Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Khởi động LHP VN lần thứ 20: Đậm sắc màu hội nhập

Thứ Hai 31/07/2017 | 13:28 GMT+7

VH- Diễn ra tại TP Đà Nẵng từ ngày 24 - 28.11, với khẩu hiệu đổi mới: “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn”, LHP VN lần thứ 20 là sự trở lại thành phố bên sông Hàn sau 29 năm, kể từ LHP VN lần 8 - thời điểm phim thị trường đang trong giai đoạn cực thịnh.
Lần đầu tiên, Giải thưởng Điện ảnh ASEAN được trao trong khuôn khổ của LHP Quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN, cũng là năm đầu tiên LHP VN ở mảng phim truyện điện ảnh chỉ là cuộc “so găng” của các nhà làm phim tư nhân. 

Phim kịch bản nước ngoài được tham gia dự thi
Sự vắng mặt của phim Nhà nước tài trợ, hay còn gọi là “phim đề tài truyền thống cách mạng” không phải là dấu lặng buồn của điện ảnh Việt. Đơn giản chỉ là những “khúc mắc hành chính” khiến việc tài trợ cho phim chưa được thông tỏ. Điện ảnh là “cuộc chơi tốn kém”, không có tiền thì việc sản xuất phim cũng tắc. Không có những “bom tấn” đề tài truyền thống cách mạng tham ra dự giải, các bậc lão niên trong ngành điện ảnh, những bậc cây đa, cây đề; những người tạo dựng được tên tuổi nhờ mảng phim này sẽ có cơ hội “soi”, đánh giá khách quan và công tâm sự nhập cuộc của “con, cháu” với tinh thần hội nhập.
Theo đó, khác với Giải Cánh diều, nói không với kịch bản ngoại, LHP VN lần này rộng cửa cho phim làm lại (re-make) từ kịch bản phim nước ngoài, cho phép phim re-make tham dự tất cả các chương trình của liên hoan phim. Trường hợp phim tuyển chọn vào vòng dự thi, chỉ không xét giải thưởng dành cho phim và giải kịch bản, còn lại các giải cá nhân khác đều được xét và trao thưởng.

Cuộc họp của Ban chỉ đạo và Ban tổ chức LHP VN lần thứ 20 Ảnh: Trần Huấn


Nói về điều này, TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo LHP khẳng định: “Dù là phim làm lại kịch bản nước ngoài thì các thành phần sáng tác cũng phải phát huy năng lực, sự sáng tạo cá nhân để hoàn thành tốt nhất vai diễn hay công việc của mình”. Nếu không phải là đạo diễn tài năng; diễn viên xuất sắc; nhà quay phim tài ba… thì dù kịch bản của nước ngoài có hay đến mấy cũng khó trở thành một phim Việt hóa chất lượng; khó có vai diễn đọng lại trong lòng người xem. Ghi nhận công sức của các cá nhân ở loại phim này là điều cần thiết nếu chúng ta đã thừa nhận sự tiếp nhận văn hóa trong thế giới phẳng.
Cũng mang yếu tố “ngoại” tại LHP lần này, Giải thưởng điện ảnh ASEAN với chủ đề “Điện ảnh kết nối cộng đồng ASEAN”là sân chơi riêng của 9 nền điện ảnh trong khu vực. Với tiêu chí hướng đến các tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất và các nhà làm phim, nghệ sĩ điện ảnh có sức sáng tạo nổi bật trong các nước ASEAN để vinh danh hằng năm, đồng thời phát hiện và khích lệ tài năng mới của điện ảnh ASEAN, tại LHP VN lần thứ 20 sẽ trao giải cho Phim xuất sắc nhất; Đạo diễn xuất sắc nhất; Nam diễn viên chính xuất sắc nhất; Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Ban giám khảo của giải thưởng này bao gồm 3 thành viên là các nhà hoạt động điện ảnh có uy tín ngoài khu vực các nước ASEAN.

 
 Sau 29 năm, LHP VN lại được tổ chức tại Đà Nẵng và đây cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh thành phố bên bờ sông Hàn
Dốc sức để sự trở lại Đà Nẵng của LHP VN mang dấu ấn

"Ấn tượng của tôi về LHP VN lần thứ 8 tổ chức tại Đà Nẵng 29 năm trước là khán giả đặc biệt nồng nhiệt. Có một anh xích lô chở tôi lòng vòng các phố, vừa đi vừa kể những điều đáng yêu về thành phố Đà Nẵng. Khi biết tôi là biên kịch vừa đoạt giải Vàng - kịch bản phim Truyện cổ tích cho tuổi 17, anh nhất quyết từ chối không lấy tiền xe." (Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã)

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo và Ban tổ chức LHP cuối tuần qua, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng sẽ nỗ lực phối hợp để tổ chức thành công LHP VN lần thứ 20.

Từ tháng 6, Cục Điện ảnh đã cử đoàn công tác vào Đà Nẵng khảo sát thực địa và nêu yêu cầu phối hợp.

Lễ khai mạc và Bế mạc LHP được “chốt” tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương, truyền hình trực tiếp trên VTV2 (khai mạc) và VTV1 (bế mạc). Phim dự thi, phim trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh chiếu tại hệ thống rạp của Lotte, Thiên Ngân, CGV và các cơ sở chiếu phim của thành phố Đà Nẵng. Riêng 3 buổi chiếu phim ngoài trời, trước các buổi chiếu có 30 phút trình diễn thời trang, BTC đề nghị Đà Nẵng lựa chọn vị trí bên sông Hàn để thu hút công chúng.
Do LHP lần này số lượng nghệ sĩ là người nước ngoài, Việt kiều khá đông, những gương mặt nổi bật trong giới điện ảnh, showbiz cũng hội tụ về đây nên BTC coi LHP là cơ hội để quảng bá hình ảnh thành phố bên sông Hàn. Trên tinh thần xúc tiến, quảng bá du lịch cho Đà Nẵng thông qua LHP, BTC đề nghị phía Đà Nẵng tổ chức các điểm đến, các tour tham quan dành cho nghệ sĩ và các đại biểu dự LHP.
Với tư cách Trưởng ban chỉ đạo LHP, Thứ trưởng Vương Duy Biên yêu cầu Cục Điện ảnh nhanh chóng xây dựng kịch bản Khai mạc, Bế mạc. Tiêu chí là mới, lạ, hấp dẫn, có dấu ấn của Đà Nẵng - thành phố đáng sống nhưng cũng thể hiện được tinh thần hội nhập - nét riêng của LHP lần này với sự quy tụ của các thành phần sáng tạo là người nước ngoài và Việt kiều. 

sáng tạo là người nước ngoài và Việt kiều. 

 

LHP VN lần thứ 8 tổ chức tại Đà Nẵng từ 15 - 22.3.1988, đánh dấu sự trở lại ấn tượng của nghệ sĩ Trà Giang

Cố NSND Trịnh Thịnh từng đoạt giải Diễn viên nam xuất sắc nhất trong phim Thị trấn yên tĩnh tại LHP VN lần thứ 8 tổ chức tại Đà Nẵng

Với vai bà mẹ (phim Huyền thoại mẹ) và bà Ba Đề Thám (phim Thủ lĩnh áo nâu), nghệ sĩ Trà Giang đã “gặt” Bông sen vàng diễn xuất cùng với Minh Châu (phim Cô gái trên sông). Đây là LHP mở đầu cho thời kỳ mới của điện ảnh - Nhà nước không còn bao cấp toàn bộ cho điện ảnh, các hãng phim và công ty điện ảnh chuyển sang cơ chế hạch toán - kinh doanh, phim thị trường xuất hiện và nở rộ sau đó.

Hai phim nhận giải Bông sen vàng thời kỳ điện ảnh “bao cấp toàn bộ” tại LHP lần này là Anh và em (đạo diễn Trần Vũ - Nguyễn Hữu Luyện) và Truyện Cổ tích cho tuổi mười bảy (đạo diễn Xuân Sơn).

Giải kịch bản hay nhất thuộc về Trịnh Thanh Nhã (phim Truyện cổ tích cho tuổi mười bảy), Đoàn Trúc Quỳnh (phim Thị trấn yên tĩnh); đạo diễn xuất sắc: Xuân Sơn (phim Truyện cổ tích cho tuổi mười bảy), Lê Đức Tiến (phim Thằng Bờm); nam diễn viên xuất sắc nhất: Trịnh Thịnh (vai ông Phó chủ tịch huyện, phim Thị trấn yên tĩnh và vai ông Bờm phim Thằng Bờm); quay phim xuất sắc: Trương Minh (phim Truyện cổ tích cho tuổi mười bảy), Trần Ngọc Huỳnh (phim Phiên tòa không cần chánh án); họa sĩ xuất sắc: Phạm Quang Vĩnh (phim Thủ lĩnh áo nâu ); Âm nhạc xuất sắc: Đỗ Hồng Quân (phim Thằng Bờm) và nhạc sĩ Nguyễn Xinh (phim Truyện cổ tích cho tuổi mười bảy). 

Chu Thu Hằng

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top