Áo dài cách tân – con sóng dữ dội gây hoang mang

Áo dài cách tân – con sóng dữ dội gây hoang mang

VH- Nhớ thời thập niên 80, tấm áo dài Việt gần như bị lãng quên, và đến thập niên 90, cùng với sự phát triển bùng nổ của kinh tế, thói sính hàng ngoại, thời trang ngoại, chúng ta đã phải lên tiếng kêu gọi khôi phục tấm áo dài, thói quen mặc áo dài trong đời sống.

Nhiều nhà thiết kế vào cuộc, áo dài được đưa lên sàn catwalk, các phương tiện truyền thông, và dần đi vào đời sống một cách nhẹ nhàng. Hai năm trở lại đây, áo dài bỗng ào ạt tới như một làn sóng mạnh mẽ, có mặt khắp nơi trong cuộc sống hiện đại với hình hài biến đổi táo tợn. Và dĩ nhiên, nhiều người đã lên tiếng phản đối sự trở lại như vũ bão của áo dài, bởi nó không giống với truyền thống và tính cách duyên dáng, dịu ngọt của áo dài Việt xưa. 
Con gái tôi, năm nay đã hai mươi hai tuổi nhưng mới chỉ có một lần mặc áo dài trong sự kiện cháu tốt nghiệp THPT và cần chụp ảnh kỷ yếu. Lần ấy, cách nay 5 năm, tôi phải dẫn cháu đi thuê áo dài truyền thống. Cháu mặc một lần rồi sau đó chưa bao giờ mặc áo dài nữa, bởi cho rằng mặc áo dài vướng víu và bất tiện, chỉ có thể làm “bình hoa di động” được thôi, chứ trong sinh hoạt thường ngày thì bó tay. Nếu ai cũng như con gái tôi, thì có lẽ áo dài đành lâm cảnh ngậm ngùi.
Thế mà trong hai năm nay, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, áo dài nở như bươm bướm. Các bạn trẻ, kể cả tuổi teen, đều háo hức với việc diện áo dài ra phố, đi chơi, ngắm cảnh, đi dự tiệc, chơi với bạn, người yêu… Khơi nguồn cho làn sóng bạn trẻ chịu mặc áo dài, thích áo dài tới lúc đua nhau mặc áo dài là kể từ mùa thu năm 2015, khi chiếc áo dài được cách tân cho dáng áo rộng thoải mái hơn, tà áo ngắn đi, chỉ vừa qua gối, quần thì thoải mái luôn, không cần quần đóng bộ với áo dài nữa, mà thậm chí có thể là quần ống côn, quần jeans đi cùng chiếc áo dài cách tân. Điển hình là chiếc áo dài với họa tiết công (y chang vải vỏ chăn con công đỏ thời bao cấp), họa tiết phượng, họa tiết hoa cúc… đã tạo nên một trào lưu mặc áo dài công xanh, công đỏ Tết Nguyên đán 2016. Người mặc không bị bó cứng trong tấm áo dài thắt eo bó ngực chặt như trước, mà thấy thoải mái trong tấm áo dài suôn rộng, đi lại, sinh hoạt bình thường, nên sự tiện lợi đó khiến người ta không ngại mặc áo dài nữa.
Khi đã thấy thoải mái rồi, mặc được rồi thì bạn trẻ muốn sáng tạo, muốn khác đi. Bản chất của tuổi trẻ là chuộng lạ. Các bạn trẻ khi đã mặc áo dài, thì muốn chiếc áo dài của họ phải khác, phải mới, và để thể hiện sự tự do, táo bạo, thậm chí táo tợn của mình, họ tìm cách cắt ngắn hơn tà áo dài, xén cụt tay, bỏ hẳn cái cổ cao, khoét cổ tròn hoặc cổ thuyền, cổ sâu, thậm chí bỏ luôn cả cổ và tay áo khiến nó trông như một chiếc robe trần vai khá dị. Và trào lưu áo dài cách tân mặc với váy đụp, váy xòe, quần côn, quần lửng gấu lơ – vê đã trở thành một làn sóng dữ dội vào dịp Tết Nguyên đán 2017. Có thể nói ra đường là va phải áo dài. Tới cơ quan là đụng áo dài. Dự sự kiện thì càng thấy nhiều áo dài hơn nữa. Đi ra các khu vực danh lam thắng cảnh thì nhan nhản áo dài khoe sắc thắm, át cả hoa cỏ mùa xuân. Mỗi bạn trẻ đều sở hữu từ một tới 5 chiếc áo dài cách tân với màu sắc đa dạng, đổi kiểu khác nhau, cứ lên facebook là thấy áo dài, cứ nhắn nhe nhau đi vãn cảnh, đi chơi là chua thêm câu “nhớ mặc áo dài đấy nhé”. Áo dài lên ngôi, sức sống ngời ngời mãnh liệt chưa từng có như thế bao giờ.
Tuy nhiên, khi thấy làn sóng áo dài cách tân nổi lên quá mạnh mẽ, thì dư luận lại tỏ ra e ngại. Có một số ý kiến trên các phương tiện truyền thông phản đối sự cách tân tùy tiện đối với áo dài. Dư luận lo ngại rằng, sự cách tân với sự hưởng ứng quá nhiệt tình của bạn trẻ sẽ khiến áo dài truyền thống bị lui vào dĩ vãng, biến mất và sau này chỉ còn áo dài cách tân thôi thì hỏng mất! Văn hóa mặc truyền thống của chúng ta e rằng đang bị sự ngoại lai Tàu, Ấn làm cho vẩn đục, lụi tàn.
Các nhà thiết kế danh tiếng, từng có nhiều bộ sưu tập áo dài được trình diễn trong và ngoài nước đa phần cũng không ủng hộ làn sóng áo dài cách tân dữ dội này. Nhà thiết kế Lan Hương lo ngại: “Tôi thấy kiểu áo dài này phản cảm, nhưng các bạn trẻ mặc nhiều tới nỗi khiến tôi hoang mang. Tôi cho rằng đó không phải là áo dài, nhất là khi tuỳ tiện kết hợp nó với váy đụp. Váy đụp các cụ xưa chỉ mặc với áo cánh và yếm thôi. Quần shorts và váy ngắn càng không thể kết hợp với áo dài. Không biết sự cách tân áo dài này sinh ra từ đâu, nhưng các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh và định hướng, thậm chí đưa ra quy chuẩn cho trang phục áo dài. Tuy thời trang thì không có giới hạn, nhưng cũng không thể tuỳ tiện lấy cái gốc là trang phục truyền thống ra để đặt tên cho các thể loại khác và nói là cách tân áo dài”.
Đồng tình với nhà thiết kế Lan Hương, nhà thiết kế Xuân Thu cũng nhận định: “Trào lưu áo dài cách tân trong Tết Nguyên đán này thể hiện sự lai căng thái quá, như một nồi lẩu bạ cái gì cũng cho vào. Nếu số đông chấp nhận trào lưu áo dài cách tân này thì đó là sự thể hiện sự đi xuống của thẩm mỹ một bộ phận công chúng. Tại sao một tà áo phủ lên tấm váy xòe như hình ảnh của một nô tỳ mặc cái tạp dề, lại có thể coi là áo dài? Thật đáng sợ nếu như ai đó thiết kế ra mẫu này, chỉ quan tâm đến ý thích bồng bột của khách hàng mà không quan tâm đến việc tấm áo có làm đẹp cho cô gái, có nâng vẻ đẹp của cô lên hay không. Nhà thiết kế có quyền sáng tạo theo quan niệm riêng của mình, nhưng phải đạt được yếu tố tiên quyết, đó là làm cho phụ nữ Việt tỏa sáng. Có lẽ đã từ lâu hình ảnh chiếc áo dài của phụ nữ Việt đã là một phần hình ảnh của Việt Nam với thế giới. Mỗi phụ nữ hãy chọn một cách để thể hiện mình trong cái chung của dân tộc. Áo dài chỉ đẹp khi hội tụ đầy đủ yếu tố về mỹ thuật và nó đúng là một chiếc áo dài. Theo thời gian chiếc áo dài có thể ngắn lên một chút, tuy nhiên khi ngắn hơn thì chiếc quần phối cùng phải thế nào cho phù hợp. Có rất nhiều chiếc áo dài rất cầu kỳ xong chiếc quần lại rất đỗi bình thường, có khi còn làm giảm và phá hỏng sự cầu kỳ phía trên. Các NTK có quyền được sáng tạo xong điều căn bản vẫn phải hiểu định nghĩa về một chiếc áo dài”.

