Múa rối xuất ngoại: Chuyện kể sau cánh gà...

VH- Nhìn vào số lượng các chuyến lưu diễn nước ngoài của Nhà hát Múa rối Việt Nam (NH Múa rối VN) hẳn nhiều người sẽ cho rằng nghệ sĩ ở đơn vị này chắc là sướng khi xuất ngoại như cơm bữa... Nhưng qua những câu chuyện chia sẻ của “người trong cuộc” mới thấu hiểu việc “đem chuông đi đánh xứ người” không ít những nhọc nhằn...

Múa rối xuất ngoại: Chuyện kể sau cánh gà... - Anh 1

 Rối cạn của NH Múa rối VN được khán giả quốc tế đón nhận đầy hào hứng

Va li mang đi nước ngoài toàn là con rối...

Trung bình mỗi năm NH Múa rối VN thực hiện không dưới 10 chuyến lưu diễn ở nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Bà Ngô Thanh Thuỷ, Giám đốc NH Múa rối VN cho biết từ đầu năm 2018 đến nay Nhà hát đã thực hiện 4 chuyến lưu diễn tại Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore. Tới đây sẽ là: Tokyo (Nhật Bản) với Lễ hội Việt Nam (từ 17.5 đến 21.5); Zurich (Thuỵ Sĩ), Vienna (Áo), Munich (Đức), Budapest (Hungary), Prague (Séc) với Chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam (từ 17.6 đến 29.6); tại Nga với Ngày hội Múa rối quốc tế Petrushka (từ 12.8 đến 25.8); Đức (24.8 đến 4.10), Pháp (từ 15.9 đến 30.9)...

Khó có thể tưởng tượng vì sao NH Múa rối VN có chưa đến 40 nghệ sĩ mà mỗi năm thực hiện cả chục chuyến lưu diễn nước ngoài, trong khi vẫn duy trì đỏ đèn 365 ngày tại Nhà hát Múa rối VN số 361 Trường Chinh và điểm diễn phối hợp với NH Nghệ thuật đương đại VN tại 16 Lê Thái Tổ. Chưa kể đến 2 suất diễn hằng tuần tại Hoàng thành Thăng Long. Bà Ngô Thanh Thuỷ, Giám đốc NH cho biết: “Nhà hát có 3 đoàn diễn viên. Mỗi khi có đợt lưu diễn, chúng tôi rút ở mỗi đoàn một vài người để đảm bảo lực lượng diễn trong nước cũng như đảm bảo chất lượng cho các chuyến lưu diễn nước ngoài”.

Hành trang ra nước ngoài biểu diễn của nghệ sĩ NH Múa rối VN cũng rất “đặc biệt”, quần áo, đồ dùng cá nhân chỉ xách tay, hành lý ký gửi là các con rối, trang phục biểu diễn... Lan Hương, nữ diễn viên trẻ nhớ lại chuyến lưu diễn của Nhà hát tại Iran năm 2017: “Các bạn Iran vô cùng ngạc nhiên khi thấy diễn viên VN không chỉ diễn mà còn kiêm nhiệm công việc làm sân khấu, họ nói chưa từng thấy nữ diễn viên nào của một đoàn nghệ thuật mà cũng tham gia bắt ốc vít dựng sân khấu bằng tay như chúng tôi. Bất kỳ một diễn viên nào khi sang nước bạn cũng có thể trở thành thợ may hoặc nhà thiết kế để sẵn sàng tạo ra những trang phục phù hợp cho con rối và cho nhân vật”. Lan Hương cho biết thêm, trung bình mỗi tháng nếu không đi nước ngoài thì diễn viên ở NH Múa rối sẽ có 20 ngày diễn, thời gian chủ yếu từ 16h00 đến 20h00.

Rối Việt Nam “xuất ngoại” và ghi điểm

Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc NH Múa rối VN cho biết: “Việc lưu diễn nước ngoài rất vất vả, chúng tôi luôn phải lựa theo điều kiện, sân khấu và yêu cầu từ phía bạn. Chính điều này đã giúp cho nhà hát có những trải nghiệm mới khi xây dựng chương trình tiết mục, đặc biệt là tiếp thu những công nghệ hiện đại làm cho sân khấu rối của VN trở nên hấp dẫn hơn, đội ngũ diễn viên ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu biểu diễn không chỉ rối nước mà còn biết diễn kịch, biết múa, hát...”.

