Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Họ đã Cháy mãi những đam mê

Thứ Sáu 19/10/2018 | 10:25 GMT+7

VHO- Những người phụ nữ mảnh mai, nhỏ bé nhưng sở hữu niềm đam mê và nghị lực phi thường, 15 câu chuyện thấm đẫm xúc cảm ở triển lãm “Cháy mãi những đam mê” diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) đang thu hút sự chú ý của đông đảo du khách.

Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh những thành tựu, đóng góp của các nhà khoa học nữ nổi tiếng tại Việt Nam, trên nhiều lĩnh vực.

 Khách tham quan triển lãm

Khao khát từ con tim

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân chia sẻ: “Từ chuyện đời, chuyện nghề, với niềm vui và nỗi buồn, với thành công và thất bại, với đam mê và đánh đổi... của những nhà nữ khoa học được giới thiệu trong triển lãm, chúng tôi mong muốn công chúng hiểu hơn về những người phụ nữ làm khoa học trên khắp đất nước Việt Nam hôm nay. Câu chuyện của họ là hành trình lao động, truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta bằng cách họ ước mơ, cách họ đã sống. Trọn vẹn với đam mê. Dành trái ngọt cho đời”.

“Tôi thực sự khâm phục và ngưỡng mộ những người phụ nữ ở triển lãm này. Họ đã vượt lên mọi rào cản khi vừa làm vợ, vừa làm mẹ, vừa là nhà khoa học luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu để có được những công trình nghiên cứu giúp cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống...”, bà Ngô Thị Thanh Thuỷ (Viện Kiểm sát Hà Nội) xúc động chia sẻ.

Chỉ nhìn dáng vẻ mảnh khảnh, đôi vai gầy yếu và ánh mắt, nụ cười đôn hậu thì ít ai có thể cảm thấu được phía bên trong những người phụ nữ ấy đã cháy lên ngọn lửa đam mê, khao khát cống hiến lớn lao thế nào. Mỗi người một khởi nguồn khác nhau. Và đích đến của tất cả là biến những điều không thể trở thành có thể. Giản dị thôi. Với những người phụ nữ ấy, dường như mọi khát khao đều được bắt nguồn từ chính con tim. Tác giả của mô hình “Cô đỡ thôn bản”, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ: “Những năm tháng làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ đã cho tôi cơ hội đi và tiếp xúc với nhiều mảnh đời, số phận phụ nữ khác nhau. Điều tôi trăn trở nhất là tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh các tỉnh miền núi còn rất cao. Tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó để giải quyết vấn đề này và phải xây dựng được một mạng lưới phụ nữ dân tộc thiểu số trở thành những “cô đỡ” tại địa phương. Ý tưởng về mô hình “Cô đỡ thôn bản” từ đó cứ lớn dần, tôi quyết tâm theo đuổi chương trình. Năm 1992, mô hình “Cô đỡ thôn bản” được thí điểm đầu tiên tại huyện miền núi Bù Đăng, tỉnh Bình Phước”.

Một gương mặt khoa học sáng khác của ngành y, TS.BS Vương Thị Ngọc Lan cho biết: “Tôi đến với nghề như một cái duyên. Lúc còn nhỏ, vì không có người trông coi, hằng ngày phải theo mẹ đi làm ở bệnh viện, được chứng kiến công việc của mẹ và tiếp xúc với các bệnh nhân điều trị, dần dần tôi yêu nghề y từ lúc nào không biết. Mẹ là người thầy của tôi, từ bài học “vỡ lòng” với nghề được mẹ truyền dạy, hướng dẫn, đến tinh thần làm việc dấn thân, cống hiến cho nghề và cả tư duy khoa học tôi đều được học rất nhiều từ mẹ”.

Những người phụ nữ “không có gì là không thể!”

Cùng với 15 câu chuyện gắn với những khoảnh khắc bật khóc vì sung sướng của những nhà khoa học nữ, cũng là những dấu mốc lịch sử của các ngành nghề khoa học tại Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Hải Vân cho biết, để chạm đến trái tim của người xem, những hiện vật trưng bày đều là những thứ rất giản dị và gần gũi.

Khởi nguồn từ nghèo khó cho đến hôm nay, trở thành người phụ nữ được mệnh danh “Bà hoàng sơn Việt”, PGS.TS Nguyễn Thị Hoè là một điển hình “biến điều không thể thành có thể”. Người dẫn dắt tập đoàn sơn Kova, một thương hiệu Sơn Việt không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới, với PGS.TS Nguyễn Thị Hoè, niềm đam mê nghiên cứu chỉ gói gọn trong một câu: “Nghiên cứu là cuộc sống của tôi”. Bà nổi tiếng với nghiên cứu biến trấu thành sơn, sử dụng vỏ trấu, vốn là phụ phẩm sau gạo để nghiên cứu, cho ra đời dòng sản phẩm sơn Nano giải quyết được bài toán về nguồn nguyên liệu, cải thiện môi trường và tăng thu nhập cho bà con nông dân”.

Bà Hoè kể lại: “Khi đến với đồng bằng sông Cửu Long, thấy nông dân đốt trấu trên đồng ruộng, đổ ra kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường, tôi bắt đầu nuôi khát vọng làm sao để sử dụng nguồn nguyên liệu vô tận này, làm sao tách được silica từ vỏ trấu để điều chế sơn Nano thay thế cho nguyên liệu nhập ngoại tốn kém. Tôi đã nghiên cứu trong suốt nhiều năm, trải qua hàng trăm thí nghiệm. Cuối cùng, đã điều chế thành công sơn Nano từ vỏ trấu, từ đó, tôi ứng dụng sản xuất nhiều dòng sơn có tính năng độc đáo như: sơn tự làm sạch, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy và thậm chí sơn chống đạn”.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, tác giả công trình nhà sấy nông sản không dùng điện lại mang đến triển lãm một câu chuyện ngọt ngào khác. “Cứ mỗi lần kéo va li ra sân bay đi công tác, tôi lại thấy thương con sẽ phải vắng mẹ trong mấy ngày tới. Vì đặc thù công việc, tôi đi công tác nhiều lắm nhưng vẫn luôn cố sắp xếp thời gian trò chuyện với con qua Skype...”, chị tâm sự. Luôn yếu mềm khi thú nhận “phụ nữ không trút bỏ được gánh nặng gia đình”, nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ trong những nghiên cứu khoa học mà bất kỳ ai biết đến cũng phải khâm phục và ngưỡng mộ, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng đã giải quyết bài toán chế tạo nhà sấy với tính năng bảo quản nông sản sau thu hoạch phù hợp cả với điều kiện mùa mưa ở Nam Bộ...

Với PGS.TS Hà Thị Thuý, cuộc đời nghiên cứu khoa học không chỉ có màu hồng. Bà nhớ có nhiều lần gặp phải thất bại, nước mắt thấm đẫm từng công trình. Thậm chí, có nhiều lần bà đã muốn bỏ cuộc. “Sau nhiều đêm thức trắng trong phòng thí nghiệm, những ngày lăn lộn bên vườn cây ăn quả của người nông dân, tôi càng quyết tâm thực hiện nghiên cứu đến cùng để bù đắp mồ hôi, công sức đã bỏ ra. Sau gần 30 năm miệt mài nghiên cứu, tôi là tác giả và đồng tác giả của 52 giống cây, chủ yếu là cây ăn quả được áp dụng rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước”, bà Thuý kể chuyện.

Những câu chuyện đẫm nước mắt bởi niềm vui sướng, hồi hộp, và âu lo. Những người phụ nữ “một vai hai gánh” xuất hiện thật bình dị, gần gũi nhưng đã chinh phục trọn vẹn trái tim người xem. “Bà mẹ lúa”, GS.TS Nguyễn Thị Lang khi thực hiện đề tài “Hoàn thiện bản đồ gen cho cây lúa” chia sẻ, đó cũng là thời gian bà sinh đứa con thứ hai. Nhưng không để đề tài nghiên cứu bị đứt đoạn, mặc dù chồng can ngăn nhưng bà Lang vẫn quyết định mang con sang Philippines vừa chăm con, vừa nghiên cứu. “Tôi tìm nhà ở gần nơi làm việc và thuê người trông con. Hằng ngày tôi phải chạy đi chạy lại từ 4-5 lần để cho con bú. Đêm đêm, khi con ngủ say , tôi lại thức đến 2-3 giờ sáng làm việc. Cứ thế, trong 3 năm ròng tôi đã hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu, và con tôi đã lớn”.

Trong suốt những tháng năm nghiên cứu vất vả, “Bà mẹ lúa” đã gắn bó với nhiều vùng đất bằng những giống lúa mới. Trong đó có Bạc Liêu, nơi nông dân bỏ hết ruộng để nuôi tôm mà cuộc sống vẫn bấp bênh cực khổ. Bà nghiên cứu chất đất rồi trồng thử nghiệm giống lúa OM4900, kết quả cho năng suất 5 tấn/ha. “Từ đó tôi quyết tâm thuyết phục nông dân bỏ tôm trồng lúa. Ban đầu người dân khóa cửa không cho tôi vào. Tôi cứ ngồi ngoài nhất quyết không chịu về, cuối cùng họ đã chịu cho gặp”, bà nhớ lại. Sau đó, bà mang lúa xuống phát tận nơi, hướng dẫn gieo trồng. Ở Bạc Liêu giờ đây giống lúa này đã phủ 50% diện tích gieo trồng trong tỉnh.

“Họ là những người phụ nữ thực sự say mê khoa học, nghiên cứu khoa học và có những đóng góp tuyệt vời cho cộng đồng. Toàn bộ triển lãm đều nói lên thành quả đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc Trung tâm di sản các nhà khoa học) chia sẻ. 

 BẢO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top