Liên hoan Múa rối ASEAN 2017: Rối Việt Nam và sự nỗ lực tìm kiếm thị trường biểu diễn

VH- Trong đêm bế mạc Liên hoan Múa rối ASEAN 2017 tối 14.10 tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, khán giả và các nghệ sĩ múa rối ASEAN đã cùng được trải nghiệm một sự kết hợp đầy thú vị giữa loại hình nghệ thuật múa rối đa dạng của các nền nghệ thuật rối ASEAN như rối bóng Campuchia, rối dây của Thái Lan, rối tay của Philippines với loại hình nghệ thuật múa rối nước độc đáo, được coi là “đặc sản” riêng của người Việt Nam.

Trong 5 ngày diễn ra Liên hoan với sự tập luyện và phối hợp ăn ý, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng và 34 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN: Campuchia, Brunei, Myanmar, Thái Lan, Lào, Singapore, Philippines, Indonesia, Việt Nam và những nghệ sĩ múa rối Nhật Bản (khách mời của liên hoan) đã cống hiến cho khán giả một chương trình nghệ thuật đầy thú vị và bất ngờ. Khó có ai có thể nghĩ nghệ sĩ rối bóng Campuchia lại có thể đùa vui bên những chú rùa hay chú rối que của Philippines lại thò tay để bắt được chú cá trong hồ nước...
Nghệ sĩ Paskorn Sun Thornmonkol của Đoàn rối Hunchangforn (Thái Lan) chia sẻ: “Những người làm nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp quốc tế đều dành cho nghệ thuật múa rối Việt Nam sự ngưỡng mộ đặc biệt. Đó là lý do chúng tôi vô cùng hào hứng khi đạo diễn Việt Nam xử lý cho nghệ sĩ chúng tôi được lội nước và diễn với các nghệ sĩ Việt Nam. Trên mặt nước những con rối của chúng tôi trở nên kì ảo và hấp dẫn lên rất nhiều. Cuộc chơi đầy sáng tạo này càng làm cho chúng tôi khâm phục hơn cách dàn dựng và biểu diễn của nghệ sĩ Việt Nam. Tính chuyên nghiệp của các bạn Việt Nam thể hiện rất rõ ở sự phối hợp biểu diễn tập thể. Hơn thế, nghệ sĩ Việt Nam cũng đã rất năng động khi thực hiện điều khiển được đủ các thể loại rối từ rối nước cho tới nhiều thể loại rối cạn như rối dây, rối tay, rối bóng...”.
Trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam được các đồng nghiệp đánh giá rất cao về những bứt phá gần đây từ cách dàn dựng chương trình, tiết mục cho tới trình độ biểu diễn. Đó là lý do mà Hiệp hội Múa rối ASEAN đã quyết định 2 năm gần đây lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Liên hoan thường niên. Bà Ngô Thanh Thuỷ, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia Hiệp hội Múa rối ASEAN. Năm nào, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng tham gia Liên hoan múa rối ASEAN ở bất kì quốc gia nào trong cộng đồng ASEAN. Chúng tôi muốn các nghệ sĩ của mình thử lửa và có những trải nghiệm mới. Và nghệ sĩ Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm kỹ thuật biểu diễn và dàn dựng cho các đồng nghiệp bạn. Sự hội nhập này giúp cho các đạo diễn, nghệ sĩ múa rối Việt Nam có thêm những kiến thức về múa rối, đồng thời đây cũng là dịp để nhà hát mở rộng thị trường biểu diễn”.

Liên hoan Múa rối ASEAN 2017: Rối Việt Nam và sự nỗ lực tìm kiếm thị trường biểu diễn - Anh 1

 

Các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam trên sân khấu múa rối nước Việt Nam

Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam nhận định: “Khi tham gia biểu diễn ở các quốc gia như Thái Lan, Indonesia... chúng tôi thấy nền nghệ thuật của họ phát triển mạnh bởi bộ môn múa rối được người dân nước họ rất ưa chuộng. Ngay cả khi đặt chân tới sân bay của nước bạn thôi cũng đã bắt gặp những hình ảnh quảng bá cho nghệ thuật múa rối ở khắp mọi nơi. Điều này khiến chúng tôi rất trăn trở khi mà múa rối vẫn chỉ là món đặc sản đối với khách quốc tế. Thi thoảng những dịp rằm trung thu, tết thiếu nhi thì mới có những suất diễn phục vụ đối tượng khán giả trong nước, chủ yếu là khán giả thiếu nhi. Đào tạo khán giả trẻ cho nghệ thuật múa rối đang là một trong những bước đi mà chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu bằng mọi cách”.
Trong khuôn khổ Liên hoan Múa rối ASEAN 2017, Hiệp hội Múa rối ASEAN đã phối hợp thực hiện dự án Puppets & Passages đào tạo giúp một số học sinh của Việt Nam tiếp cận với nghệ thuật múa rối.
 Một nhóm nghệ sĩ quốc tế do Hiệp hội tuyển chọn từ các nước Singapore, Malaysia, Campuchia, Thái Lan đã trực tiếp tới trường THCS và THPT M.V Lômônôxốp để dạy cho học sinh cách tạo hình và điều khiển các con rối. Cô Nguyễn Tuyết Mai, giáo viên ngoại ngữ của Trường Lômônôxốp cho biết: “Nhà trường đã lựa chọn 45 học sinh từ khối lớp 6 đến khối lớp 12 để tham gia dự án. Không chỉ các em mà giáo viên chúng tôi cũng thấy rất hào hứng với việc có thể tự thiết kế con rối và biểu diễn. Chúng tôi rất mong các cơ quan có trách nhiệm của ngành nghệ thuật sẽ có sự bắt tay vào cuộc với ngành giáo dục để tạo nên những dự án đầy ý nghĩa giáo dục như thế này. Tôi tin chắc rằng nếu cứ luôn được tiếp xúc với loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối thì sẽ có nhiều em đi theo con đường làm nghệ thuật”.
Hội nhập để tìm cho mình phong cách riêng, một bản sắc riêng mới tạo được dấu ấn với khán giả. Sự “được mùa” xuất ngoại mỗi năm tới cả chục chuyến lưu diễn khắp các khu vực trên thế giới đã cho thấy phần nào những nỗ lực của ngành múa rối Việt Nam. Và điều đáng ghi nhận hơn là trong những kịch mục biểu diễn cho khán giả quốc tế không chỉ có múa rối nước mà có sự góp mặt của những chương trình rối cạn hay, có chất lượng.


Đào Anh

Ý kiến bạn đọc