Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Những vở kịch từng gây bão dưới sân khấu được công diễn tại Quảng Ngãi

Thứ Ba 23/10/2018 | 17:51 GMT+7

VHO- Những đạo diễn lừng danh trong lĩnh vực nghệ thuật tuồng, chèo đang quy tụ tại Quảng Ngãi để dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc. Các đạo diễn mang về những vở chèo từng gây bão dưới sân khấu nhiều chục năm trước. 

 Các diễn diên Nhà hát tuồng Đào Tấn đang diễn vở Chàng Lía

Liên hoan được tổ chức từ ngày 20 đến 28 tháng 10 tại Nhà Văn hóa Lao Động tỉnh Quảng Ngãi. Tối 21 – 10, một vở kịch mà những người yêu tuồng chèo mong chờ đã lâu được Nhà hát tuồng Đào Tấn tỉnh Bình Định biểu diễn, đó là vở “Chàng Lía” – người thủ lĩnh nông dân áo vải sống ở khoảng giữa thế kỷ 18 ở Đàng Trong, do chính quyền suy yếu nên nạn mua quan bán chức lan tràn, có nơi 1 xã nhưng có tới 20 quan lý trưởng. Vì nuôi chí lớn nên Lía đã thu phục đám thảo khấu ở Truông Mây để làm căn cứ, kêu gọi nhân dân dấy binh đánh đổ bọn cường hào, ác bá, tiêu diệt bọn tham quan ô lại đang hà hiếp dân lành bằng sưu cao, thuế nặng.
Tác giả kịch bản là Đoàn Thanh Tâm, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hoài Huệ làm đạo diễn. Nội dung vở tuồng hấp dẫn, xúc động và nếu soi chiếu với bối cảnh xã hội hiện tại thì vẫn luôn có giá trị nóng hổi. Vị quan Tuần phủ thành Quy Nhơn trong vở tuồng hiện ra là một người xa dân, cậy thế ngồi trên ra sức vơ vét của cải, ăn ngon mặc đẹp, bày mưu tính kế để bòn rút của cải với lòng tham vô đáy. Trong dân gian còn lưu lại câu ca về người anh hùng áo vải này: “Chiều chiều én liệng Truông Mây/Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành”.
Đạo diễn - NSND Hoài Huệ từng chia sẻ với báo chí về cuộc khởi nghĩa Truông Mây được dựng thành kịch bản và công diễn, nhưng trước đây vẫn bị lo ngại vì nhân vật chàng Lía, người đã cắt máu ăn thế với các nghĩa sĩ, nhưng cuối cùng bị thất bại bởi kế nội gián của một người phụ nữ đẹp vốn là vợ của cựu thù nhưng trà trộn, thay đổi danh phận.  

Các loại nhạc cụ cổ truyền tạo thành giàn giao hưởng mang âm sắc Việt

Nhiều chục năm trước, khi Nhà hát tuồng Đào Tấn về các địa phương thì đó là những đêm bán cháy vé và khán giả mang theo cơm nắm đến sân giành chỗ ngồi từ mờ tối. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, lượng khán giả xem tuồng chèo không còn nhiều, đa phần là những người lớn tuổi từng xem tuồng chèo vừa là món ăn tinh thần đặc sắc, vừa đồng thời gợi lại ký ức về một thời đã qua. 
Hình ảnh thú vị trong liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc, đó là “giàn hợp xướng” của các nhạc sĩ dưới sân khấu. Để phụ họa cho các tiết mục, hàng chục nhạc sĩ đã sử dụng nhiều loại nhạc cụ cổ truyền, tạo ra những âm thanh mang đậm chất Việt, đó là sáo, kèn, tử phách, trống cơm, trống đế, mõ, sinh tiền, đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn hồ, đàn tam, tiêu… m thanh của các loại nhạc cụ này được hòa trong tiếng hát và bối cảnh diễn ra trên sân khấu đã khiến người xem cảm nhận được khung cảnh làng quê và người nông dân Việt Nam trong quá khứ vừa phải tần tảo trên cánh đồng, con trâu, luôn tôn vinh cái đẹp, sự thuần khiết và đặc biệt lúc giang sơn nguy biến thì họ tụ nghĩa dưới cờ đào để đánh đổ cái ác, chống giặc ngoại xâm.
Trong kỳ liên hoan này, 11 đơn vị nghệ thuật trong cả nước đã mang về 15 vở diễn, mỗi vở diễn có dung lượng dài từ 80 đến 120 phút, trong đó có nhiều vở tuồng hay như “Rực lửa Hoàng Cung; Sơn Hậu” của Nhà hát tuồng Hiển Dĩnh đến từ Đà Nẵng, “Những người mẹ” của Thừa Thiên Huế; Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi và hát hố Quảng Ngãi với vở “Núi rừng năm ấy”...Buổi biểu diễn cuối cùng sẽ tổ chức phục vụ cho nhân dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo Lý Sơn. 
Ông Hải, một khán giả (62 tuổi) vốn yêu tuồng chèo nhận xét, nếu lớp trẻ xem những vở tuồng dài này thay vì suốt ngày nghe rốc ráp thì tính cách có thể sẽ đằm xuống, nội tâm sẽ sâu sắc hơn. Bởi vì ý tứ, câu từ trong các vở tuồng được thể hiện rất sâu xa, làm cho con người nghĩa hiệp và sống cao thượng. 
BOX:
Phát biểu tại lễ khai mạc tối 20-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng khẳng định: Việc Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam chọn tỉnh Quảng Ngãi đăng cai tổ chức Liên hoan là cơ hội tốt để các cấp, các ngành và giới văn nghệ sỹ tỉnh Quảng Ngãi quan tâm nhiều hơn đến việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, trong đó có Tuồng, Bài Chòi, Dân ca kịch.
                                                         

 LÊ VĂN CHƯƠNG

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top