Áo yếm: “Di sản trang phục” của Việt Nam

VH- Hình ảnh những cô gái thướt tha trong tà áo dài duyên dáng từ lâu đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển lịch sử trang phục dân tộc, Việt Nam không chỉ có áo dài mà còn có áo yếm - thứ trang phục không thể thiếu của người con gái xưa và được là một di sản trang phục của người phụ nữ VN.

Những hiện vật khảo cổ từ thời Đông Sơn, như tượng người trên cán dao găm, trên chuôi kiếm ngắn hay những hình khắc trên tang trống đồng… phản ánh cách phục sức của người phụ nữ thời đó đã mặc yếm. Như vậy cách đây hàng ngàn năm, từ thời Hùng Vương, chiếc yếm đã trải qua bao thăng trầm lịch sử của đất nước mà vẫn hiện hữu cho tới ngày nay trên trang phục của các pho tượng, phù điêu, chạm khắc nơi đình chùa…Từ tầng lớp quý tộc vương phi hay thị nữ trong cung đình đến người dân lao động và trên sân khấu chèo truyền thống, trong trò chơi ngày hội dân gian hay những canh hát quan họ của liền anh liền chị vùng Kinh Bắc…
Kết cấu của yếm thật đơn giản, số lượng vải không nhiều, chỉ là một vuông, mỗi chiều khoảng 40cm (xưa kia dệt thủ công, khổ vải chỉ rộng khoảng 30, 40cm), đặt chéo trước ngực đủ để che kín phần ngực và bụng người mặc. Một góc vải được khoét tròn là nơi cổ yếm, có hai dải hai bên góc cổ để buộc ra sau gáy; hai dải ở hai góc cạnh sườn người mặc, buộc phía sau lưng. Áo yếm nói nôm na là cái yếm là một thứ trang phục nội y không thể thiếu của người phụ nữ Việt xưa. Nó là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, được dùng để che ngực. Không chỉ vào chốn cung đình với các mệnh phụ công nương, cái yếm còn ra ruộng đồng “dầm mưa dãi nắng” với người nông dân và cùng với chiếc áo tứ thân, cái yếm theo chị em đến với hội đình đám, góp phần tạo nên bộ “quốc phục” của quý bà thời xưa.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc yếm được ra đời là để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, một cô gái đẹp là phải có cái lưng được thắt đáy nhỏ nhắn như cái lưng ong. Người Việt xưa cho rằng những cô gái với cái lưng ong không chỉ mang một dáng hình đẹp mà còn có đầy đủ tất cả những đức hạnh của một người vợ, người mẹ. Yếm là một phần trong tổng thể bộ trang phục của người phụ nữ Việt. Yếm đi với áo cánh, tôn vẻ đẹp của cổ cao ba ngấn, bờ vai tròn lẳn; yếm trắng với áo dài tứ thân, màu nâu non tạo sự nền nã của các chị tiểu thương, hay các cô thôn nữ… Yếm đỏ, yếm đào trong bộ áo mớ ba mớ bảy của các cô gái trảy hội ngày xuân, tôn lên sự rực rỡ nhưng hài hòa và đồng thời cũng là một điểm nhấn cực mạnh của thị giác. Mảng màu của chiếc yếm, ở nơi ngực ấy, đã là một nét độc đáo, ý nhị đầy biểu cảm…
Về hình thức của chiếc yếm rất đơn giản và cũng rất giản dị, dễ cắt may, dễ mặc, tiện dụng trong đời sống. Nhưng nó lại mang nhiều ý nghĩa về giá trị tinh thần và là một phần biểu trưng của tình yêu, tình người. Yếm đã đi vào thơ ca với vẻ đẹp lãng mạn, dưới con mắt của đấng “mày râu”, yếu tố thị giác rất gợi cảm của chiếc yếm: “Đàn bà yếm thắm, hở lườn mới xinh…”.
Theo định nghĩa thực dụng thông thường về yếm: Là đồ lót bên trong, có tác dụng che ngực, che bụng. Nhưng cái phần nhỏ trong trang phục để che ngực ấy lại là một nét trong văn hóa mặc. Người xưa coi yếm là cái gì đó còn mang tính thiêng liêng, không ai bán yếm may sẵn, người con gái thường tự cắt may lấy, khi giặt, phơi cũng phải kín đáo tránh lộ liễu. Yếm đào là một phần trang phục không thể thiếu của người con gái thời xưa. Khi bước vào tuổi dậy thì, các cô gái bắt đầu chú ý đến bản thân và biết làm đẹp cho mình. Đó cũng là khi họ e ấp mặc chiếc yếm đào với vẻ kín đáo, đằm thắm và dịu dàng.
Hình ảnh thiếu nữ Hà Nội xưa đã uyển chuyển đi vào trong thơ ca, hội họa, mà đặc trưng nhất là những bức tranh “Tố nữ” của các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống với hình ảnh các thiếu nữ mang vẻ đẹp thanh thoát, kín đáo phô ra đường nét rất đài các, tinh tế nơi phồn hoa đô thị. Có ý kiến đã từng nhận định rằng, ngay trong những bộ quần áo cần lao giản dị, người Tràng An vẫn đượm vẻ phong lưu... bởi lẽ vẻ đẹp thanh lịch của người con gái đất kinh kì được tỏa ra từ phong thái điềm tĩnh, đoan trang, nhàn hạ.
Trên thực tế thì các mẫu trang phục châu Âu cũng có những kiểu yếm và áo ngực mới lạ, phụ nữ mặc phía trên phần thân chỉ bằng một mảng vải che ngực. Nếu để so sánh những mẫu áo của châu Âu như vậy thì áo yếm của ta vẫn rất kín đáo và mức độ gợi cảm cũng không hề thua kém. Đó là lý do các nhà thiết kế của ta đã mạnh dạn đưa áo yếm trở thành trang phục bên ngoài với nhiều cách tân, cách điệu. Giới trẻ tiếp nhận thời trang áo yếm truyền thống rất nhanh và áo yếm được sử dụng ở mọi chỗ như những cuộc đi chơi, dạo phố, dã ngoại. Sự xuất hiện của áo yếm cách điệu trong các cuộc trình diễn thời trang hay các tiết mục múa, biểu diễn trên sân khấu. Rõ ràng sự hiện diện của áo yếm trong xã hội hiện đại là một hình ảnh vừa kín đáo để bảo vệ thuần phong mỹ tục nhưng cũng tăng thêm vẻ đẹp mềm mại, quyến rũ của người phụ nữ VN.

Họa sĩ Đoàn Thị Tình

Ý kiến bạn đọc