Áo dài cách tân – con sóng dữ dội gây hoang mang - Anh 1

Không phản ứng dữ dội nhưng chị Trần Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Công ty may Đông Bình lại dự đoán trước sự chết yểu của kiểu áo dài cách tân rộ lên trong Tết Nguyên đán 2017. Chị không thấy nó đẹp, nhưng do các bạn trẻ thích cái lạ nên không cần quan tâm đến cội nguồn, cứ mua một đến vài cái mặc chơi, chán thì bỏ. Những người thiết kế nên kiểu áo dài cách tân này thì cũng sẽ có cách bao biện cho những gì họ đã làm. Tuy nhiên nó sẽ sớm thoái trào. Chẳng cần ai phải ra tay đâu.
Mặc cho các nhà thiết kế danh tiếng phản ứng, dư luận không thích, các bạn trẻ vẫn phơi phới ra đường với áo dài cách tân. Facebook ngập tràn áo dài cách tân. Khi thấy kiểu áo dài cách tân được đồng lứa mặc nhiều, con gái tôi khen kiểu áo trông cũng hay mắt, hiện đại, nhưng nếu đẹp thì chưa hẳn. Và con cũng chưa chọn áo dài cách tân để mặc. Trước việc có dư luận phản đối áo dài cách tân, cũng nhiều nhà thiết kế danh tiếng nêu ý kiến không đồng thuận với sự cách tân của áo dài, con gái tôi cho rằng, có thể do các nhà thiết kế danh tiếng chỉ thiết kế áo dài truyền thống, không dám mạnh tay thay đổi nên họ phải bảo vệ kiểu dáng truyền thống, cũng như bảo vệ sự bảo thủ của chính họ. Nếu áo dài đẹp mà chỉ ở trên sàn diễn hay trong các trang tạp chí thôi, không xuống đường được, không đi vào cuộc sống đời thường được thì mẫu áo đó cũng không có đời sống. Mẫu áo dài nào được nhân dân chấp nhận và sử dụng, thì mẫu áo đó sống thực sự, bất kể đời sống ngắn hay dài. Chuyện mặc là quyền tự do của mỗi người, bất khả ép.
Vậy chúng ta chờ kiểu áo dài cách tân này sớm chết yểu, chờ làn sóng dữ dội này lặng đi, hay chúng ta sẽ xem xét ra một bộ luật với áo dài? Hoặc ta sẽ chia ra hai thể loại: áo dài truyền thống và áo dài cách tân? Điều này cần các cơ quan chức năng vào cuộc, cần những cuộc hội thảo nghiêm túc về áo dài. Biết đâu, sau cơn sóng lớn, sau những trăn trở thực sự, áo dài sẽ bước sang một kỷ nguyên phồn thịnh mới?

Kiều Mai
 

Ý kiến bạn đọc