Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Chạy xe ôm, chặt mía thuê… say mê cải lương

Thứ Tư 14/11/2018 | 09:10 GMT+7

VHO- Không một chút ồn ào bằng những xì-căng-đan của thí sinh hay tranh cãi từ Ban giám khảo như nhiều gameshow truyền hình, cuộc thi về đờn ca tài tử, vọng cổ cứ âm thầm thu hút khán giả mộ điệu gần xa. Đó là các thí sinh của “Bông lúa vàng”; “Chuông vàng vọng cổ”; “Tài tử miệt vườn”... với giọng tài tử bước ra từ miệt vườn, đồng ruộng, thôn quê. Vì yêu, vì đam mê với đờn ca tài tử, cải lương mà “bất chấp” để được ca, hát.

Cậu bé Thanh Tứ khiến người xem, nghe say đắm

 Trong đó phải kể đến những cuộc thi có “tuổi đời” rất lâu như “Bông lúa vàng” với hơn 20 năm qua nhưng chưa khi nào hạ nhiệt. Cả người chơi và người ngồi nghe, xem cùng một mục đích chân thành là vì đam mê. Từ các vùng thôn quê đến hội trường nhà hát đều có rất đông các fan trung thành của cải lương, đờn ca tài tử. 
Từ ăn tạm ổ bánh mì…
Ở “Bông lúa vàng” do Đài TNND TP.HCM tổ chức có thể bắt gặp những tài tử nông dân “chính hiệu”. Từ người bán hủ tiếu, bán vé số, chạy xe ôm, làm công nhân đến giáo viên, công nhân viên..., họ không ngại khó, không sợ khổ, chỉ cần thỏa đam mê đứng trên sân khấu với tâm niệm một lần được hát cho bà con, khán giả nghe là thích rồi. 
NSƯT Kim Tử Long, giám khảo của cuộc thi “Bông lúa vàng” cho biết, anh đã rất xúc động khi gặp một chị nông dân dù cuộc sống vất vả, ăn không đủ nhưng vẫn chắt chiu từng đồng mua vé xe lên TP.HCM để thi hát. Đó là chị Võ Thị Hường ở Long An. Chị đi chặt mía thuê từ 9h tối đến 4h sáng, chỉ dám ăn tạm ổ bánh mì không lót dạ để chờ đến lượt hát. “Bản thân cũng không thể giải thích được rằng, vì sao cuộc sống nghèo khó đang đeo bám chị như thế mà chị vẫn một mực đăng ký và hát cho bằng được. Tình yêu và đam mê của chị Hường dành cho vọng cổ, cho cuộc thi có giá trị hơn nhiều so với giọng hát. Chính vì vậy mà chị được giám khảo NSND Bạch Tuyết đặc cách vào hẳn vòng trong”, NSƯT Kim Tử Long chia sẻ. 
Hay ở “Tài tử miệt vườn” do Đài TH Đồng Tháp tổ chức cũng thu hút không ít sự quan tâm của khán giả xem truyền hình. Thậm chí, nhiều tiết mục của thí sinh được phát trên Youtube nhanh chóng đạt top trending trên mạng với gần chục triệu lượt xem, nghe và bình luận. Một con số mà nhiều nghệ sĩ cải lương, đờn ca tài tử chuyên nghiệp phải mơ ước. Đờn ca tài tử luôn có sức sống rất riêng, len lỏi khắp nơi từ vùng quê đến thành thị. Đó là tín hiệu đáng mừng cho việc gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. 

 Chị Chiệp bán vé số trong một lần tham gia “Tài tử miệt vườn”

… đến hàng triệu lượt xem!
Trong cuộc thi “Tài tử miệt vườn”, khán giả bắt gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng chung một niềm đam mê với đờn ca tài tử, cải lương. Đó là chị bán vé số Nguyễn Thị Chiệp, lấy nghề bán vé số mưu sinh cùng tiếng hát của âm điệu ngũ cung hò xang xê cống. Cứ 5h sáng chị Chiệp lại đón xe từ Tân Hồng xuống TP Cao Lãnh mưu sinh. Các con đường nội, ngoại ô nơi chị đi qua đều để lại những lời ca tài tử chân phương, ngọt ngào. Bài hát đơn giản như Văn thiên tường lớp dựng trích trong tuồng Đêm lạnh chùa hoang, hay 12 câu Phụng hoàng trong Nửa đời hương phấn rồi Tần Quỳnh khóc bạn hoặc Hàn Mặc Tử... Đây là những bài “ruột” của dân đờn ca tài tử chị đều thuộc hết.
Gây ấn tượng bởi sự chân chất, mộc mạc và giọng ca đậm chất miệt vườn, phần dự thi của chị Chiệp bán vé số đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Ban giám khảo và khán giả theo dõi chương trình. Trên kênh Youtube, đã có gần 4 triệu lượt xem và hơn 500 bình luận tỏ ra thích thú trước phần thi này. Ngoài ra, clip này đã vào top 40 clip được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam sau hai ngày lên sóng. NS Thanh Hằng, giám khảo chương trình nhận xét: “Chị không phải là nghệ sĩ mà tinh thần chị rất là nghệ sĩ. Tôi rất là trân trọng tình cảm của chị dành cho chương trình, dành cho tài tử miệt vườn, hy vọng chị sẽ tiếp tục gắn bó với tiếng đờn lời ca, yêu lắm”.
Còn cậu bé Nguyễn Thanh Tứ đến từ tỉnh Hậu Giang vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống về đờn ca tài tử nên với thể điệu Xuân tình cậu bé 10 tuổi nhanh chóng chinh phục được cảm tình của ba vị giám khảo. Clip dự thi của cậu cán mức 3,5 triệu lượt xem trên kênh Youtube chỉ sau ít ngày phát sóng, kèm theo đó là hơn 400 bình luận của người xem về phần thi ngọt ngào, tự tin của cậu nhỏ lém lỉnh trên sân khấu lớn. 
Đờn ca tài tử, cải lương vốn từ trong dân dã nay được gìn giữ và phát huy ngày càng sâu rộng. Tình yêu, niềm đam mê, sự chân chất của những con người dân quê đang khẳng định sức sống mãnh liệt của Đờn ca tài tử...

Bản thân cũng không thể giải thích được rằng, vì sao cuộc sống nghèo khó đang đeo bám chị như thế mà chị vẫn một mực đăng ký và hát cho bằng được. Tình yêu và đam mê của chị Hường dành cho vọng cổ, cho cuộc thi có giá trị hơn nhiều so với giọng hát. Chính vì vậy mà chị được giám khảo NSND Bạch Tuyết đặc cách vào hẳn vòng trong. 

(NSƯT Kim Tử Long)

 MAI LINH

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top