Tôi đã từng chứng kiến có người viết 84 cuốn sách, theo đuổi văn học trinh thám suốt mấy chục năm mới có một tác phẩm nổi danh. Hãy loại bỏ suy nghĩ chán nản khi tác phẩm của mình chưa được nhiều người đón nhận”. Không để những cây viết trinh thám đơn độc, nhà văn Oystein Torsrud mong rằng phía NXB, giới truyền thông hãy cởi mở hơn với thể loại này, có động thái hỗ trợ cho các tác phẩm văn học trinh thám khi ra đời có cơ hội đến gần hơn với công chúng. Đây là điều mà các đơn vị xuất bản, giới truyền thông của một số quốc gia Bắc Âu đang làm.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện của Linh Lan Books cho biết, khoảng chục năm trở lại đây, “sân khấu” dành cho văn học trinh thám Việt Nam có cơ hội “trình diễn” gần như không có. Tác giả trẻ muốn xuất bản tác phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Phải có sự quan tâm thì các tác giả mới dám viết văn học trinh thám. Hiện nay, thực tế là các cây viết trẻ vì không có NXB “nâng đỡ” nên tác phẩm phải xuất bản online. Dù không phải điều gì tiêu cực, nhưng chắc chắn những tác phẩm này khó có thể đảm bảo chất lượng như khi trải qua khâu biên tập, đọc duyệt của các cơ quan cấp phép. Đại diện Linh Lan Books đề xuất các NXB, biên tập viên hãy mạnh dạn đặt hàng tác phẩm của những tác giả trẻ để khích lệ họ viết, thay vì trông chờ vào việc họ tự tìm đến với mình.

Về mặt nội dung, nhà văn Đức Anh, tác giả của Tường lửa, Thiên thần mù sương, cho hay, để dễ tiếp cận hơn với độc giả nước nhà, những cây viết nên khai thác chất liệu thuần Việt: “Chúng ta hãy đưa vào văn học trinh thám bối cảnh của làng quê Việt Nam, những câu chuyện ở nông thôn, thời bao cấp... Chính những chất liệu không một nền văn học nào có được mới khiến văn học trinh thám Việt Nam trở nên riêng biệt, độc lạ, lôi cuốn. Ngoài ra, nhà văn không nên lạm dụng yếu tố hình sự trong tác phẩm của mình như kết quả giám định, kết quả điều tra… Tác phẩm trinh thám hay nên đi theo hướng tạo yếu tố suy luận. Buộc người xem phải tư duy thì mới có thể giữ chân người đọc ở lại với tác phẩm của mình đến cùng”. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top