Chấm kịch bản sân khấu về thủ đô: Ban giám khảo theo kiểu... “mặt trận”

VHO- Hàng chục nhà viết kịch đã tới dự lễ phát động sáng tác kịch bản sân khấu với hy vọng sẽ có thêm những kịch bản hay về Hà Nội. Tuy nhiên, điểm mặt những vị giám khảo dự kiến sẽ tham gia “cầm cân” thì không ít người tỏ ra băn khoăn về sự khách quan cũng như trình độ…

Chấm kịch bản sân khấu về thủ đô: Ban giám khảo theo kiểu... “mặt trận” - Anh 1

 Cuộc thi diễn ra từ nay đến hết tháng 8.2019 và dành cho các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ của Thủ đô với nhiều hình thức, thể loại gồm tuồng, chèo, cải lương, kịch, múa rối. Các tác phẩm dự thi có nội dung về lịch sử, cách mạng và đương thời. Đặc biệt hướng tới những gương điển hình, mô hình lao động, sản xuất mới; xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch và phê phán thói hư tật xấu, tiêu cực cản trở sự phát triển của Thủ đô. Trưởng ban Giám khảo là nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó ban Giám khảo là nhà nhiếp ảnh Đặng Đình An và 8 thành viên giám khảo là chủ tịch của 8 hội thuộc Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.

Nhìn nhận về thể lệ cuộc thi, nhà viết kịch Chu Thơm chia sẻ: “Chúng tôi mong chờ những cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu về Hà Nội như thế này từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, nhìn vào những tên tuổi giám khảo sẽ ở ban giám khảo thì chúng tôi đều có chung nỗi băn khoăn, liệu người chấm có đủ trình độ chấm kịch bản sân khấu không khi mà trong số họ có người là nhà nhiếp ảnh, nghệ sĩ múa lại đi chấm kịch bản sân khấu? Điều này khiến chúng tôi khó có thể yên tâm gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình sẽ được chấm khách quan”.

Nhìn nhận về vấn đề này, nữ tác giả Thanh Liễu cho rằng nên để người ở trong lĩnh vực nào thì chấm lĩnh vực đấy chứ không nên để các vị lãnh đạo các hội có mặt theo kiểu “mặt trận” như dự định của Ban tổ chức.

Nhà viết kịch Nguyễn Hiếu cho biết ông vào Hội Nhà văn Hà Nội từ năm 1984, vào Hội Sân khấu Hà Nội từ năm 2009, nhưng đây là lần đầu tiên mới thấy Hội Sân khấu Hà Nội phát động một cuộc thi sáng tác kịch bản. “Thật đau lòng là tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2018 tuy mang danh là liên hoan do Hà Nội tổ chức nhưng không có mấy vở dựng kịch bản về đề tài Hà Nội, đa phần là vở dựng lại kịch bản cũ. Chúng tôi rất mong Ban giám khảo của cuộc thi này sẽ đổi mới tư duy chấm giải, biết chấp nhận cổ vũ cho những sáng tạo, tìm tòi mới. Giám khảo đổi mới tư duy đã cần mà bản thân các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật sân khấu có chấp nhận thay đổi, nếu không sân khấu Thủ đô vẫn tiếp tục dựng những kịch bản rất mòn, rất cũ…”, tác giả Nguyễn Hiếu cho biết thêm.

Nhà viết kịch Giang Phong chỉ ra một thực tế khác: “Nhiều tác giả có vở hay, táo bạo, đề cập những vấn đề nổi cộm trong xã hội hôm nay, nhưng khi mang đến các đơn vị nghệ thuật thì bị trả lại. Họ sợ vở gai góc…”.

Thẳng thắn mà nhìn nhận, việc khan hiếm kịch bản hay về đề tài Hà Nội nói riêng, kịch bản sân khấu hay nói chung có cả nguyên nhân từ việc lựa chọn kịch bản dàn dựng của các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cho đến chính bản thân các tác giả vẫn chưa cho “ra lò” những tác phẩm hay, hấp dẫn, để khiến các nhà hát, các đơn vị phải tìm mọi cách để dàn dựng… Rõ ràng sân khấu hiện nay đang thiếu một Lưu Quang Vũ, người viết kịch bản thời sự, có tính dự báo cao. Từ những ý kiến của chính những người trong cuộc, đặc biệt là các tác giả, thiết nghĩ Ban tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu nói riêng, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nói chung cũng cần có sự điều chỉnh để làm sao khi đọc tên các vị giám khảo, những người tham gia dự giải sẽ cảm thấy yên tâm khi vị giám khảo đó am hiểu rất sâu về lĩnh vực của họ. 

THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc