Thừa Thiên Huế xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh

VHO- Đó là chủ đề hội nghị được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chiều ngày 22.4, nhằm xúc tiến và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và môi trường, điện và năng lượng.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành trung ương, nhiều tổ chức quốc tế và gần 70 công ty, doanh nghiệp của Hoa Kỳ cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.  

Tại hội nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM) đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng nhằm đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp Thừa Thiên Huế và doanh nghiệp Hoa Kỳ, qua đó góp phần đưa địa phương này trở thành trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, tiếp cận với các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư và công nghệ quốc tế để giới thiệu và kết nối đến cộng đồng địa phương và ngược lại.

Thừa Thiên Huế xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh - Anh 1

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị "Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh"

Các biểu dự của các Bộ ngành, đại diện các công ty, doanh nghiệp và các chuyên gia đã tích cực tham gia thảo luận các chuyên đề về tiềm năng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế ở 3 lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp và môi trường, điện và năng lượng.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định và đang xây dựng ngành du lịch dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Định hướng phát triển loại hình du lịch xanh sẽ bám sát mục tiêu của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.  Do vậy du lịch xanh sẽ được phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

Để du lịch xanh trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh trong thời gian đến, ngành du lịch đã đưa ra 5 định hướng: Khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện với môi trường; không làm tổn hại đến các giá trị tài nguyên; không phá vỡ cảnh quan và không làm biến tướng, mất đi các giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản; không đánh đổi tài nguyên, môi trường với phát triển du lịch bằng mọi giá.

Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc quản lý phát triển du lịch xanh, chú ý đến quản lý sức chứa của các điểm, khu du lịch, giám sát, điều tiết lượng khách vào các công trình di sản, điều tiết lưu lượng giao thông đến các khu/điểm du lịch.

Có khảo sát đánh giá các thị trường khách quan tâm đến du lịch xanh, thói quen chi tiêu của khách nhằm xây dựng các sản phẩm dịch vụ xanh có khả năng thu hút các nguồn khách có chất lượng và khả năng thanh toán cao để giảm quá tải, ô nhiễm cho những vùng nhất định trên địa bàn tỉnh.

Nâng cấp các tour, tuyến, các loại hình dịch vụ gắn với du lịch xanh, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát huy danh hiệu về thành phố du lịch sạch ASEAN, khách sạn Xanh ASEAN, điểm tổ chức MICE bền vững, sản phẩm du lịch đô thị bền vững đã được cộng đồng ASEAN công nhận để nâng cao nhận thức toàn dân về ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, giữ gìn vệ sinh đường phố; quản lý, xử lý tốt chất thải, nước thải; bảo vệ, gìn giữ không gian xanh.

Thừa Thiên Huế xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh - Anh 2

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất Bộ VHTTDL xây dựng và ban hành “Bộ tiêu chí du lịch xanh” cho các mảng: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành, điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc. Trên cơ sở đó các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đồng thời đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như “tour xanh”, “khách sạn xanh”, “nhà hàng xanh”, “khu nghỉ dưỡng xanh”… để du khách dễ dàng nhận diện và đăng ký sử dụng.

Ngoài định hướng phát triển du lịch xanh, Thừa Thiên Huế cũng định hướng và kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp xanh, năng lượng xanh…, hướng đến sự phát triển bền vững.

Tại hội nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng giới thiệu về tiềm năng, cơ hội đầu tư và các chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, các khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, cung cấp các thông tin, danh mục các dự án đang kêu gọi đầu tư để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, trao đổi và mở ra các cơ hội hợp tác về lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Thừa Thiên Huế còn rất nhiều tiềm năng to lớn về hợp tác đầu tư, phát triển. Chúng tôi cũng rất mong muốn có những ý kiến trao đổi, đóng góp thiết thực để chúng tôi có thể hiện thực hóa thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh nhà. Sau hội nghị, kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nước quan tâm, đến tìm hiểu và đầu tư tại địa phương cũng như giới thiệu với các bạn bè đối tác để thực hiện đầu tư những dự án có hiệu quả. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đến nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, ngày 23.4, các doanh nghiệp sẽ khảo sát thực địa, nghiên cứu đầu tư và phát triển các dự án về du lịch, nông nghiệp và đầu tư vào các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. 

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc