Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Điện ảnh Việt đang thờ ơ với thiếu nhi?

Thứ Tư 07/06/2017 | 14:34 GMT+7

VH- Trẻ em là một phần không thể thiếu của điện ảnh thế giới. Nhiều hãng phim trở nên nổi tiếng và trở thành tập đoàn khổng lồ nhờ vào phim thiếu nhi, điển hình như Hãng Walt Disney. Mảnh đất màu mỡ để… làm giầu thế nhưng tại VN, mảng phim này đang còn rất mỏng, thậm chí để “trống trận địa” cho phim ngoại ào ạt tấn công.

Sau bộ phim truyện nhựa Tâm hồn mẹ được coi là tác phẩm điện ảnh đề tài thiếu nhi giới thiệu tại LHP Việt Nam lần thứ 17 năm 2011, có nhiều cảnh “chỉ dành cho người lớn” khiến các em học sinh lớp 7- 8 khi xem phải che mắt xấu hổ thì mãi 4 năm sau, năm 2015, mới có phim cho thiếu nhi Bảo mẫu siêu quậy của đạo diễn Lê Bảo Trung ra rạp như một nhân tố tiên phong. Dù không quá xuất sắc nhưng đây là một phim hiếm hoi về đề tài trẻ em và gia đình mà trẻ em xem thấy đúng là mình trong đó và người lớn xem cũng thấy vui. Phim phản ánh cuộc sống hiện đại, khi những ông bố, bà mẹ vì mải mê công việc nên không còn thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Bên cạnh đó, phim còn đề cập đến nhiều vấn nạn xã hội nổi cộm gần đây như bắt cóc trẻ con hay bạo hành xảy ra ở các cơ sở giữ trẻ tư nhân... được diễn tả dưới góc nhìn hài hước, nhẹ nhàng.
Cũng năm 2015, dịp cuối năm, một phim thiếu nhi khác đã làm nên hiện tượng của điện ảnh Việt với doanh thu “khủng” khi công chiếu là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Tưởng chừng đã đến thời của phim thiếu nhi ở năm 2016 nhưng cũng chỉ có Lê Bảo Trung tiếp nối cho ra Bảo mẫu siêu quậy 2 và đến năm 2017 này cũng lại Lê Bảo Trung với phim Anh em siêu quậy ra rạp. Nội dung là câu chuyện về hai anh em Ku Tin và Ku Ton không muốn cha mẹ san sẻ tình thương cho bé khác.
Năm 2016 hơn 50 phim Việt được sản xuất và ra rạp hơn 40 phim với đủ các đề tài, nhưng chỉ có một phim cho thiếu nhi. Năm 2017, nhiều dự án lên đến con số từ 50- 60 phim, nhưng đến hè này chỉ một phim của Lê Bảo Trung ra rạp. Xem ra, phim điện ảnh Việt dành cho thiếu nhi có vẻ không được quan tâm, không nhà sản xuất nào “mặn” với nó, dù đây là đối tượng xem phim không hề nhỏ.

Trong khi các nhà làm phim trong nước thờ ơ với mảng phim thiếu nhi thì hàng loạt “bom tấn” thương hiệu Hollywood ồ ạt được nhập tung vào rạp, nhiều phim được lồng tiếng, phát hành song song với các quốc gia trên thế giới. Tháng 5 có các phim Vẹt cò phiêu lưu ký, Biệt đội biển xanh, Doraemon: Nobita và chuyến thám hiểm Nam cực Kachi Kochi, Ranh giới hư ảo. Riêng tháng 6 gần như toàn siêu phẩm: Chiến binh sa mạc, Captain Underpants, Spark: A space tail, Vùng đất quỷ dữ , Cars, Giải mã giấc mơ, Truy tìm Dory, Despicable Me 3… của các hãng Disney và Pixar, Illumination, DreamWorks được 20th Century Fox phát hành.
Lý giải việc phim thiếu nhi Việt thiếu và yếu, nhiều nhà sản xuất phim cho rằng làm phim thiếu nhi khó nên chưa mạnh dạn đầu tư bởi nhiều nguyên nhân: Thiếu kịch bản, thiếu diễn viên “nhí”, lợi nhuận thấp và dễ bị lỗ. Các đạo diễn thì ngại đề tài phim thiếu nhi do việc quay rất khó khi diễn viên là trẻ con, kịch bản lại ít và càng hiếm kịch bản hay, kịch bản phim lại do người lớn viết nên bao giờ các nhân vật trong phim thường thành “cụ non”. Trên thực tế nhiều đợt vận động sáng tác cho trẻ em trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thực chất chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.
Làm phim cho thiếu nhi là phải mang nhiều yếu tố hài hước, nhìn nhận vấn đề theo xu hướng tích cực và kết phim phải… có hậu. Phần khác, làm phim cho thiếu nhi khó vì trẻ em Việt Nam sống trong môi trường thiếu sự tự nhiên để cho các em được bộc lộ bản thân, suy nghĩ cũng như việc làm của mình.
Trong kho tàng văn học của Việt Nam, có bao nhiêu tác phẩm văn học, lịch sử dành cho thiếu nhi. Nên chăng, chuyển thể những tác phẩm văn học, câu chuyện lịch sử lên màn ảnh rộng lại là phương án hữu hiệu, mang đến sự tò mò và kỳ vọng cho khán giả nhí nước nhà. Và thêm một lần nữa, slogan “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” với trẻ em Việt mong được các nhà làm điện ảnh Việt chú ý, quan tâm.


Hoài Hương

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top