Bà Rịa – Vũng Tàu: 93.000 lao động bị ảnh hưởng vì doanh nghiệp nợ BHXH

VH- Theo số liệu của BHXH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến 30.9.2017, toàn tỉnh có 3.320 đơn vị nợ tiền đóng BHXH (từ 1 tháng trở lên) với số tiền 237 tỉ đồng (chiếm 5,23% so với kế hoạch thu).

Việc này đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 93.000 người lao động, nhất là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là lực lượng được đánh giá là còn nhiều khó khăn trong đời sống vật chất cũng như tinh thần.

Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc BHXH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thừa nhận tình trạng nợ đọng BHXH đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Trong số các doanh nghiệp nợ đọng, các doanh nghiệp đang hoạt động nợ BHXH dưới 3 tháng hơn 110 tỉ đồng, nợ từ 3 tháng đến dưới 6 tháng 49 tỉ đồng, nợ trên 6 tháng 83 tỉ đồng tác động đến quyền lợi của hơn 93.000 người lao động. Nếu tính theo nhóm tuổi nợ, thì nhóm nợ từ 1 đến dưới 3 tháng còn có khả năng thu hồi; riêng nợ từ 3 tháng trở lên thì khó có khả năng thu hồi do nằm trong ngưỡng có thể phá sản hoặc làm ăn thua lỗ nên dẫn đến nợ BHXH sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của 7.285 người lao động. Nợ BHXH tập trung chủ yếu vào các đơn vị thuộc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khối liên doanh nhà nước; khối doanh nghiệp nhà nước, khối hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể.

Theo ông Hưng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng nợ BHXH là do tình hình kinh tế khó khăn, sản xuất, kinh doanh đình đốn, sức mua thị trường giảm (đặc biệt là các đơn vị liên quan đến dầu khí và các ngành phụ trợ), nhiều đơn vị bị sa sút, không có khả năng đóng BHXH làm cho nợ tăng nhanh; tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao, chấp nhận mức lãi suất chậm nộp, mức xử phạt vi phạm hành chính để chiếm dụng tiền đóng BHXH. Tính đến tháng 11.2017, theo danh sách do Sở KH-ĐT tỉnh cung cấp cho cơ quan BHXH là 1.362 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh, nhưng hơn 2/3 số đơn vị đăng ký này là đơn vị dưới 5 đến 10 lao động, có quy mô nhỏ, dễ di chuyển khi có yêu cầu thực hiện trách nhiệm về BHXH. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân chủ quan như mức xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ mạnh (mức tối đa là 75 triệu đồng); lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng, số lượng đơn vị nợ BHXH ngày càng tăng nên công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu tập trung ở các đơn vị lớn, đông lao động, nợ nhiều, thời gian kéo dài. Vì vậy, các đơn vị ít lao động (dưới 5 lao động), mặc dù thời gian nợ kéo dài vẫn chưa được thanh tra, kiểm tra triệt để.

“Chúng tôi nhận trách nhiệm về việc khi chưa kịp thời có giải pháp thu nợ hiệu quả. Mặc dù BHXH và các cơ quan có liên quan đã quyết liệt trong việc thu nợ BHXH, BHYT, BHTN, cũng như xử phạt hành chính, kể cả ở mức phạt cao nhất, nhưng chưa đủ sức răn đe, chủ doanh nghiệp vẫn chây ỳ, không thực hiện trách nhiệm đóng BHXH. Hy vọng khi Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có hiệu lực từ 1.1.2018, quy định về những mức phạt nghiêm khắc hơn thì việc xử lý nợ đọng BHXH sẽ được giải quyết tốt hơn”, Giám đốc BHXH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói.

Việc chủ doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ đọng BHXH, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Do đó, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu BHXH thống kê danh sách những doanh nghiệp nợ BHXH từ 6 tháng đến 1 năm trở lên, cung cấp ngay cho các cơ quan có liên quan và địa phương để phối hợp giải quyết vấn đề nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động.

Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc