Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

28 Tháng Ba 2024

Kịch thiếu nhi rộn ràng “vào vụ”

Thứ Sáu 26/05/2023 | 10:22 GMT+7

VHO- Mùa hè đến cũng là lúc các sân khấu dành cho thiếu nhi bước vào mùa cao điểm. Một số sân khấu kịch ở TP.HCM đã khởi động từ sớm với hàng loạt vở diễn đặc sắc, sinh động mang thông điệp ý nghĩa, bổ ích dành riêng cho khán giả nhí. Tất cả đã sẵn sàng “bung lụa” vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1.6 tới đây, cũng như sẽ “sáng đèn” xuyên suốt 3 tháng để đáp ứng nhu cầu vui hè ý nghĩa và bổ ích dành cho con trẻ.

 Diễn viên “Ngày xửa ngày xưa 34” đang tích cực tập luyện để biểu diễn xuất đầu vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6

 “Thực đơn” đa dạng

Còn nhớ hè năm ngoái, chương trình Ngày xửa ngày xưa số 33 - Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad, Đại chiến nàng tiên cá của sân khấu Idecaf đã lập nên kỷ lục khi diễn đến 55 suất và kéo dài đến tận mùa hè năm nay. Nối tiếp thành công ấy, Ngày xửa ngày xưa 34 sẽ chính thức ra mắt vào tháng 6 tới với sự đón nhận nhiệt tình của đông đảo khán giả. Chương trình có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, NS Thanh Thủy, Bạch Long, Hoàng Trinh, Lê Khánh, Hương Giang, Đình Toàn, Quang Thảo, Tuấn Khôi, Tuấn Khải, Don Nguyễn, Hoàng Giang… với sự dàn dựng công phu, hoành tráng, rực rỡ, đậm sắc màu cổ tích, thần tiên. Theo đó, vở diễn sẽ mang đến thông điệp nhân văn về niềm tin yêu, tình cảm bạn bè và tấm lòng nhân hậu, những điều cần có của mỗi người để luôn sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ người gặp khó khăn. Hiện vé của 23 suất diễn Ngày xửa ngày xưa trong tháng 6.2023 đã hết sạch.

Bên cạnh Idecaf, thì thương hiệu kịch thiếu nhi của Nhà hát kịch 5B cũng đã bắt đầu có chỗ đứng và ổn định từ hè năm 2022. Đỉnh điểm là mùa diễn Tết 2023, vở diễn Đại náo Long Cung đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả thiếu nhi lẫn phụ huynh khi các suất diễn liên tục “cháy vé”. Với đặc trưng diễn kịch trong không gian sân khấu thể nghiệm, ở Đại náo Long Cung, sự tương tác của diễn viên và khán giả luôn được đặt lên hàng đầu. Xuyên suốt vở diễn, khán giả đã cười không ngớt trước những mảng miếng hài do các diễn viên ứng biến và tung hứng. Đây cũng là vở diễn được đầu tư mạnh tay nhất về phục trang của sân khấu 5B. Cùng với đó, hiệu ứng truyền miệng từ Đại náo Long Cung cũng đã kéo thêm nhiều khán giả đến với vở và cả chương trình sân khấu thiếu nhi cuối tuần. Hiện, các suất diễn trong dịp 1.6 đã và đang được khán giả lấp đầy với nhiều tín hiệu tích cực.

Cũng nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi, sân khấu kịch Hồng Hạc sẽ ra mắt vở kịch mới Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ vào lúc 19h30 ngày 1.6 tại Nhà hát Thanh Niên (TP.HCM). Kịch được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, do Việt Linh biên kịch và Cẩm Tiên đạo diễn. Đặc biệt, sự xuất hiện của nghệ sĩ Cải lương Võ Minh Lâm trong vai Cu Mùi đã thu hút sự chú ý của khán giả. Hiện sân khâu kịch Hồng Hạc đang dốc sức chuẩn bị cho ngày ra mắt sắp tới.

Cùng với đó, sân khấu Trương Hùng Minh của thầy trò Minh Nhí và Việt Hương đã quyết định “tấn công” kịch thiếu nhi bằng chuỗi chương trình Truyện thần tiên 1, với vở Bí mật trăm đốt tre diễn tới 17 suất, bắt đầu từ ngày 1.6. Và với vở diễn Siêu thú tranh tài, sân khấu kịch Quốc Thảo cũng đã sẵn sàng phục vụ các em nhỏ từ 27.5 tới đây.

Không chỉ là giải trí

Tuy nhiên, kịch thiếu nhi vẫn còn rất hạn chế, khi chỉ có chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf “làm mưa làm gió” mỗi dịp hè, gần đây là Nhà hát kịch 5B cố gắng duy trì lịch diễn kịch thiếu nhi hằng tuần và dần được đón nhận. Có thể thấy, trong lĩnh vực sân khấu, viết kịch bản đã khó, mà viết kịch bản cho thiếu nhi lại càng “đau đầu” hơn, làm sao khiến trẻ thích mà vẫn giáo dục và định hướng được. Đối tượng trẻ thơ không đơn thuần là giải trí, là vui cười, mà nội dung giáo dục phải được coi trọng trong mỗi tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là kịch nói. Trong khi người lớn viết kịch bản cho thiếu nhi lại gặp nhiều vấn đề về góc nhìn, sự cảm nhận, mối quan tâm không có sự tương đồng…

Một thực tế nữa cho thấy, hiện nay các chương trình sân khấu cho thiếu nhi vẫn rơi vào tình trạng mang nặng tính mùa vụ. Nghĩa là, cứ trước các dịp như ngày Quốc tế thiếu nhi hay rằm Trung thu thì các sân khấu mới đưa chương trình cho các em vào “tầm ngắm”: Tìm kịch bản, dàn dựng, biểu diễn… Điều này càng khiến kịch thiếu nhi rơi vào “mối rối” khó gỡ. Thế nhưng, với mùa kịch thiếu nhi 2023, công chúng có quyền hy vọng nhiều hơn. Chưa kể đến nội dung, riêng phần đầu tư dàn dựng hạn chế tình trạng “bình cũ rượu mới” của các sân khấu đã cho thấy được sự thay đổi, sáng tạo và “chịu chi” của các “ông bà bầu”. Bên cạnh đó, với cách xây dựng giản dị, sinh động, linh hoạt, hài hước, vui nhộn cùng những thông điệp, bài học được lồng ghép một cách tinh tế, nhẹ nhàng, thay vì hô hào khẩu hiệu… sân khấu tự tin để có thể “cạnh tranh” được với các hình thức giải trí hiện đại khác trong mùa hè này.

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch 5B cho biết: “Chúng tôi hiểu được tâm lý khán giả là khi dắt các bé đi xem kịch thì phụ huynh cũng sẽ đi xem cùng. Cho nên, khi xây dựng kịch bản, sân khấu đã cố gắng cân chỉnh mảng miếng, tình tiết cho thật hợp lý để bên cạnh việc mang tiếng cười cho các bé, thì có thể thuyết phục luôn cả khán giả lớn tuổi, để từ đó có sự tương tác, gắn kết giữa các bậc phụ huynh và con trẻ”.

Là khán giả “ruột” của sân khấu kịch 5B, anh Khang (quận 5, TP.HCM) cho rằng, thiếu nhi luôn cần có không gian tinh thần ngoài các chương trình truyền hình, games show hay lên mạng Internet. “Mỗi khi sân khấu có vở mới, tôi đều dẫn các con đến xem. Sau đó, cả gia đình cùng nhau ngồi lại để chia sẻ những cảm xúc, những bài học giá trị được thể hiện qua từng nhân vật. Tôi thấy được sự hào hứng cũng như tư duy nhìn nhận vấn đề của các con ngày càng được nâng cao. Phần nữa, khi xem kịch trực tiếp, các con đã cởi mở hơn vì có cơ hội được giao lưu với diễn viên, tiếp xúc với nhiều bạn nhỏ. Đó là điều các con khó rèn luyện được khi chỉ xem ti vi hay xem điện thoại”, anh Khang chia sẻ.

Nhìn chung, số lượng các vở diễn vẫn là quá ít đối với nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức nghệ thuật của thiếu nhi tại các đô thị lớn, nhưng việc thay đổi “một sớm một chiều” là điều không đơn giản. Thay vì dựng vở ào ạt, các sân khấu hiện nay quan tâm hơn vào việc đầu tư kịch bản và bắt đầu tìm đến khán giả nhí. Hy vọng rằng, mùa kịch hè năm nay sẽ “bội thu” để tạo động lực cho các “ông bà bầu” tiếp tục “dấn thân” vào dòng kịch này. 

 THẢO MY

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top