Trước đây, khán giả quốc tế chỉ biết đến VN qua múa rối nước thì nay rối cạn cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường. Chương trình rối cạn Nhịp điệu quê hương tham gia Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN 2013 được bạn đánh giá là một “hiện tượng” nổi bật nhất và trao bằng khen “Chương trình được khán giả yêu thích nhất”. Chương trình được dàn dựng dựa trên một số làn điệu dân ca truyền thống, gần gũi với đời sống sinh hoạt của người nông dân Việt Nam. Những đôi tay “biết nói” của các nghệ sĩ đã mang lại sự sống cho những con rối vô tri, vô giác, đem lại nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả. Có ai biết rằng trước giờ diễn, đoàn đã vô cùng lo lắng khi trời mưa như trút suốt mấy tiếng đồng hồ. Lo lắng bởi rối cạn chưa có tiếng vang đối với quốc tế nên sẽ khó mà thu hút được người xem so với nhiều chương trình của đồng nghiệp quốc tế. Thật bất ngờ khi chưa đến giờ biểu diễn cả tiếng, khán giả đã đội mưa kéo đến ngồi chật kín rạp, ngồi tràn khắp các lối đi. Ngay sau buổi diễn, Ban tổ chức đã tổ chức họp báo riêng về chương trình rối cạn của VN. Tại cuộc họp báo nhiều đồng nghiệp múa rối và nhà báo đã chia sẻ sự khâm phục, trân trọng đối với sự xuất hiện vô cùng độc đáo của rối cạn VN. Bạn cứ nghĩ rối cạn VN ảnh hưởng rất nhiều bởi múa rối Trung Quốc nhưng sau khi xem Nhịp điệu quê hương họ đã thay đổi hoàn toàn quan niệm này. Rối cạn VN mang đậm bản sắc văn hoá VN từ chất liệu con rối sử dụng mây tre đan cực kỳ hiệu quả cho đến cách xử lý không gian sân khấu, xử lý âm nhạc, ánh sáng... rất tinh tế. Họ vô cùng thán phục tài nghệ của các diễn viên múa rối VN với xử lý con rối vô cùng nhanh, chính xác đến từng giây trên sân khấu. Sau thành công này, Nhịp điệu quê hương được NH Múa rối VN mang đi lưu diễn ở nước ngoài và đã được trao giải Quán quân thế giới tại LH Nghệ thuật Múa rối tại Thái Lan năm 2014. Không dừng lại với việc giới thiệu từng loại hình rối riêng biệt, gần đây NH Múa rối VN còn mạnh dạn đầu tư dàn dựng các chương trình kết hợp biểu diễn cả rối nước và rối cạn trên sân khấu trong nước và quốc tế, phương hướng này đã mang lại hiệu quả cao. Khán giả của Iran, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản khi xem các chương trình dàn dựng có cả rối nước và rối cạn đều bất ngờ và thích thú với những sáng tạo độc đáo về thiết kế sân khấu và biểu diễn của nghệ sĩ VN.

Chuyến lưu diễn đáng nhớ nhất của các nghệ sĩ là ở Iran (năm 2017). Iran là đất nước của Đạo Hồi nên phía bạn có những quy định riêng như cấm phụ nữ lên biểu diễn trên sân khấu; người diễn không được lộ tóc, lộ cổ, không được để lộ chân, cổ tay... Trong khi chương trình của ta thì có rất nhiều nữ diễn viên tham gia, những tiết mục như đi cấy hay múa hát chèo người diễn viên phải lộ chân trần, phải múa cổ tay... Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ trước nhưng khi trực tiếp đến, mới thấy hết những yêu cầu khắt khe từ phía bạn tưởng như khó có thể biểu diễn được. Đi bao nhiêu cây số, mất bao nhiêu công để tới được nước bạn không lẽ đành để chương trình bị đình lại vì những rào cản về văn hoá giữa hai nước? Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát đã cùng với diễn viên tính toán, thay đổi trang phục biểu diễn bằng cách xử lý cho diễn viên lên sân khấu đầu đội kín mít, chân đi giày đen, chế mặt nạ để che khuôn mặt của nữ diễn viên... Việc thay đổi trang phục đáp ứng những yêu cầu của bạn nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng nghệ thuật cũng như bản sắc của nghệ thuật rối VN. Chương trình kết thúc mà khán giả không ai chịu ra về, họ ở lại cả tiếng đồng hồ để được bắt tay các nghệ sĩ, được chụp ảnh lưu niệm với nghệ sĩ và chí ít là để khen một tiếng mới yên tâm ra về.

Trân trọng bộ môn nghệ thuật rối nước của VN, các nước thường dành cho NH Múa rối VN diễn ở các nhà hát hiện đại, sang trọng. Điều này cũng mang tới những thách thức khiến nghệ sĩ phải đối diện. Với độ nặng của khung sân khấu và bể nước lên tới 30 tấn đặt ra nhiều bài toán khác nhau như: Làm sao để sân khấu rối nước đặt lên trên sân khấu của bạn mà không bị sập? Làm sao để lượng nước trong bể không làm thấm ra sân khấu gỗ đắt tiền của nhà hát hiện đại? Vậy là các nghệ sĩ phải xoay chuyển tình thế xây dựng phương án tác chiến như một trận đánh làm sao để gia cố cho sàn diễn của bạn, giảm bớt lượng nước, giảm sức nặng của bể nước. Có những chuyến lưu diễn mà có ngày nghệ sĩ làm việc tới 24 tiếng để tính toán, chuẩn bị và lắp ráp sân khấu và sau khi diễn xong mới thở phào nhẹ nhõm.

“Nghệ sĩ NH Múa rối VN đã quen đáp ứng với những thay đổi trong các chuyến lưu diễn. Không ít lần nghệ sĩ đã đến nước bạn mà đạo cụ, sân khấu đi đường tàu biển đến chậm. Ngay lập tức chúng tôi phải đi tìm gỗ để đóng khung lắp ráp bể nước hoặc thiết kế một chương trình biểu diễn trong khi chờ đồ để lấp chỗ trống. Có những buổi diễn anh chị em mải lo chỉnh sửa, thay đổi từ sân khấu cho tới con rối để rồi chẳng kịp ăn uống, hoá trang, thay trang phục và lên sân khấu biểu diễn. Có lẽ lòng yêu nghề, tính tự tôn dân tộc đã khiến chúng tôi vượt qua mọi khó khăn rất dễ dàng…”, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

 THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc