Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

"Ranh giới" có làm nên chuyện ở LHP VN lần thứ XXII?

Thứ Năm 11/11/2021 | 09:08 GMT+7

VHO- Trong số 69 phim tài liệu tham gia cuộc đua giành Bông sen vàng tại LHP VN lần thứ XXII tới đây, Ranh giới là một trong số những phim gây chú ý với người xem bởi hiện thực khốc liệt được đề cập. Cơn mưa lời khen giành cho bộ phim này sau khi Ranh giới phát sóng nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn về một số chi tiết liên quan cách làm phim. Liệu những băn khoăn này có trở thành rào cản; hay những cơn mưa lời khen có tạo ra lợi thế khi bộ phim tham gia LHP ? 

Vào đúng khi dịch bệnh Covid- 19 đang hoành hành tại thành phố Hồ Chí Minh, khi cả bộ máy Nhà nước, Đảng huy động tối đa sức người và sức của, chống lại cơn đại dịch, và, hơn bao giờ hết, những người con của đất nước, đội ngũ y tế, bộ đội, công an và cả những người dân nơi thành phố quan trọng, xương sống của nền kinh tế đất nước cần chi viện, quan trọng hơn cả là nhận thức đúng nhất, sát nhất về TINH THẦN Ý CHÍ CỦA ĐỘI NGŨ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch tại nơi nóng nhất đất nước, VTV cho ra mắt bộ phim tài liệu Ranh giới.
Ranh giới do kíp làm phim của Trung tâm phim Tài liệu, Phóng sự VTV thực hiện do đạo diễn trẻ sinh năm 1980 Tạ Quỳnh Tư thực hiện. Bộ phim là câu chuyện bằng hình ghi lại chân thực vài ngày ở một bệnh viện khoa sản K+, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương ở thành phố Hồ Chí Minh. 
Những bác sĩ, hộ lý, làm công tác giúp đỡ các sản phụ sinh nở, khi mà dịch bệnh khắp nơi hoành hành, khi mà chính các sản phụ cũng mắc căn bệnh Covid 19, mà tính mạng của họ và thai nhi còn trong bụng mẹ đang ngàn cân treo sợi tóc. 
Phim hầu như không có lời bình, có dòng chữ ghi lại lời thoại của các nhân vật chạy dưới phim hay thi thoảng ghi lại lời ai đó, trong chính đội ngũ y bác sĩ, tâm tư, suy nghĩ của họ làm thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt tinh thần phim "Cuộc chạy đua"" của đội ngũ  y tế ở bệnh viện Hùng Vương vượt qua ranh giới giữa sự chết và sống, vượt qua khó khăn một lúc phải chịu trách nhiệm đè nặng bởi vì trước mắt họ không phải chỉ một con người, mà luôn trước hai mạng sống: thai nhi và sản phụ. Khi mà phương tiện của 120 giường bệnh hết sức thiếu thốn mọi phương tiện y tế cấp cứu, như ô xi, máy thở, giường bệnh và cả đội ngũ nhân viên y tế, khi mà có lúc con số cần cấp cứu lên tới gần 200 giường bệnh.
Chân thực và sinh động, các nhà làm phim giúp người xem tiếp cận với khá nhiều chi tiết thuộc về chuyên môn của ngành Y mà ai cũng có thể hiểu. Ngành Y nói chung và nói riêng ở Bệnh viện Hùng Vương, việc chiến đấu dành sự sống cho con người ở đây khó khăn ra sao. Người xem thật là căng thẳng, trước những cảnh thật mô tả hoạt động trong khoa sản này. Cũng chân thực đến đau đớn và xót xa, người xem được tiếp cận với nhiều khuôn hình cận mô tả bệnh nhân, nghe họ run sợ trước cái chết, nhìn họ đau đớn vật vã khi không thể thở hay khó thở. Người xem cũng được thấy không chỉ hành vi có tính kỹ thuật của đội ngũ y bác sĩ hay nhân viên Phụ sản mà còn được nhìn thấy nghe rõ, công tác tâm lí giúp bệnh nhân vượt qua sự sợ hãi mà làm theo sự chỉ dẫn của các bác sỹ và nhân viên điều dưỡng. 
Rõ ràng là những thước phim chân thực nhất chỉ rõ cái khó khăn lớn lao về vật chất, phương tiện tưởng khó có thể vượt qua của ngành Y khi một lúc phải " chiến đấu" với tử thần, lại đấu tranh với sự sợ hãi của chính các bệnh nhân và người nhà họ vượt qua ranh giới của sự sợ hãi...Nghe họ, đội ngũ y bác sĩ khuyên bảo bệnh nhân, người xem thấy rõ hơn nhịp đập của một trái tim lớn đập trong mỗi con người của nhân viên y tế Hùng Vương hết lòng vì người bệnh, sản phụ và thai nhi, dù rằng chính ngay họ, đội ngũ y bác sĩ cũng phải vượt qua nỗi sợ hãi, lo âu của chính họ khi trực tiếp tiếp xúc, cứu giúp nhưng bệnh nhân đang mang mầm bệnh chết người.


Bản chất của ngôn ngữ điện ảnh ở Ranh giới rất giàu có, là kết quả sự chọn hình bảo đảm tính chân thực được đan cài một cách rất giỏi về nghề, cả đạo diễn lẫn quay phim nên có nhiều trường đoạn rất sinh động và ấn tượng.
Hãy xem kỹ nó mà suy tưởng, sau những tất bật bởi trăm công ngàn việc xảy ra ở Khoa sản phụ Hùng Vương, các nhà làm phim không một lời bình cho chúng ta chỉ chục giây lướt qua các trạng thái nghỉ ngơi trên sàn đá của đội ngũ y tế Hùng Vương đã để người xem sự xúc động trào ra nước mắt. 
Phim không né tránh, có hai trường hợp đội ngũ y tế lâm bệnh vẫn ở lại cách ly trong viện và làm công tác. Các nhà làm phim cũng không né tránh trước các thất bại của ngành Y, khi không thể cứu được thai nhi để cứu người mẹ được sống. Sự ghi hình chân thực ấy giúp người xem hết sức tin cậy ở tính sự kiện thời sự, trở thành tài liệu quý giá trong lịch sử khốc liệt của đất nước ta trong giai đoạn chống dịch bệnh lần thứ Tư mà điểm nóng nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Người ta trào nước mắt thương xót các tình huống xấu mà y pháp không thể can thiệp để thay đổi đành để đứa trẻ mất đi mà cứu thai phụ, người ta cũng trào nước mắt trước những hành vi hết sức lớn lao của đội ngũ y bác sĩ khi mà lãnh đạo bệnh viên ý thức biến thành chỉ đạo từng việc cụ thể, coi sự lao động trong bệnh viên Hùng Vương xác lập như là một trận chiến y như thời chiến. Đoạn phim có lời lãnh đạo viện nhắc lại lời Bác Hồ khi kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày xưa: "ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm..." ấy là sự tận dụng mọi phương tiện vật chất, động viên tài lực của nhân viên, bác sĩ trong viện, trên tinh thần Bệnh viện có gì dùng nấy để hoàn thành nhiệm vụ, cứu sống các sinh mạng, với tinh thần, kim chỉ đường là "Lương Y Như Từ Mẫu"". Người ta trào nước mắt ở những thước phim cuối cùng khi hai đứa trẻ được ra đời khỏe mạnh và, những nụ cười, những khuôn mặt của họ, đội ngũ y bác sĩ cùng bệnh nhân dắt tay nhau bước qua lằn ranh của cái chết.


Điều tôi không thích duy nhất trong phim là đoạn nhạc trong phim lồng vào sau cái chết của thai nhi trong gần cuối phim. Cái đoạn nhạc lồng vào lâm li ấy có cần thiết không thay vì hãy chiếu các hình ảnh đã có trong sự im lặng đến tuyệt đối của Bệnh viện Hùng Vương?
Thực tế là trong thời gian cao điểm nhất chống dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đoàn phóng viên thuộc truyền thông, bao gồm cả báo chí và truyền hình đều có mặt ở các vùng tâm dịch. Truyền thông cũng là một mặt trận nóng bỏng cần sự dấn thân của đội ngũ phóng viên báo chí, nhưng đoàn làm phim VTV với Ranh giới có thể nói là tung ra bộ phim  kịp thời  mang tính hiệu quả cao nhất bởi lúc trình chiếu trên truyền hình, Ranh giới tạo nên cơn dư chấn rất lớn, niềm xúc động mang tính tích cực không thể phủ nhận cho khán giả truyền hình cả nước.
Một nhà đạo diễn kì cựu làm phim tài liệu có phát biểu rằng: “Được có mặt ở những điểm nóng của đất nước, được có mặt ở những thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc… đó là hạnh phúc của những nhà làm phim tài liệu… Đoàn làm phim Ranh giới là những người hạnh phúc…” Tôi cho rằng ý kiến nay không chỉ xác lập vai trò, trách nhiệm của các nhà làm phim tài liệu với cuộc sống hôm nay mà nó là lời động viên khiêm nhường nhưng đúng bản chất nhất đối với nhóm phim Ranh giới.
Tuy vậy tôi có thể mặc nhiên nói: Ranh giới của đội ngũ các Nhà làm phim VTV mà đại diện là đạo diễn Tạ Quỳnh Tư là một phim giỏi, chủ đề được quán xuyến chặt chẽ từ đầu tới những giây cuối cùng. Phim tạo nên những ấn tượng rất mạnh ở từng thước phim trong sự thu ghép âm thanh thực.


Để thực hiện phim tài liệu này, các nhà làm phim đã phải dấn thân cùng các nhân vật đồng hành khi Covid 19 vẫn bao quanh, chắc chắn họ cũng phải xác định rằng, họ có thể trở thành bệnh nhân thách thức với tử thần. Họ, các nhà làm phim cũng vượt qua ranh giới, sự sợ hãi của chính mình mà dấn thân cống hiến cho khán giả những thước phim chân thực quý giá.
Phim ra đời khi đại dịch hết sức khốc liệt. Hàng ngàn người đã chết ( trong đó có 5 Hội viên Hội nhà văn Việt Nam) Đội ngũ những người ở tuyến đầu chống dịch này thực sự như những chiến binh dũng cẩm cần sự động viên, chia sẻ của nhân dân, của Đảng và Chính phủ và, khán giả truyền hình trong cả nước.
Hàng triệu triệu người đã xem chương trình phim tài liệu Ranh giới. Hơn 2 triệu người đã tìm phim Ranh giới để thẩm nó và khá nhiều nước mắt.
Ranh giới được thực hiện bởi các nhà làm phim trẻ.Họ đã đi đúng hướng, như lớp cha anh tài năng trước kia trong cả cuộc kháng chiến đánh Pháp và chống Mỹ, trong cả cuộc xây dựng kiến tạo đất nước Việt Nam sau hậu chiến, tạo ra nền điện ảnh tài liệu đáng ngưỡng mộ.
Quay trở lại với câu hỏi: Liệu Ranh giới có làm nên chuyện tại LHP VN lần thứ XII? Câu trả lời vẫn là ẩn số. Bởi, mỗi LHP có tiêu chí riêng và mỗi Ban Giám khảo có cách nhìn nhận và đánh giá tác phẩm dựa trên cảm nhận của mình. Tôi là một nhà văn, một cựu chiến binh, có cách đánh giá phim theo cảm xúc của nhà văn. Điều này, chưa chắc đã trùng khít với cảm nhận và đánh giá của những nhà chuyên môn điện ảnh cầm cân nảy mực.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập: CHU THỊ THU HẰNG

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.v

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top