Tiền ảo, tiền điện tử: Không thể đứng mãi ngoài cuộc

VH- Tiền điện tử, hay còn gọi là tiền mã hóa (cryptocurrency) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009 dưới cái tên “Bitcoin”. Sau gần 10 năm, tiền điện tử hiện đã trở thành một xu hướng đầu tư “nóng”, thu hút hàng triệu người đầu cơ trên khắp thế giới. Giá trị của đồng Bitcoin tăng vọt với 100 đô la Mỹ Bitcoin năm 2010 tương đương với 2 triệu đô vào năm 2017. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Tiền điện tử là phương thức trao đổi sử dụng mật mã để đảm bảo an toàn giao dịch và kiểm soát các đơn vị tiền mới được tạo ra. Loại tiền này trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian, giúp giảm thiểu phí giao dịch. Người dùng sử dụng tiền điện tử được ở mọi nơi trên thế giới, thậm chí đổi thành tiền mặt khi cần thiết. Dưới hình thức đồng Bitcoin, đồng Ethereum, đồng Steem…, đây còn là nguồn đầu tư tài chính hiệu quả. Đan Mạch có thể trở thành nước đầu tiên trên thế giới hoàn toàn không dùng cả tiền giấy và tiền xu; nếu đề xuất việc sử dụng hoàn toàn tiền điện tử trong giao dịch của Chính phủ được ủng hộ để trở thành luật. Không chỉ Đan Mạch mà tại nhiều quốc gia châu Âu khác, xu hướng dùng tiền kỹ thuật số cũng đang tăng. Cụ thể, tại Na Uy, tiền mặt chỉ được sử dụng trong 5% giao dịch.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Đồng thời, NHNN cũng liên tục cảnh báo những rủi ro liên quan tới tiền ảo. Theo các chuyên gia, tiền ảo có thể trở thành công cụ cho tội phạm như: rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch và thanh toán tài sản phi pháp. Bên cạnh đó, tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.
Mặc dù vậy, với thực trạng phát triển của các loại tiền ảo, tiền điện tử hiện nay, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Trên thực tế, tiền điện tử đã xuất hiện từ lâu dưới nhiều hình thức. Phổ biến nhất là loại tiền điện tử offline (thẻ trả trước, thẻ thông minh), tiền điện tử online (ví điện tử), đồng Bitcoin… Trong đó, xuất hiện từ năm 2009, đồng Bitcoin đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Doanh nghiệp quản lý sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam cho biết tăng trưởng đến 2 con số mỗi năm về lượng người dùng, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày hiện lên đến hàng nghìn USD. Bitcoin là đồng điện tử đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian được gọi là chuỗi khối (blockchain).

Tiền ảo, tiền điện tử: Không thể đứng mãi ngoài cuộc - Anh 1

 Blockchain là xu hướng mới trong tương lai


Do đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Đề án được xây dựng với mục tiêu nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Thủ tướng Chính phủ giao NHNN trong tháng 8.2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử; giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 6.2019.
Liên quan đến vấn đề này, Hội thảo “Tiền điện tử và chuỗi khối Blockchain 2017” do Cty TNHH Đầu tư phát triển và Truyền thông MVS vừa tổ chức tại Hà Nội đã thu hút nhiều chuyên gia kinh tế. Thông tin tại Hội thảo cho thấy, Bitcoin là đồng điện tử đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian được gọi là chuỗi khối (blockchain). Tiền điện tử và blockchain đã làm cho toàn thế giới công nghệ và tài chính nghiên cứu các ứng dụng cho nhiều ngành khác nhau. Cụ thể đã có tới 2 tỉ USD đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng blockchain trong 5 năm qua thông qua các Quỹ tại nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa, blockchain cũng đã đột phá tạo nên nhiều ứng dụng giao dịch số hoá thành công trên tiền điện tử và thanh toán; tài chính và thị trường như: cổ phiếu, chi phiếu, quản lý nợ sở hữu hay tài sản; giáo dục, y tế, nghệ thuật. Theo chuyên gia kinh tế, GS Hà Tôn Vinh, từ mức giá khoảng 13 USD trong năm 2013, hiện nay giá Bitcoin đã lên trên 5.000 USD và có thể lên tới 10.000 USD. Đáng chú ý, sau khi chia tách thành Bitcoin Cash và Bitcoin từ ngày 1.8.2017, giá tiền ảo Bitcoin có xu hướng tăng nhanh và liên tiếp xác lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên, cũng theo GS Hà Tôn Vinh, việc sử dụng tiền ảo, tiền điện tử không phải được công nhận ở mọi quốc gia. Đơn cử, như cơ quan quản lý Trung Quốc bắt đầu giám sát chặt các hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu (ICO) - việc huy động tiền mặt hoặc tiền ảo khác thông qua tiền mật mã sẽ bị cấm. Trước đó, các cơ quan quản lý tại Mỹ, Singapore và một số nước khác đã nêu bật những rủi ro về rửa tiền và gian lận mà các nhà đầu tư phải đối mặt khi tham gia mua vào trong một đợt chào bán token kỹ thuật số.
Đối với Việt Nam, đây vẫn là hình thức còn mới mẻ. Trên thực tế hoạt động kinh doanh tiền ảo và nền tảng công nghệ tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, hoạt động kinh doanh tiền ảo ẩn chứa nhiều rủi ro, và các nhà đầu tư cần tránh bị “cám dỗ” của Bitcoin và những loại tiền ảo khác để không bị rơi vào tình cảnh khốn quẫn. Nhưng cho có rủi ro gì đi chăng nữa thì không thể phủ nhận rằng blockchain là xu hướng mới trong tương lai. Không đề cao thái quá nhưng cũng không thể mãi đứng ngoài “cuộc chơi”.


Đức Hải

Ý kiến bạn đọc