Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chuyện lạ có thật của "Làng" Nhiếp Ảnh: Chưa cầm máy ngày nào mà cũng... phê bình

Thứ Sáu 28/12/2018 | 10:29 GMT+7

VHO- Thực tế cho thấy, công tác nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh ở nước ta còn rất thiếu và yếu. Nói như NSNA Nguyễn Đức Căn, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Xứ Đoài, có những nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh nhưng không biết gì về máy ảnh, và cũng chưa có bất kỳ một tác phẩm ảnh nào.

 Tác phẩm “Tiễn các con bộ đội ra chiến trường” tại triển lãm “Những bức ảnh đi cùng năm tháng” mang đến cho người xem những tư liệu lịch sử và nghệ thuật nhiếp ảnh vô cùng quý giá

 Vậy thì làm sao có được những bài phê bình nhiếp ảnh tốt và chuẩn được?

Yếu và chưa chuẩn

Tại một cuộc tọa đàm mới đây, câu chuyện về lý luận phê bình nhiếp ảnh lại được đưa ra “mổ xẻ” khá kỹ. Bởi ai cũng thấy, nhiếp ảnh thời hiện tại vô cùng rộng lớn, quá trình từ cái tôi người nghệ sĩ đến hình thành một tác phẩm ảnh nghệ thuật làm rung động trái tim nhiều người, đem đến những xúc cảm thẩm mỹ tích cực, nhân văn và để tỏa sáng, thăng hoa ởcác cuộc thi, diễn đàn… là cả một chặng đường dài không hề đơn giản.

Theo NSNA Đức Căn, nhiếp ảnh là thực tế, là khoảnh khắc, nó khác hội họa ởchỗ, một bức tranh có thể vẽ trong hàng năm, hàng tháng, thậm chí cả đời, nhưng sản phẩm nhiếp ảnh được thực hiện trong 1/1000 giây. Chỉ trong chớp mắt ấy thôi, bao nhiêu tư duy và tích lũy hội tụ tại một mặt phẳng khuôn hình. Hiện nay, trên thực tế, ranh giới giữa các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư cũng không xa. Có thể chỉ là một người “chơi ảnh” bình thường nhưng trong một giây lát nào đó, họ may mắn, xuất thần chụp được một bức ảnh có giá trị về nghệ thuật khiến nhiều nhiếp ảnh gia có thâm niên phải ghen tỵ.

Vì thế, để dẫn đường cho công chúng trong việc tiếp nhận nghệ thuật nhiếp ảnh, đồng thời tạo nên sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh thì cần thiết phải có một đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình nhiếp ảnh giỏi, có kiến thức rộng về nhiếp ảnh, có sự nhạy cảm nghệ thuật, có tư duy khái quát... Lý luận phê bình nhiếp ảnh bao hàm công tác lý luận nhiếp ảnh và công tác phê bình nhiếp ảnh. Người làm lý luận nhiếp ảnh thì khái quát những thành tựu của sáng tác và phê bình thành những quy luật, những phạm trù, khái niệm, thuật ngữ... Người làm phê bình nhiếp ảnh thì thì ứng dụng những công cụ lý luận để định hướng, dẫn đường cho người tiếp nhận nghệ thuật nhiếp ảnh phổ thông…

Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN cũng phải thừa nhận, công tác lý luận phê bình nhiếp ảnh hiện nay ở nước ta là yếu và chưa thật chuẩn. Vì có những tác giả viết phê bình nhưng lại chưa hiểu rõ tác giả cũng như tác phẩm mà mình đang phê bình nên khi viết chưa thật sự đem lại thông tin tốt cho công chúng. Chính sự yếu kém của mảng lý luận phê bình đã dẫn đến hình ảnh không đẹp khi nhắc đến những tranh cãi căng thẳng sau mỗi cuộc thi, xét giải thưởng. Nguyên nhân dễ nhìn thấy nhất là sự phân định không rõ ràng của các thể loại nhiếp ảnh.

"Xin lỗi tôi phải nói ra điều này..."

Nhiếp ảnh gia Quang Phùng nhìn nhận, làm công tác lý luận phê bình nhiếp ảnh rất khó vì nhiếp ảnh mang tính cá nhân. Ý tưởng là cá nhân, góc chụp cũng cá nhân vậy làm sao con mắt của những nhà phê bình nhiếp ảnh có thể chen vào được. “Tôi khẳng định, nhiếp ảnh hiện nay không có lý luận. Tôi làm nghề thì tôi cần chuyên nghiệp, máy móc chuyên nghiệp, ý tưởng chuyên nghiệp theo từng chủ đề. Nghệ thuật phải có bài bản, ánh sáng, bố cục đều do mỗi nghệ sĩ lựa chọn nên lý luận làm sao có “cửa”, nghệ sĩ Quang Phùng nói.

“Tôi phải xin lỗi khi nói điều này. Hiện nay tôi biết có những người đi học đại học ra làm công tác lý luận phê bình nhiếp ảnh nhưng lại chưa có ngày nào cầm máy ảnh đi chụp. Bởi vậy, họ không thể hiểu hết được một nghệ sĩ nhiếp ảnh muốn có được một tác phẩm chất lượng với giải thưởng vài triệu đồng, thì bản thân người đó đã phải bỏ ra vài chục triệu đồng, đổ cả mồ hôi, nước mắt mới có được tác phẩm nên họ rất thấm thía và hiểu rất sâu về ảnh hơn tất cả những ai chỉ học qua ở trường và viết được vài bài báo mà đã coi mình là nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh”, NSNA Đức Căn chia sẻ.

Chúng ta chưa có những nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh chuyên nghiệp thực thụ đúng với yêu cầu và chất lượng công việc. Đa phần họ đều là nhà báo, nhà nhiếp ảnh. Con đường đến với lý luận phê bình nhiếp ảnh của họ đều là tự mầy mò, viết nhiều thành quen chứ không có trường lớp chính quy, chương trình đào tạo, công trình khoa học nào về lĩnh vực này. Vì thế, theo nhà nhiếp ảnh Quang Phùng, muốn lý luận phê bình nhiếp ảnh tốt thì phải học cơ bản giống như học cơ bản của hội họa, âm nhạc, có công thức, lý luận riêng của nó. Tuy nhiên, trước tiên mỗi nhà nhiếp ảnh nên là người giữ thành đừng để cái xấu lọt vào lưới của mình. Đấy là mục tiêu. “Tôi chụp ảnh muốn là phơi cái xấu của Hà Nội ra để mong nó tốt hơn. Mỗi người có một phương châm hành động hay nói cách khác là tôn chỉ mục đích riêng”, nhiếp ảnh gia Quang Phùng nhấn mạnh.

“Một nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh tốt phải là một người viết tốt, tổng hợp được những vấn đề liên quan đến chuyên môn, đồng thời phải là một nhà sáng tác thì mới có thể viết sâu, đánh giá chính xác mỗi tác phẩm. Vì thế, để đạt được những tiêu chí này, công tác lý luận phê bình nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN nói chung và Ban lý luận phê bình của Hội nói riêng đều đang gặp những khó khăn, lúng túng, bởi mỗi nhà lý luận phê bình đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng”, ông Vũ Quốc Khánh cho biết.

 Tôi phải xin lỗi khi nói điều này. Hiện nay tôi biết có những người học đại học ra làm công tác lý luận phê bình nhiếp ảnh nhưng lại chưa có ngày nào cầm máy ảnh đi chụp. Bởi vậy, họ không thể hiểu hết được một nghệ sĩ nhiếp ảnh...

(NSNA Đức Căn)

 

MINH HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top