Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kinh tế

29 Tháng Ba 2024

Phát triển nghề công tác xã hội trong việc chăm sóc người có vấn đề sức khỏe tâm thần (Bài 2) Nghề công tác xã hội trước nhu cầu phát triển

Thứ Sáu 15/12/2017 | 09:00 GMT+7

VH- Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa và cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020 (Đề án 1215),  vai trò của nghề công tác xã hội (CTXH) trong việc quản lý bệnh tâm thần được nâng lên.

Với nhiều kết quả khả quan trong việc xây dựng đội ngũ, mạng lưới…tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống để phát triển nghề công tác xã hội một cách chuyên nghiệp.

Phát triển các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần

Theo số liệu của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), đến nay, có 200.000 đối tượng là người tâm thần nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng, 13.000 đối tượng thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc được tiếp nhận, chăm sóc phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đến nay, đã có 50 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó có gần 30 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 20 cơ sở tổng hợp; số giường bệnh tăng từ 3.000 năm 2010 lên 13.000 giường bệnh tại các cơ sở trợ giúp cho người bệnh sức khỏe tâm thần. 

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết,  gần 20 trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí cũng được mở rộng, nâng cấp tại các tỉnh, thành phố: Bến Tre, Ninh Thuận, Long An, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An..; xây mới Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại ba tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Bắc Giang. Đắc Lắk. Xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại một số Trung tâm và bệnh viện thuộc Bộ và một số tỉnh, thành phố, gồm: Đà Nẵng, Đắc Nông, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Các mô hình này tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ, tư vấn, tham vấn, kết nối nối chuyển tuyến cho đối tượng bị rối nhiễu tâm trí, sang chấn tâm lý, khủng hoảng tâm lý, có nguy cơ cao bị bệnh tâm thần.
Cũng theo ông Hồi, để đáp ứng nhu cầu, từ năm 2012 – 2015, với các tỉnh, thành phố không bố trí được ngân sách, Bộ LĐ,TB&XH đã tổ chức, đào tạo tập huấn cho 10.000 lượt cán bộ, nhân viên CTXH; tập huấn cho gia đình đối tượng về lĩnh vực sức khỏe tâm thần các kiến thức, kỹ năng, phương pháp trị liệu, chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng. Đào tạo cho 450 cán bộ quản lý các trung tâm bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cũng thừa nhận, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Các cơ sở chủ yếu chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng theo quy mô lớn, đối tượng sống xa cách với gia đình và cộng đồng. “Tình trạng cơ sở trợ giúp xã hội còn đang thiếu dịch vụ tư vấn hỗ trợ hoà nhập cộng đồng và phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý, lao động trị liệu vẫn phổ biến. Nhiều cán bộ, nhân viên chưa qua đào tạo CTXH hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau. Nhân viên y tế, nhân viên CTXH còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp còn hạn chế”, ông Nguyễn Văn Hồi chia sẻ.

Chăm sóc trẻ tự kỷ tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội)

Đào tạo nhân viên công tác xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển

Theo định hướng giai đoạn 2016 – 2020 của Đề án 1215 thì 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác; 100% gia đình có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng; Hình thành các nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại xã, phường, thị trấn có đông đối tượng.

Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách pháp luật, Bộ LĐ,TB&XH còn phải củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần,  đặc biệt là vấn đề đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên… 
Tuy nhiên, chính sự “bùng nổ” các trung tâm, cơ sở đào tạo nên dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, dù các trường đã tích cực đưa giáo viên ra nước ngoài đào tạo thạc sĩ, nhưng vẫn không đủ. Theo TS.Nguyễn Hải Hữu, Chủ tịch hội các Trường Đào tạo CTXH vì không đủ giáo viên chuyên ngành CTXH nên đa số các cơ sở đào tạo đã mời các giáo sư, tiến sĩ ngành Xã hội học sang đào tạo. Do đó, ngành CTXH bị ít nhiều bị chi phối bởi tư duy ngành xã hội học. 

“Trong chiến lược đào tạo của Đề án 132 thì phải ít nhất đào tạo 60.000 nhân viên CTXH, trong đó có khoảng 10.000 nhân viên ở trình độ đại học và sau đại học, còn lại trình độ sơ cấp, trung cấp nghề. Có 2 vấn đề đặt ra, dù trong thời gian ngắn nhưng Việt Nam được thế giới đánh giá là sự bùng nổ các cơ sở đào tạo nghề CTXH với 53 cơ sở và trường ĐH, CĐ nghề CTXH. Thực tế cho thấy, rất nhiều người đang nhầm lẫn hoạt động từ thiện nhân đạo với  hoạt động CTXH, trong khi hoạt động CTXH mang tính chất chuyên sâu, liên quan đến việc kết nối tâm lý, dịch vụ, quản lý ca... Mặt khác, nhân viên CTXH hiện nay đa phần có kinh nghiệm lâu năm nhưng kỹ năng hành nghề chưa hoàn chỉnh.  Do đó, trong chiến lược đào tạo cần song song cả hai việc: một là đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cho các đội ngũ giáo viên, nhân viên CTXH", ông Nguyễn Hải Hữu cho hay. 

Cũng theo Chủ tịch hội các Trường Đào tạo CTXH, cần vận dụng kinh nghiệm quốc tế về định hướng chương trình nội dung đào tạo sao cho phù hợp với vị trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường; xác định rõ 4 lĩnh vực việc làm chính của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CTXH bao gồm lĩnh vực an sinh xã hội/trợ giúp xã hội; lĩnh vực y tế, lĩnh vực giáo dục và lĩnh vực tư pháp. Đồng thời, khuyến khích sinh viên tự định hướng lựa chọn các môn học phù hợp với việc lựa chọn việc làm sau khi tốt nghiệp. Việc lựa chọn cơ sở thực hành nghề CTXH cũng phải gắn với vị trí việc làm sau khi ra trường, như vậy sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo. Đối với chuyên ngành CTXH trong lĩnh vực y tế nói chung và CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng cần có những môn học bắt buộc liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH trong lĩnh vực y tế.

Quỳnh Hoa
 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top