Tơ lụa trong đời sống hiện đại: Không có chỗ đứng nếu thiếu các nguyên tắc sống văn minh

Tơ lụa trong đời sống hiện đại: Không có chỗ đứng nếu thiếu các nguyên tắc sống văn minh

VH- Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tơ lụa thế giới trong đời sống hiện đại” vừa diễn ra tại Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam – châu Á tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam) đã thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ chín quốc gia: Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thành phố Kyoto, Nhật Bản, ông Takao Watanabe đã mang đến hội thảo vấn đề “Người Nhật làm gì để phát triển dòng lụa “thuần Nhật” hướng đến người tiêu dùng nội địa?”. Ông cho biết, Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản đã thống nhất các doanh nghiệp cùng đầu tư cho một dòng các loại tơ tằm thiên nhiên sản xuất tại Nhật, từ nguyên liệu, giống dâu tằm đến phương pháp nuôi trồng, sản xuất đại trà. Các Viện Nghiên cứu nông nghiệp nhận đơn đặt hàng về cải tạo giống tằm chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác đảm bảo không làm ảnh hưởng môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất. Giải pháp của Hiệp hội là làm cho khách hàng biết đây là dòng sản phẩm “Made in Japan” dành cho người tiêu dùng Nhật Bản với những hội chợ, triển lãm ở các trung tâm thương mại lớn nhất. Cả quy trình sản xuất cũng được giới thiệu tỉ mỉ như tơ Nhật do các tập đoàn sản xuất liên kết với các trang trại để quản lý về chất lượng, quy trình hoàn toàn thiên nhiên và bảo vệ môi trường chặt chẽ. Sau hai năm, 210 công ty Nhật Bản đã giới thiệu 570 sản phẩm lụa khác nhau, với các mẫu mã độc đáo nhất để người Nhật hiểu rõ đây là hàng “Made in Japan” và hướng tới người tiêu dùng Nhật Bản. Người tiêu dùng đã nhanh chóng tiếp nhận dòng sản phẩm mới, đến mức sau tám năm các công ty vẫn chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu của thị trường. Và người Nhật coi loại tơ lụa “Made in Japan” là một thương hiệu mang tầm quốc gia, được dùng trong những dịp trọng đại của quốc gia, quốc tế và mỗi gia đình.

Tiến sĩ Pajaree Kewcharoenwong, Giám đốc Truyền thông của Tập đoàn Spun Silk World đến từ Thái Lan cho biết: Điều hấp dẫn chính là tập trung lại và hợp tác cùng nhau vì mục tiêu chung: Tơ lụa. Bằng cách nào đó để lụa đi vào đời sống. Nó là công việc kinh doanh, là sở thích, nghệ thuật, văn hoá, hay đơn giản là thứ gắn bó với chúng ta. Bà dẫn chứng kinh nghiệm từ Spun Silk World. Hiện nay, mỗi năm, tập đoàn cung cấp 24.000 tấn lụa cho các đối tác Thái Lan, xuất khẩu sang Nhật Bản và một số nước châu Âu bao gồm Ý, Pháp… Về chất lượng sản phẩm, tập đoàn đã sử dụng hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt với hai chứng chỉ quan trọng trong ngành công nghiệp dệt may. Để đạt được điều này, quá trình sản xuất hoàn toàn không sử dụng hóa chất độc hại như hóa chất khử trùng bằng clo hoặc các kim loại nặng. Thứ hai là nguyên liệu đều có nguồn gốc hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu... Tập đoàn cũng được chứng nhận trách nhiệm với môi trường và xã hội, xử lý triệt để khí thải, nước thải, chất thải rắn; có một chính sách môi trường và năng lượng nghiêm ngặt.

Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Tơ lụa Quảng Nam trăn trở: “Giá tốt “ trong sản phẩm lụa của người Nhật là bao hàm của chất lượng tốt, ứng xử văn minh của con người với mảnh đất chúng ta đang sống dù phải tốn kém. Là thái độ yêu quý, bảo vệ môi trường tích cực dù giá thành sản phẩm sẽ cao, và người thợ hoặc công ty sản xuất có tương lai tốt với sản phẩm đó. Giá tốt không phải là giá rẻ. Lụa Việt Nam sẽ đứng ở đâu, sẽ xây dựng thương hiệu trên quan điểm nào đều không thể tránh khỏi những nguyên tắc sống văn minh đó. Và không chỉ lụa, tất cả các loại hàng hóa khác đều cùng con đường. Điều đáng suy nghĩ là chúng ta đang vận động người tiêu dùng quay lại với hàng Việt, nhưng cần có một chiến lược xây dựng quy chuẩn về chất lượng, văn hóa, văn minh trong khái niệm hàng Việt để cả người sản xuất và tiêu dùng hướng vào cân, đong, đo, đếm. Ông cho biết thêm, trong thời gian sắp đến, Làng lụa Hội An sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình “Bảo tàng sống trong lòng di sản sống Hội An về nghề tơ lụa” với việc hoàn thiện quy trình ươm tơ dệt lụa, bổ sung hiện vật, trưng bày hiện vật tơ lụa của các nước châu Á để người xem có đối sánh về tơ lụa mỗi dân tộc.

Khánh Chi 

Ý kiến bạn đọc